>> Luật Tổ chức Quốc hội phải khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản dưới luật
>> Án kéo dài lên nghị trường
>> Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả lời không chính xác về “kỳ án vườn mít”
>> Cần có quy định đặc thù về đăng ký khai sinh cho trẻ vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số
BP - Theo kế hoạch đã được công bố, tại kỳ họp lần thứ 8 (đang diễn ra ở Hà Nội), Quốc hội khóa XIII sẽ thảo luận và thông qua toàn văn Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi. Một trong những nội dung được đông đảo dư luận trong cả nước quan tâm là vấn đề nên hay không nên luật hóa quyền im lặng. Và theo suy nghĩ của tôi thì lúc này là thời điểm thích hợp để chính thức ghi nhận quyền im lặng vào trong luật. Tôi mạnh dạn đưa ra ý kiến cần luật hóa quyền được im lặng của nghi can (người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử) với những lý do sau:
Áp dụng quyền im lặng của nghi can sẽ tránh những oan sai, hay để lọt tội trong xét xử. Trong ảnh, xét xử nghi can trộm cắp ở thị xã Đồng Xoài - Ảnh: K.B
Thứ nhất, quyền được im lặng là một trong những quyền cơ bản của con người, của công dân. Trong khi đó, nghi can là người chưa bị mất quyền công dân vì chưa có quyết định hay bản án của tòa án tuyên có tội. Hơn nữa, việc áp dụng quyền im lặng của nghi can là để thực thi quyền được bào chữa của họ được quy định trong Hiến pháp. Cụ thể, tại Khoản 4, Điều 31 của Hiến pháp có quy định như sau: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Tuy nhiên, trên thực tế ở nước ta trong nhiều năm qua cho thấy, việc thực thi quyền bào chữa không hề đơn giản.
Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản liên quan đã có nhiều quy định để tạo điều kiện cho nghi can tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa nhưng việc lấy lời khai nghi can của các cơ quan tố tụng trong rất nhiều trường hợp đã làm hạn chế quyền này. Khi lấy lời khai, các cơ quan tố tụng thường hướng đến các câu hỏi có lợi cho việc chứng minh tội phạm, làm cho nghi can sớm nhận tội theo nhận định của cơ quan tố tụng nhằm nhanh chóng kết thúc vụ án. Trong khi đó, không phải nghi can nào cũng có đủ bản lĩnh, tỉnh táo, hiểu biết để khai theo hướng bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình.
Đó là chưa kể các trường hợp bị mớm cung, ép cung. Đối với những trường hợp này, dù sau đó nghi can hay luật sư của họ có đưa ra các bằng chứng, lý lẽ gì đi nữa mà trái ngược với lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra thì việc bào chữa nhiều khi cũng không có kết quả. Thực tế đã chứng minh rằng, không ít vụ án mặc dù chứng cứ buộc tội có mâu thuẫn nhưng tòa vẫn dựa vào lời khai ban đầu để kết án. Vì vậy, theo tôi nếu từ chối quyền im lặng của nghi can nghĩa là chúng ta đang hạn chế quyền được bào chữa của họ vốn đã được hiến định.
Thứ hai, việc ghi nhận quyền im lặng của nghi can cũng đồng thời là để nâng cao vị thế, vai trò của luật sư bào chữa trong các vụ án hình sự. Hiện do nhiều nguyên nhân nên vai trò của luật sư chưa được thể hiện một cách đầy đủ, rõ nét. Nếu chúng ta áp dụng quyền im lặng của nghi can, chắc chắn thực tế này sẽ được cải thiện. Hơn nữa, luật sư sẽ chủ động phát huy hết trình độ cũng như năng lực của mình, vì không còn lo ngại trái hoặc không phù hợp với lời khai trong hồ sơ cũng như tại phiên tòa.
Thứ ba, áp dụng quyền im lặng của nghi can sẽ góp phần tích cực vào việc nâng cao nghiệp vụ điều tra, truy tố, xét xử của nhân viên điều tra trong các cơ quan tham gia tố tụng. Vì hiện nay, cơ quan tố tụng coi trọng việc lấy lời khai của bị can, bị cáo hơn là việc thu thập, đánh giá chứng cứ khác nên dẫn đến nhiều trường hợp oan sai. Có nhiều vụ án công tác điều tra, truy tố, xét xử được tiến hành rất hời hợt, các cơ quan tố tụng chỉ dựa vào lời khai của nghi can ở giai đoạn điều tra để đưa ra phán quyết. Mà nhiều khi lời khai của nghi can ở giai đoạn điều tra sai sự thật vì bị mớm cung, ép cung, dùng nhục hình hoặc nghi can cố tình khai gian, khai man để chạy tội. Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn là một bằng chứng. Vụ án này cho thấy, cơ quan điều tra làm sai, kéo theo viện kiểm sát cũng làm sai và cuối cùng tòa cũng phán quyết sai. Nguyên nhân dẫn đến sai lầm trong vụ án này là do các cơ quan tố tụng đã làm việc một cách chủ quan, chỉ dựa vào lời khai được ghi nhận trong kết luận điều tra để truy tố, xét xử mà không xem xét thấu đáo đến các bằng chứng, lập luận mà luật sư, bị cáo đã trình bày tại phiên tòa.
Thứ tư, áp dụng quyền im lặng của nghi can không phải là tạo thêm rào cản cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Hiện trong xã hội vẫn còn không ít ý kiến cho rằng, nếu áp dụng quyền im lặng sẽ gây cản trở cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Theo tôi thì đây là lý do không thỏa đáng. Bởi những lý do đã phân tích ở trên và nguyên tắc của pháp luật hình sự là nghi can không có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chống lại chính mình, việc chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Do đó, những ý kiến cho rằng áp dụng quyền im lặng sẽ gây cản trở cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử là một quan điểm hoàn toàn trái với nguyên tắc cơ bản trên. Hơn nữa, pháp luật đã quy định khai báo trung thực là một tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Đương nhiên, mọi nghi can sẽ có những cân nhắc trong việc khai báo để hưởng được sự khoan hồng. Nói tóm lại là nghi can có quyền được lựa chọn im lặng hay không im lặng.
Thứ năm, ngày nay, hầu hết các nước trên thế giới đã và đang áp dụng quyền im lặng, mà đặc điểm, tính chất của tội phạm hình sự thì nơi đâu trên thế giới cũng đều giống nhau. Chúng ta không thể tìm ra cái đặc thù riêng để từ chối áp dụng quyền im lặng. Các nước trên thế giới đã áp dụng quyền im lặng từ lâu và cho đến nay vẫn duy trì thì chắc chắn rằng, việc áp dụng quyền im lặng đã mang lại nhiều cái hay, cái tốt để chúng ta học hỏi và áp dụng.
Từ những phân tích trên đây, tôi cho rằng việc áp dụng quyền im lặng là một bước tiến bộ về việc thực thi quyền con người, quyền công dân, đồng thời cũng là bước tiến mới quan trọng trong việc áp dụng pháp luật hình sự.
Luật gia: D.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065