BPO - Sự nghiệp Đổi mới hơn 30 năm qua ở Việt Nam đã thu được những thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Sự đổi mới về chính sách, luật pháp; sự tăng cường thể chế thực hiện và những thành tựu bảo đảm quyền con người trên thực tế trong những năm qua được nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi là minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Nhà nước Việt Nam. Trong các lĩnh vực thì thành tựu trong giáo dục là minh chứng sống động của nhà nước Việt Nam thực hiện việc bảo đảm quyền được giáo dục cho mọi người dân.
Việt Nam là quốc gia đặc biệt coi trọng vấn đề giáo dục và luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Quan điểm này được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng. Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VII) năm 1993 khẳng định: “Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”. Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) một lần nữa khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”. Năm 2013, Đảng ta đã có Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”. Không chỉ ở tầm vĩ mô quốc gia đại sự, từng địa phương, thôn, xóm, từng dòng họ, từng gia đình hay từng người dân luôn coi giáo dục là vấn đề quan trọng nhất, vấn đề cốt lõi đối với sự phát triển, trưởng thành của mỗi con người. Bởi thế, dù thuận lợi hay khó khăn thì mỗi gia đình đều cố gắng cao nhất để con cái được tới trường, được học hành trong điều kiện tốt nhất có thể.
Ở tầm quốc gia, chú trọng đầu tư cho giáo dục được Nhà nước Việt Nam quyết tâm thực hiện từ chủ trương đến việc làm cụ thể. Mặc dù nguồn ngân sách còn hạn chế, từ năm 2010 đến nay, Nhà nước vẫn ưu tiên duy trì mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục trên GDP của Việt Nam cao hơn hẳn nhiều nước, thậm chí so với các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn.
Có thể khẳng định chất lượng giáo dục ở nước ta được nâng lên qua từng thời kỳ, từng năm học. Nhà nước luôn bảo đảm những điều kiện tốt nhất cho vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp giáo dục. Hệ thống các trường sư phạm đào tạo giáo viên đã thực hiện miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm. Các địa phương đều có những chính sách để thu hút, khuyến khích, hỗ trợ đội ngũ nhân lực giỏi là giáo viên về công tác tại địa phương mình. Nhà nước cũng có chính sách thu hút, hỗ trợ giáo viên đến công tác tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn bằng quyền lợi kinh tế và quyền lợi chính trị. Bên cạnh đó, nhà nước và các địa phương đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi trong giáo dục như: Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí cho học sinh, sinh viên nghèo; kinh phí hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non; kinh phí hỗ trợ phát triển giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; kinh phí hỗ trợ học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập thực hiện chính sách giáo dục đối với người khuyết tật… Theo số liệu từ Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) thì tổng nguồn ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực giáo dục đào tạo năm 2015 là 224.826 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 10% so với năm 2014. Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng được củng cố, phát triển.
Các em học sinh luôn được tạo điều kiện tiếp cận môi trường học tập tốt nhất. Trong ảnh: Học sinh thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội) trong ngày hội văn hóa đọc. |
Năm học 2014-2015, cả nước có khoảng 22,21 triệu học sinh, sinh viên (trong đó có 4,4 triệu trẻ mầm non, 15 triệu học sinh phổ thông các cấp, 0,35 triệu học sinh trung cấp chuyên nghiệp và 2,35 triệu sinh viên đại học và cao đẳng); hơn 1,26 triệu giáo viên, giảng viên các cấp. Toàn quốc có 14.203 trường mầm non, 15.227 trường tiểu học, 10.878 trường trung học cơ sở, 2.767 trường trung học phổ thông, 308 trường phổ thông dân tộc nội trú và 876 trường phổ thông dân tộc bán trú, 703 trung tâm giáo dục thường xuyên, 574 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và 436 trường đại học, cao đẳng.
Các chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cho vay đi học… đối với học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách và các hộ nghèo, cận nghèo đã mang lại hiệu quả, giúp những học sinh, sinh viên này có được cơ hội học tập. Tính đến hết năm học 2014-2015, đã có 1,3 triệu hộ gia đình và 1,5 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn học tập và lập nghiệp, với tổng dư nợ tính đến 30-6-2015 là 26.948 tỷ đồng.
Năm 2000, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập tiểu học, vượt trước 15 năm so với thời hạn của Mục tiêu Thiên niên kỷ. Hiện nay, tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt phổ cập trung học cơ sở và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Việt Nam được UNESCO xếp thứ 64/127 nước về phát triển giáo dục. Theo Báo cáo phát triển con người Việt Nam năm 2015 về tăng cường bao trùm và Báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2015 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục tăng trong 24 năm qua. Năm 2014, Việt Nam được xếp thứ 116/188 nước, tức là ở thứ hạng trên của nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình.
Quy mô giáo dục của nước ta tiếp tục tăng ở tất cả các bậc học, ngành học, trình độ đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng lớn của nhân dân. Mạng lưới trường học được phát triển đều khắp. Đến nay, các xã, phường, thị trấn đều có ít nhất một trường tiểu học, trường trung học cơ sở hoặc trường trung học phổ thông; mỗi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có từ 2 trường trung học phổ thông hoặc trường trung học cơ sở, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em trong độ tuổi. Mạng lưới các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, đại học có ở tất cả các địa phương trong cả nước. Điều đó đã tạo thuận lợi để các em học sinh được tiếp cận môi trường học tập tốt nhất, không bỏ lỡ thời cơ phát triển tư duy, trí tuệ phù hợp với lứa tuổi. Nhận định này càng có cơ sở khi thực tế chứng minh, hơn 40 năm qua, rất nhiều học sinh Việt Nam đã tham gia và đoạt hàng trăm huy chương vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế. Việt Nam luôn đứng trong nhóm đầu các nước có thành tích tốt trong các kỳ thi Olympic quốc tế.
Việt Nam được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá là nước có những thành tựu đáng kể về giáo dục, đào tạo so với nhiều nước có thu nhập tính theo đầu người tương đương. Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống giáo dục đầy đủ các cấp học ở mọi vùng, miền với nhiều loại hình trường lớp với số lượng học sinh đến trường ở các cấp ngày một tăng, đúng độ tuổi. Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách công bằng trong tiếp cận giáo dục, đặc biệt đối với trẻ dân tộc thiểu số, trẻ ở vùng khó khăn. Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm việc phát triển giáo dục tại các vùng dân tộc thiểu số. Đến năm học 2014-2015, đã có 308 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 88.247 học sinh nội trú (tăng 4 trường và 1.539 học sinh so với năm học 2013-2014). Bên cạnh chương trình đào tạo theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các học sinh người dân tộc thiểu số còn được tham gia các hoạt động giáo dục chuyên biệt như văn hóa, văn nghệ, chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề... nhằm mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh người dân tộc thiểu số. Nhà nước cũng phát triển trường phổ thông dân tộc bán trú, tạo điều kiện để học sinh dân tộc thiểu số được học tập trong môi trường giáo dục tốt, khuyến khích học sinh trong độ tuổi đến lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở có chất lượng tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc giảng dạy bằng tiếng dân tộc thiểu số cũng được triển khai tại 20 tỉnh với 7 thứ tiếng dân tộc thiểu số. Tính đến hết năm học 2014-2015, đã có 5.515 lớp học chữ tiếng dân tộc với 124.246 học sinh theo học các tiếng Chăm, Khơ-me, Ê-đê, Ba-na, Gia-rai, Hơ-mông. Riêng tiếng Hoa đang dạy thí điểm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang hợp tác với UNICEF thí điểm thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ.
Những thành tựu đạt được trong công cuộc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam xuất phát trước hết từ truyền thống nhân văn, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; từ ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam và sự cố gắng, nỗ lực và chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, hướng tới một xã hội luôn đặt con người ở trung tâm của sự phát triển và một nhà nước pháp quyền “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Đó cũng là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bản chất ưu việt, tiến bộ của chế độ xã hội chủ nghĩa, của truyền thống văn hóa, các đặc thù của dân tộc Việt Nam với việc thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực chung và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người được quy định trong các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065