Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa công báo Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành và nhân dân. Ngay sau khi được công bố, dự thảo luật này đã không nhận được sự đồng tình của dư luận về vai trò cũng như quyền của người dân và các tổ chức dân sự, chính trị, xã hội trong công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, quyền của tổ chức, cá nhân đòi được bồi thường khi bị thiệt hại về môi trường.
Tại Điều 43 của Hiến pháp quy định cụ thể như sau: Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Như vậy, được sống trong môi trường trong lành là quyền của mỗi người dân Việt Nam. Từ đó suy rộng ra, nếu quyền trên bị xâm hại thì người dân đương nhiên có quyền đòi bồi thường và hành động là chính đáng. Tuy nhiên, dự thảo luật không có điều, khoản nào quy định việc người dân, các tổ chức dân sự, chính trị và xã hội có quyền đòi đền bù các thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 84 có quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường của cá nhân, hộ gia đình như sau: 1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh ở nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.
Về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được quy định tại khoản 1, Điều 139 như sau: a) Được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; b) Được tham vấn đối với các dự án có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; c) Được yêu cầu đối thoại và tham gia đối thoại về bảo vệ môi trường với các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan; d) Được tham gia các hoạt động kiểm tra về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;... Và quy định về quyền, nghĩa vụ của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường tại Điều 155 có nội dung như sau: 1. Đại diện cộng đồng dân cư... có quyền yêu cầu chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cung cấp các thông tin về bảo vệ môi trường và liên quan đến bảo vệ môi trường bằng việc đối thoại trực tiếp; cung cấp thông tin bằng văn bản; tổ chức tìm hiểu thực tế về công tác bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thu thập, công bố, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin có liên quan đến bảo vệ môi trường của cơ sở. 2. Đại diện cộng đồng dân cư... có quyền yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp các kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở...
Như vậy, dự thảo luật này chỉ quy định, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc khởi kiện tại tòa án về hành vi vi phạm pháp luật trong bảo vệ môi trường, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền, khởi kiện tại tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định, người đứng đầu cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường và các cơ quan có liên quan đến quản lý tổ chức và hoạt động của tổ chức có hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải chịu trách nhiệm về quản lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường của mình gây ra. Tiếc rằng, việc quy định bồi thường thiệt hại về môi trường như trong dự thảo luật mới chỉ dừng lại ở “trách nhiệm” của cá nhân, tổ chức có hành vi gây thiệt hại về môi trường, chứ chưa phải là quyền được đòi bồi thường của người dân hoặc tổ chức bị ảnh hưởng vì môi trường do hành vi của cá nhân, tổ chức nào đó gây ra.
Luật Bảo vệ môi trường hiện hành (ban hành năm 2005) không có quy định về vai trò của người dân và các tổ chức dân sự trong bảo vệ môi trường; không quy định về việc làm thế nào để người dân và các tổ chức này có thể thực hiện các thủ tục khởi kiện và đòi bồi thường từ các đối tượng gây ô nhiễm. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, việc người dân và các tổ chức khởi kiện các đối tượng gây ô nhiễm môi trường là chuyện rất bình thường.
Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân người viết thì để công tác bảo vệ môi trường được thực hiện có hiệu quả, ngăn ngừa tốt hành vi gây hại cho môi trường và phát huy cao độ quyền con người trong bảo vệ môi trường,... thì dự thảo luật cần được bổ sung quyền của cá nhân, tổ chức được đòi bồi thường khi bị thiệt hại về môi trường.
K.C
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065