LTS: Ngày 28-11-2013, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua toàn văn bản Hiến pháp sửa đổi (gọi là Hiến pháp 2013) và bản Hiến pháp này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Như vậy, tính từ ngày lập quốc đến nay, đây là bản hiến pháp thứ năm ở nước ta (Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992). Hiến pháp 2013 gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992). So với các bản hiến pháp trước, Hiến pháp 2013 thể hiện sự đổi mới trong tư duy, nhận thức, nội dung và kỹ thuật lập hiến.
Từ số này, Báo Bình Phước mở chuyên mục “Tìm hiểu Hiến pháp 2013”, nhằm giới thiệu đến bạn đọc những điểm mới căn bản, những nội dung cốt lõi của Hiến pháp. Ban biên tập rất mong nhận được sự cộng tác nhiệt tình cho chuyên mục của các đồng chí, đồng bào trong và ngoài tỉnh.
Điểm mới nổi bật nhất và cũng là điểm thay đổi cốt lõi của Hiến pháp 2013 so với Hiến pháp 1992 là Hiến pháp mới đã quy định rõ và tách bạch giữa “quyền con người” với “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Trong Hiến pháp năm 1992, Chương 5 nói về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhưng ở Hiến pháp 2013, nội dung của Chương 5 trong Hiến pháp năm 1992 đã được đưa lên đặt ở Chương 2 tức là ngay sau chương quy định về thể chế chính trị. Cụ thể, tại Điều 14 có quy định như sau: 1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Và chỉ riêng sắp xếp bố cục như trên đã thể hiện rõ tầm quan trọng và vị trí của quyền con người trong Hiến pháp.
Tên của Chương 2 trong Hiến pháp 2013 cũng đã có sự thay đổi. Trước đây là “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, còn ở Hiến pháp 2013 là “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Điều này đã khẳng định Nhà nước ta cam kết bảo đảm, bảo vệ, tôn trọng quyền con người, quyền công dân đúng như Công ước quốc tế mà nước ta đã là thành viên. Hơn nữa, trong nội dung của chương này có rất nhiều điều khoản làm rõ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm này. Trường hợp nào hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải do Hiến pháp luật định. Trong trường hợp thật cần thiết vì những lý do rất cụ thể đã được quy định rõ trong Hiến pháp.
Điều này cho thấy, quyền con người, quyền công dân và “Nhân dân” được đặt vào trung tâm khi sửa đổi Hiến pháp, đồng thời đây là lần đầu tiên cụm từ “Nhân dân” được viết hoa trong Hiến pháp. Cụ thể, tại Điểm 1 và 2, Điều 2 Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Cũng với quy định trên, Hiến pháp 2013 đã kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992 trong việc thể hiện bản chất của Nhà nước, đồng thời khẳng định nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Đây cũng là vấn đề đã được thể hiện trong Cương lĩnh và thực tiễn hoạt động của Nhà nước; nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực đã được xác định trong Cương lĩnh, các văn kiện khác của Đảng, cũng là yêu cầu của Nhân dân và xây dựng Nhà nước pháp quyền. Cụ thể tại Điểm 3, Điều 2 quy định: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Với quy định này, việc “kiểm soát quyền lực” được coi là một nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, đây cũng là vấn đề mới trong tổ chức quyền lực của Nhà nước ta. Nguyên tắc này đã được thể hiện trong các Chương V - Quốc hội, VI - Chủ tịch nước, VII - Chính phủ, VIII - Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Chương IX - Chính quyền địa phương của Hiến pháp. Và đây chính là cơ sở hiến định để Quốc hội tiếp tục thể chế hóa trong các quy định của các luật có liên quan.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065