Một trong những nội dung cốt lõi của việc “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là quy định rõ trách nhiệm tự giác, gương mẫu và chuẩn mực đạo đức của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, của cán bộ, đảng viên - đồng chí Trần Tuyết Minh, Phó trưởng ban thường trực ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Trưởng bộ phận giúp việc ban Thường vụ tỉnh ủy cho biết qua cuộc trao đổi với phóng viên báo Bình Phước.
* Điểm gì mới trong việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” so với cuộc vận động những năm trước đây, thưa đồng chí?
Có hai điểm mới của Chỉ thị 03-CT/TW so với việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 7-11-2006 của Bộ Chính trị.
Thành viên Câu lạc bộ “Ông kể cháu nghe” huyện Chơn Thành kể chuyện về tấm gương tự học của Bác cho học sinh
Thứ nhất, Chỉ thị 06-CT/TW gọi là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ở mỗi cấp từ trung ương đến cơ sở đều có ban chỉ đạo. Lần này, Chỉ thị số 03-CT/TW không gọi là cuộc vận động và cũng không có ban chỉ đạo, thay vào đó là tiêu đề: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Điều đó cho thấy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là thường xuyên, liên tục, bền bỉ. Đây là việc học tập suốt đời, không dừng ở “cuộc vận động” có điểm khởi đầu và điểm kết thúc. Việc học tập theo tấm gương đạo đức, tác phong và phong cách của Bác, thể hiện cụ thể trong quan hệ thường ngày, trong quan hệ với nhân dân, với đồng chí, đồng nghiệp. Đặc biệt nhấn mạnh việc làm theo qua những hành vi thiết thực, cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, không có ban chỉ đạo như những năm trước. Chỉ thị 03-CT/TW nêu rõ việc tổ chức thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cấp ủy mà trước hết là Ban thường vụ của cấp ủy đó. Ở trung ương là Bộ Chính trị và ở địa phương là Ban thường vụ cấp ủy, đứng đầu là đồng chí bí thư cấp ủy có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện, xem đây là công việc thường xuyên, quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. So với trước đây, việc thực hiện công tác này có nâng lên về trách nhiệm. Đồng thời, Bộ Chính trị quy định thành lập bộ phận giúp việc Ban thường vụ cấp ủy, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban thường vụ cấp ủy, thường xuyên và trực tiếp là đồng chí bí thư, phó bí thư thường trực, trưởng ban tuyên giáo cấp ủy.
* Vậy Tỉnh ủy đã có những giải pháp gì để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh?
Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, Tỉnh ủy đã xác định một trong những giải pháp bảo đảm tính thiết thực là quy định rõ trách nhiệm tự giác, gương mẫu và chuẩn mực đạo đức của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, của cán bộ, đảng viên. Đồng thời xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Chú trọng việc đánh giá công tác tổ chức triển khai và kết quả thực hiện của cấp ủy các cấp; ảnh hưởng tích cực của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tới đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
* Đồng chí nói: “Xác định rõ trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu…”. Cụ thể trách nhiệm ở đây là gì?
Là phat huy tính gương mẫu, tiên phong của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Theo đó, mỗi người phải có chương trình rèn luyện, phấn đấu, nêu gương cụ thể, báo cáo chi bộ nơi mình công tác góp ý và giám sát việc thực hiện; định kỳ kiểm điểm những nội dung đó trước chi bộ, coi đây là một trong những giải pháp cơ bản để lôi cuốn, mở rộng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Đảng và trong xã hội.
Cụ thể trách nhiệm ở đây là cán bộ chủ chốt phải làm gương và nêu gương sáng, nói phải đi đôi với làm, đi đầu từ trong công việc cho đến đạo đức, lối sống và các công việc khác. Tôi lấy ví dụ: Không chấp nhận được tình trạng thủ trưởng cơ quan, đơn vị phát động mọi người thực hành tiết kiệm chống lãng phí nhưng bản thân cán bộ đó lại không tiết kiệm, chống lãng phí.
* Xin đồng chí cho biết cần chú ý những gì trong mối quan hệ giữa học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh?
Cần khắc phục những biểu hiện sơ lược, giản đơn trong cách hiểu, cách làm khi thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Không thể tách rời giữa học tập và làm theo, cũng không thể giản đơn cho rằng, phải nhấn mạnh trọng tâm vào chỗ “làm theo” Bác Hồ. Học rất quan trọng, phải học suốt đời, học đồng thời là làm, tức là thực hành, noi theo, làm theo. Làm cũng đồng thời phải tiếp tục học, học nữa, học mãi, thực hành không những củng cố mà còn thúc đẩy nhận thức, gợi mở nhận thức mới, khám phá mới. Học và làm đều phải sáng tạo, thiết thực, không hình thức, khoa trương. Làm phải đúng, thực hành phải có sự dẫn dắt của lý trí, lý luận.
Tôi cho rằng cần phải rất chú trọng vào yêu cầu sáng tạo, không máy móc, giáo điều, sao chép, lại phải thiết thực, hiệu quả, tạo ra hiệu ứng xã hội toàn diện, rộng lớn, lâu bền từ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
* Theo đồng chí, vai trò của báo chí trong việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW như thế nào?
Sau 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bình Phước có 56.704 người tham gia thi kể chuyện và viết về cuộc vận động. Vòng chung khảo cấp tỉnh đã chọn được 12 thí sinh xuất sắc nhất chọn từ cấp huyện và tương đương. Ban chỉ đạo cuộc vận động chọn được 282 tập thể và 666 cá nhân cấp huyện; 19 tập thể và 70 cá nhân cấp tỉnh để tuyên dương, khen thưởng.
Từ chức năng, nhiệm vụ của mình, báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và báo chí tỉnh Bình Phước nói riêng có vai trò rất quan trọng trong việc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị. Báo chí là phương tiện truyền thông quan trọng chuyển tải đến công chúng những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức cao cả, đầy lòng nhân ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh; giới thiệu đến công chúng hàng ngàn tấm gương những tập thể, cá nhân điển hình làm theo lời Bác. Báo chí đưa tin nhanh nhạy, sắc bén, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ của đợt sinh hoạt có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng này trong mọi tầng lớp nhân dân.
Vì vậy, tôi tin tưởng và mong muốn rằng, báo chí Bình Phước sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của mình đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp ủy, đơn vị mà sẽ tiếp tục góp phần nhân rộng những điển hình về học tập, làm theo đạo đức, tác phong của Bác trong công tác, học tập, trong cuộc sống; góp phần hạn chế những tiêu cực và làm lành mạnh xã hội. Báo chí cần tạo ra các diễn đàn, lôi cuốn mọi đối tượng, tầng lớp tham gia, trao đổi các ý kiến, phát biểu các thu hoạch, cảm nhận của bản thân về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác những gì và như thế nào. Từ đó, góp phần tạo ra niềm tin, thúc đẩy hành động, hình thành nhu cầu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như một nhu cầu văn hóa.
* Xin cảm ơn đồng chí!
Hoàng Thu (thực hiện)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065