Nợ đến hạn trên 200 triệu đồng trong vòng 3 tháng sẽ bị coi là lâm vào tình trạng phá sản. Quy định này tại dự thảo luật Phá sản sửa đổi không khác gì giấy báo tử đối với 99% doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay.
Ngay khi trình dự thảo luật Phá sản tại phiên họp sáng nay (13-9), Chủ nhiệm Ủy ban (UB) Các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) Trương Thị Mai đặt câu hỏi: “Căn cứ đưa ra tiêu chí phá sản ở đây là gì và Tòa án Nhân dân tối cao đánh giá tác động tới các doanh nghiệp và nền kinh tế như thế nào?”.
Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn giải trình, luật cũ không quy định, nên luật mới phải đưa vào hạn mức 200 triệu và thời hạn 3 tháng. Mục đích để có căn cứ nhất định để xác định phá sản, cũng như có thời gian để các bên giải quyết với nhau thông qua thương lượng, trước khi đưa ra tòa.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện lập tức phê phán quy định hạn mức như trên là quá nực cười, bởi hiện có doanh nghiệp quy mô vài tỉ đồng, trong khi có tập đoàn, tổng công ty quy mô vốn lên tới cả chục nghìn tỉ đồng. “Như Vinashin quy mô lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng mà nếu nợ đến hạn trên 200 triệu đồng cho phá sản thì tôi thấy nó thiển cận và hơi buồn cười”, ông Hiện nói.
Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng thẳng thắn nhận xét, nếu cứ chiếu theo tiêu chí này thì hiện nay chắc chắn có tới 99% doanh nghiệp đang hoạt động sẽ bị rơi vào tình trạng phá sản. Vì vậy, ông Hiển đề nghị, phải căn cứ vào vốn tự có của doanh nghiệp theo một tỷ lệ nhất định, chứ không thể nói đơn giản là 200 triệu. Về thời gian 3 tháng đưa ra tòa xử phá sản, theo ông Hiển 6 tháng vẫn chưa thấm tháp gì.
9 năm chỉ có 83 trường hợp phá sản Theo báo cáo tại tờ trình của Tòa án Nhân dân tối cao, năm 2012 có 69.874 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó dừng hoạt động và giải thể là 54.261 (có 44.906 doanh nghiệp dừng và 9.355 giải thể). Trong khi đó, 9 năm thi hành luật Phá sản 2004, Tòa án thụ lý tổng số 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, Tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản 236 trường hợp (trong đó Toà án quyết định tuyên bố phá sản 83 trường hợp, còn 153 vụ việc chưa ra Quyết định tuyên bố phá sản). Như vậy có thể thấy số lượng đơn yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản so với số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động là rất thấp; có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trong đó có nguyên nhân quy định pháp luật phá sản chưa phù hợp với tình hình kinh tế và xã hội, không tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức yêu cầu tuyên bố phá sản. |
(Theo TNO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065