Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Phạm Thị Thu Trang phát biểu ý kiến
Đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) nêu rõ: Qua 7 năm triển khai, Luật Quản lý nợ công 2009 đã tạo hành lang pháp lý phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển thị trường vốn trong nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình quản lý nợ công theo quy định của Luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013; thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan.
Việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu quản lý đặt ra trong tình hình mới.
Dự án Luật quy định về phạm vi nợ công theo hướng giữ như quy định hiện hành, theo đó nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.
Dự án Luật bổ sung nguyên tắc ''kiểm soát chặt chẽ các tiêu chí nợ công trong giới hạn cho phép, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô," bổ sung yêu cầu gắn trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan đến hoạt động vay, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công.
Về quản lý rủi ro đối với nợ công, dự án Luật quy định các điều khoản cụ thể về quản lý rủi ro tín dụng cho vay lại, quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ và quy định các nội dung cụ thể hướng dẫn quản lý, xử lý rủi ro đối với nợ công, từ việc nhận diện rủi ro, phân loại rủi ro, các biện pháp phòng ngừa, xử lý khi xảy ra các sự kiện ảnh hưởng đến nợ công. Dự án Luật có 10 chương, 67 điều.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thống nhất với phạm vi nợ công thể hiện trong dự án Luật, theo đó, không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp.
Bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống luật pháp
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý ngoại thương, đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, bởi đây sẽ là công cụ hữu hiệu của Nhà nước để quản lý ngoại thương.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng nhiều điều trong dự án Luật mới chỉ mang tính nguyên tắc, như các quy định về hạn ngạch thuế quan, chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu; về quản lý giấy phép, trình tự, danh mục, thủ tục, cơ chế... mà các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phải thực hiện.
Trong khi đó, nhiều quy định giao cho Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện, dẫn đến việc thi hành Luật phụ thuộc nhiều vào các Nghị định, Thông tư hướng dẫn.
Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, điều chỉnh dự án Luật theo hướng những nội dung nào có thể quy định được ngay cần thể hiện cụ thể trong Luật để bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, khắc phục các bất cập do "lợi ích nhóm'' và hạn chế cơ chế "xin-cho.'.
Đối với hoạt động cấp giấy phép, dự án Luật cần quy định rõ các tiêu chí, danh mục, số lượng hàng hóa được cấp giấy phép theo hướng công khai, minh bạch, phù hợp với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Thẩm quyền của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương cũng cần được quy định rõ để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của Bộ trưởng Công Thương trong việc cải cách thủ tục hành chính, áp dụng khoa học công nghệ, quản lý, điều hành, cấp giấy phép xuất nhập khẩu hàng hóa...
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Ngô Đức Mạnh phát biểu ý kiến
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) nhấn mạnh quản lý ngoại thương liên quan đến nhiều văn bản pháp luật hiện hành, trong đó có liên quan đến tự vệ thương mại, chống bán phá giá... và một số luật hiện hành như Luật Thương mại, Luật Thuế, Luật Hải quan… Vì vậy, việc xây dựng luật cần bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước Quốc tế cũng như thông lệ quốc tế trong ngoại thương.
Làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về ngoại thương
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương, các đại biểu chỉ rõ, Dự án Luật giao cho Bộ Công Thương nhiều thẩm quyền, do đó cần bổ sung quy định theo hướng minh bạch, công bằng, có cơ chế kiểm soát, giám sát.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy đề xuất cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước có liên quan, quy định rõ ràng và phân cấp cho các địa phương để phát huy tốt vai trò trong quản lý ngoại thương.
Các đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai), Phạm Văn Tuân đề nghị giao thẩm quyền tạm ngừng xuất, nhập khẩu hàng hóa để Thủ tướng Chính phủ quy định nhằm thực hiện chặt chẽ hơn trong công tác quản lý, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Đại biểu Lê Thu Hà phân tích đây là vấn đề liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau, nhiều loại sản phẩm hàng hóa do các bộ, ngành khác nhau cùng quản lý, nếu chỉ giao cho Bộ trưởng Công Thương lấy ý kiến của các bộ, ngành, rồi mới ra quyết định, sẽ không đảm bảo thời gian cho công tác xuất, nhập khẩu, dẫn đến khó khăn, mất thời gian, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Về quy định cấm xuất khẩu, nhập khẩu, các đại biểu đề nghị cần quy định danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu trong dự án Luật, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế, theo đó, danh mục này phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT).
Trên cơ sở các tiêu chí, nguyên tắc được quy định trong Luật, giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia trên các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, sức khỏe, môi trường, thuần phong mỹ tục, an ninh lương thực, cổ vật…
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) dẫn chứng, theo Điều 26, Luật Hải quan, danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam do Bộ trưởng Tài chính ban hành, do đó danh mục này chỉ dừng lại ở cấp độ Thông tư trong khi các danh mục cấm và tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu cũng như các biên thuế suất nhập khẩu theo Chính phủ quy định.
Dự án Luật cần có sự phối hợp giữa các bộ, công bố danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam có tính tích hợp giữa các danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa được phép xuất khẩu, nhập khẩu theo quản lý chuyên ngành để thống nhất mã số và công khai, minh bạch giúp doanh nghiệp dễ dàng tra cứu.
Xây dựng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Để phát triển hoạt động ngoại thương, các đại biểu nêu rõ cần quy định cụ thể chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển ngoại thương; phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy xúc tiến thương mại.
Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về nguyên tắc thành lập tổ chức xúc tiến thương mại theo hướng đặt hiệu quả hoạt động của tổ chức xúc tiến thương mại lên hàng đầu. Tuy nhiên, đại biểu không đồng tình với việc sử dụng ngân sách nhà nước hoàn toàn để chi trả và duy trì các hoạt động của tổ chức này.
Cùng quan điểm, đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) nêu rõ Điều 59 dự án Luật có quy định căn cứ vào chỉ tiêu xuất khẩu, Nhà nước hỗ trợ theo Luật hỗ trợ ngân sách nhưng cần đánh giá năng lực, trình độ, kỹ năng của đội ngũ làm xúc tiến thương mại của các tập đoàn, doanh nghiệp.
Theo tinh thần của Luật là công khai, minh bạch, Ban soạn thảo cần quy định nguyên tắc hoạt động của các tổ chức và Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức này.
Đại biểu Ngô Đức Mạnh nhấn mạnh cần nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương); tính toán có điều khoản quy định về xúc tiến thương mại quốc gia do Nhà nước thành lập. Đây sẽ là địa chỉ kết nối các doanh nghiệp và thông tin xúc tiến thương mại trong nước, thế giới.
Việc xây dựng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động ngoại thương cũng được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy dẫn chứng, thời gian qua có tình trạng thương lái nước ngoài núp bóng doanh nghiệp Việt Nam thu mua, ép giá hàng hóa trong nước, hàng hóa nước ngoài giả danh hàng Việt Nam.
Nhiều nước trên thế giới có hệ thống phòng vệ mạnh, chặt chẽ như việc kiện doanh nghiệp bán phá giá, bảo trợ doanh nghiệp trong nước.
Đại biểu đề nghị nên bổ sung nội dung trên và phải có chế tài xử phạt hợp lý để doanh nghiệp trong nước được cạnh tranh lành mạnh; ngăn chặn các đối tượng có hành vi tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài gây tổn hại đến nền kinh tế đất nước.
Ngoài ra, dự án Luật nên quy định cụ thể danh mục hàng hóa cấm xuất, nhập khẩu, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động ngoại thương, giảm bớt các loại giấy phép không cần thiết, nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh được quy định trong Hiến pháp 2013.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065