Quy chế thi THPT quốc gia
Theo quy định trong Quy chế thi THPT quốc gia, năm nay Bộ GD-ĐT tổ chức thi 8 môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Để xét tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại. Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng sẽ được giám đốc Sở GD-ĐT xem xét, quyết định cho phép chọn môn thi thay thế.
Cũng theo quy chế này, kỳ thi THPT quốc gia sẽ dùng thang điểm 10 như mọi năm. Theo đó, với thang điểm 10, bài thi được chấm tới điểm 0,25, không quy tròn điểm. Trả lời phỏng vấn của báo chí, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, về bản chất thang điểm 10 hay 20 không khác biệt, song nếu dùng thang điểm 20 sẽ khiến giáo viên và học sinh bỡ ngỡ nên sẽ tiếp tục dùng thang điểm 10 để vừa tránh sự xáo trộn không cần thiết cho thí sinh và giáo viên chấm thi, vừa giữ được sự ổn định về tâm lý cho thí sinh.
Quy chế thi THPT quốc gia năm nay cũng đưa ra quy định hạn cuối nhận hồ sơ đăng ký dự thi. Theo đó, thí sinh sẽ có hơn 2 tháng để lựa chọn và đăng ký hồ sơ dự thi với thời hạn cuối là ngày 30-4 hàng năm. Đáng lưu ý, dù hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nhưng nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho hiệu trưởng trường phổ thông hoặc thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc hội đồng thi làm thủ tục dự thi để sửa chửa, bổ sung. Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày tổ chức kỳ thi mới có giá trị.
Bộ GD-ĐT cũng quy định mức kỷ luật cao nhất là tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong 2 năm tiếp theo đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau: giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác...
Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng
Đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT quy định các trường duy trì tổ hợp các môn thi tương ứng với khối thi mà trường đã sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2014 và các năm trước (sau đây gọi là khối thi truyền thống) để xét tuyển. Nếu muốn thay đổi, các trường phải báo cáo Bộ GD-ĐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng ít nhất 3 năm trước khi áp dụng.
Những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống. Việc thêm các tổ hợp môn thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có ít nhất 1 trong 2 môn Toán và Ngữ văn để xét tuyển; các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành.
Để đảm bảo chất lượng đầu vào trước khi các trường xây dựng phương án xét tuyển, Bộ GD-ĐT sẽ xác minh ngưỡng đầu vào căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia, để xét tuyển đại học, cao đẳng. Mỗi thí sinh dự xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay sẽ phải lấy giấy chứng nhận kết quả kỳ thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng 1 để đăng ký. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 không được đăng ký ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký để nộp vào trường khác. Ngoài ra, mỗi thí sinh sẽ được đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Thí sinh dùng 3 bản chính giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển các nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.
Liên quan đến vấn đề ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học, cao đẳng (điểm sàn), sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ vào kết quả thi, chỉ tiêu tuyển sinh, các đối tượng ưu tiên... để xây dựng và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học, cao đẳng. Trên cơ sở đó, các trường đại học, cao đẳng xây dựng phương án xét tuyển sao cho điểm trúng tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng nói trên. Về vấn đề cụm thi, sẽ có cụm thi liên tỉnh do trường đại học chủ trì cho các thí sinh vừa thi tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Đối với thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT sẽ thi tại trường hoặc liên trường THPT của tỉnh do Sở GD-ĐT chủ trì, có sự phối hợp của các trường đại học.
Hải An
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065