Trên cơ sở quy chế của Chính phủ về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, ngày 25-9, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Thực hiện quy chế, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh sẽ phải công bố công khai, minh bạch những hoạt động của mình và để người dân hiểu rõ hoạt động của các cơ quan này. Có thể nói, việc Sở Thông tin - Truyền thông tham mưu để UBND tỉnh sớm triển khai quy chế đã góp phần tạo điều kiện cho hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh phát triển và hướng đến mục đích cuối cùng là góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh và của toàn xã hội.
Quy chế mới có nhiều điểm cải tiến so với quy chế trước đây, nhất là đã đưa ra được quy định về xử lý vi phạm trong công tác phát ngôn báo chí; đồng thời làm rõ được vai trò, phạm vi trách nhiệm của người phát ngôn cũng như của cơ quan báo chí. Quy chế mới cũng bổ sung trường hợp từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí khi vụ việc đang trong quá trình thanh tra, nghiên cứu giải quyết khiếu nại tố cáo, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền...
Mặc dù Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí có nhiều điểm cải tiến so với trước đây, nhưng ngay tại cuộc họp triển khai Quy chế phát ngôn báo chí của tỉnh, người viết đã nghe một số phóng viên và cả những người đi dự với tư cách là người phát ngôn trao đổi với nhau rằng: Các cơ quan chức năng muốn né tránh báo chí là không khó. Bởi trên thực tế, có rất nhiều lãnh đạo các cơ quan, đồng thời là người phát ngôn lấy lý do đi họp, đi công tác hoặc bận việc gì đó để từ chối cung cấp thông tin. Nhiều trường hợp phóng viên đến đúng hẹn lại được thông báo gửi lại nội dung yêu cầu để sau đó trả lời bằng văn bản. Có cơ quan yêu cầu phóng viên phải có giấy giới thiệu của cơ quan chuyên môn cấp trên... Việc từ chối khéo hoặc kéo dài thời gian cung cấp thông tin đã làm nản chí phóng viên, bởi vấn đề không còn mang tính thời sự nữa. Trong trường hợp nhà báo muốn hoàn thành nhiệm vụ hoặc đi đến cùng sự việc thì phải tìm đến những nguồn thông tin không chính thống, đồng nghĩa với độ tin cậy không cao và đôi khi dẫn đến hệ lụy là kiện tụng hoặc yêu cầu cải chính.
Một vấn đề cũng được nhiều người có trách nhiệm phát ngôn báo chí quan tâm là việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ. Theo Quy chế phát ngôn báo chí trên địa bàn tỉnh, định kỳ hằng quý và năm, các sở, ban, ngành, huyện, thị và xã, thị trấn phải báo cáo với Sở Thông tin - Truyền thông tình hình thực hiện quy chế theo đề cương hướng dẫn với 5 nội dung. Trong đó, nội dung thứ 4 về: Đánh giá kết quả sau khi cung cấp thông tin cho báo chí, mức độ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn, chính trị trong cơ quan, đơn vị và ngoài xã hội được nhiều người cho là rất khó.
Phát ngôn báo chí là hoạt động kiêm nhiệm chứ không phải hoạt động chuyên môn. Với người đứng đầu cơ quan, đồng thời là người phát ngôn thì phải cáng đáng rất nhiều việc. Hơn nữa, việc theo dõi, đánh giá sự ảnh hưởng, tác động của báo chí đến hoạt động cụ thể của cơ quan, đơn vị và xã hội cần phải có thời gian (có khi cả năm hoặc vài năm) và không phải ai cũng có khả năng. Vì thế, nhiều người cho rằng đây là yêu cầu khó thực hiện.
T.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065