Chiều 18-6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội thông qua Bộ luật lao động (sửa đổi). Theo đó, Quốc hội quyết định tăng thêm một ngày nghỉ Tết âm lịch, lên thành năm ngày.
|
Mẹ thêm thời gian nghỉ thai sản, con sẽ thêm thời gian được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời |
Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là sáu tháng thay vì bốn tháng như hiện tại.
Lần sửa đổi này, mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành. Mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố. Luật có hiệu lực kể từ ngày 1-5-2013.
|
Bà Trương Thị Mai - Ảnh: Việt Dũng |
Lộ trình tiền lương
tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp sẽ đi trước khu vực cán bộ, công chức, để đến năm 2015 mức lương tối thiểu do Chính phủ công bố hằng năm phải đáp ứng đúng cuộc sống tối thiểu của người lao động
Bà Trương Thị Mai (chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội) |
Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật giáo dục đại học. Nội dung cơ bản của luật này là khẳng định quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và các quy định để phân loại và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, "việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học cần phải có lộ trình phù hợp".
Cơ sở giáo dục đại học chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng giáo dục đại học, vị thế và uy tín của cơ sở giáo dục đại học, là căn cứ để Nhà nước và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Chiều cùng ngày, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật bảo hiểm tiền gửi, Luật phòng chống rửa tiền và Luật phòng chống tác hại của thuốc lá.
Đề nghị cổ phần hóa lĩnh vực xuất bản
Sáng 18-6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật xuất bản (sửa đổi), các đại biểu đăng đàn đều nhất trí cần thiết sửa đổi và góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật.
Ông Đỗ Mạnh Hùng (phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội) cho rằng sản phẩm xuất bản lậu trong đó có sách lậu, đĩa lậu đang là vấn đề bức xúc trên thị trường, trên 90% sách bày bán ở vỉa hè, lề đường là sách giả.
Ông Hùng nói: "Chúng ta thử hình dung một tác giả, một nhà xuất bản đã tốn bao công sức, tiền của, thời gian để có thể cho ra đời một xuất bản phẩm. Trong khi đó, những kẻ xấu chỉ bằng một thao tác đơn giản, đầu tư ít, chi phí thấp đã có thể có những xuất bản phẩm lậu với giá bán áp đảo giá bán chính thức. Theo tôi, đó không chỉ là tội phạm mà trong nhiều trường hợp còn có thể gọi là tội ác".
Ông Hùng đề nghị dự thảo luật phải bổ sung những quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm khắc xử lý hành vi làm sản phẩm xuất bản lậu.
Đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) đặt vấn đề: "Chúng ta khẳng định chủ trương không thành lập nhà xuất bản tư nhân, tuy nhiên pháp luật hiện hành đã cho phép liên kết trong hoạt động xuất bản. Thực tế cho thấy vai trò rất lớn của tư nhân trong hoạt động này. Về lộ trình cần tính đến mô hình cổ phần hóa nhà xuất bản, chỉ nên giữ lại một số nhà xuất bản thuộc sở hữu 100% vốn nhà nước để xuất bản những xuất bản phẩm quan trọng".
Về lĩnh vực xuất bản điện tử, đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) nói: "Hiện nay nước ta có trình độ phát triển thương mại điện tử và Internet rất lớn, có khoảng 20% dân số sử dụng Internet và khoảng 2 triệu người có blog... Các quy định đặt ra cho nhà xuất bản điện tử cơ bản chúng tôi đồng tình, nhưng cũng thấy cần nghiên cứu thấu đáo hơn các giải pháp. Ví dụ, quy định của dự thảo luật như máy chủ cần đặt ở Việt Nam, quy định này có thể chưa khả thi, vì nhiều trang mạng và blog phát hành các ấn phẩm điện tử có máy chủ và tên miền ở nước ngoài. Ở đây, cần chuyển sang phương thức đề cao trách nhiệm của người tham gia sử dụng, đề cao trách nhiệm của người cung cấp thông tin và đề cao hơn nữa vấn đề kiểm tra, kiểm soát".
(Theo TTO)