Sáng nay, 3-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phiên thảo luận tiếp tục diễn ra hết ngày mai 4-6 và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân cả nước cùng theo dõi.
Ngày 27-5 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nội dung này, đoàn thư ký kỳ họp đã tổng hợp đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội và gửi báo cáo đến từng đại biểu. Sau kỳ họp này, Ủy ban sửa đổi sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đồng thời tiếp tục tập hợp ý kiến của nhân dân để hoàn thiện dự thảo, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm nay. Mục tiêu là có một bản hiến pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng, trí tuệ của nhân dân.
Đồng ý cao không đổi tên nước
Thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sáng nay, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý giữ tên nước như hiện hành. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhất trí giữ nguyên tên nước, vì đã sử dụng ổn định suốt mấy chục năm qua, đã được ghi trong Hiến pháp. Thay đổi trong bối cảnh hiện nay sẽ phát huy những hệ lụy cũng như tốn kém không cần thiết. Đại biểu Trần Văn Tư (Đồng Nai) cùng quan điểm khi cho rằng, “đổi tên nước hay không còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng ở Đồng Nai, hơn 700.000 ý kiến nhân dân thì chỉ có 1 ý kiến đề nghị đổi tên nước là Việt Nam Dân chủ cộng hòa. “Khi phỏng vấn họ, họ cũng chỉ muốn trở về tên nước ngày đầu độc lập, ngoài ra không có ý nguyện nào khác”, đại biểu Trần Văn Tư cho biết. Tên nước của chúng ta hiện nay là sự lựa chọn của thời khắc lịch sử sau khi kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hơn 37 năm qua, tên nước vẫn bảo đảm theo đường hướng của Đảng, bảo đảm chế độ dân chủ của nhân dân. Đó là chưa kể, nếu đổi tên nước trong bối cảnh hiện nay thì cái không được nhiều hơn cái được, gây xáo trộn không cần thiết.
Các Đđại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị), đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) cũng chung quan điểm. Trước đó, theo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội thứ 5, có 81 ý kiến tại 19 tổ tán thành với tên nước như dự thảo. Chỉ có 3 ý kiến ở 3 tổ đề nghị đổi tên nước thành “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. 3 ý kiến này cũng đề nghị đưa 2 phương án về tên nước như trong bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các đại biểu Quốc hội quyết định. Ngoài ra, có 1 ý kiến đề nghị nghiên cứu để có một tên nước đi vào lòng bạn bè trên thế giới.
Phải xem lại nội dung về chính quyền địa phương
Vấn đề chính quyền địa phương nhận được sự quan tâm của hầu hết các đại biểu Quốc hội và ý kiến vẫn còn khác nhau. Khi thảo luận tại tổ về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo đưa ra 2 phương án về chính quyền địa phương. Nhưng với phương án 1 tuy đổi tên là chính quyền địa phương nhưng không chỉ rõ chính quyền địa phương là ai, rất không đầy đủ, nội dung sơ sài. Vì thế chỉ có thể chọn phương án 2, nhưng phương án 2 thực chất là giữ nguyên như hiện nay.
Còn trong phiên thảo luận sáng nay, đa số ý kiến lo ngại vì dự thảo sửa đổi chưa làm rõ hình hài của mô hình chính quyền địa phương. Đại biểu Lê Văn Tấn (Hà Nam) tán thành phương án 1 khi cho rằng, chính quyền cơ sở rất quan trọng nhưng hoạt động còn hạn chế. HĐND nhiều nơi hoạt động kém hiệu quả. Việc thí điểm bỏ HĐND quận huyện chưa được tổng kết. Chính quyền đô thị và nông thôn khác nhau. Chính vì vậy Hiến pháp lần này chưa cần phải quy định rõ các mô hình.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) lại chọn phương án 2 khi đề nghị giữ nguyên như hiện hành vì thời gian vừa qua thí điểm bỏ HĐND quận huyện nhưng chưa có tổng kết. ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cũng cho rằng phương án 1 quá ngắn gọn, đó lại là phương án được đưa ra khi mà chưa biết việc thí điểm HĐND có thành công hay không. “Vì thế, tôi không đồng ý với phương án 1 vì chưa có gì rõ ràng, còn nhiều mâu thuẫn, nhất là chính quyền địa phương lại do luật định. Đồng ý với phương án 2, giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương như Hiến pháp hiện hành”, đại biểu Phạm Đức Châu phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ) cũng quan điểm, thiết chế HĐND và UBND phải là thiết chế đồng cấp, có quan hệ mật thiết với nhau, ở đâu có UBND phải có HĐND. “Đồng ý quan điểm mô hình chính quyền địa phương giữ nguyên như hiện nay, những nơi đặc thù thì có thể theo luật định”, ông Khánh nêu rõ.
Đặc biệt, ý kiến của đại biểu Huỳnh Nghĩa (Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng) về vấn đề này rất nhiều cảm xúc. Ông nói, chính quyền địa phương là vấn đề mà nhân dân rất quan tâm. “Chúng ta 5 năm thí điểm không có HĐND quận huyện phường nhưng chưa có tổng kết, chứng tỏ vấn đề rất phức tạp, nhân dân ở những nơi đó cũng băn khoăn. Các tỉnh thành thí điểm đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nhiều ý kiến tán thành giữ nguyên như hiện nay, ở đâu có cơ quan hành chính thì có cơ quan giám sát”, ông Nghĩa nói. Theo ông, nếu bỏ HĐND thì ai là người đại diện cho nhân dân, ai giám sát cơ quan hành chính. Nếu do đại biểu HĐND tỉnh làm thay thì đó là phi thực tế. “Về cả mặt thực tế và lý luận hiện nay đều chưa thể giải quyết điều này. Cả nhân dân, nhiều cán bộ, chuyên gia đã phản biện về việc thí điểm bỏ HĐND trong thời gian qua. Việc tổng kết việc thí điểm đang có dấu hiệu quy chụp, không khách quan, nếu nói bỏ HĐND là giảm bộ máy, giảm tham nhũng, vậy chứng minh đi? HĐND gần dân, đại diện cho nhân dân, hiểu dân, góp phần đem lại lòng tin của nhân dân vào chính quyền. Đây chính là cái được lớn nhất của chế độ ta, Nhà nước ta, cần được ghi nhận một cách đúng đắn. Dĩ nhiên, có một số nơi HĐND hoạt động hình thức, không hiệu quả, đó là do cách tổ chức hoạt động kém vấn đề. Đa số HĐND đều hoạt động tốt, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân. Không thể vì một số nơi hoạt động kém hiệu quả mà xóa bỏ HĐND, làm mất đi chỗ dựa tin cậy của nhân dân”, ông Nghĩa thẳng thắn.
Ông kiến nghị cần thận trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân để lựa chọn mô hình chính quyền địa phương. Cần tổng kết việc thí điểm bỏ HĐND quận huyện, phường, lắng nghe ý kiến nhiều chiều để có quyết định đúng. “Việc tổng kết cần phải hoàn tất trước kỳ họp thứ 6 để Ban soạn thảo dự thảo sửa đổi HP có lựa chọn đúng. Nhất thiết không được cắt bỏ quyền làm chủ của nhân dân”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Giữ Điều 4, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng
Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội tán thành việc giữ Điều 4 như trong dự thảo sửa đổi. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu), đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) tán thành giữ Điều 4 như dự thảo để khẳng định tính tất yếu khách quan vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN. Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Bí thư tỉnh ủy Phú Thọ), đại biểu Ya Duck (Lâm Đồng), đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận... đều đồng ý giữ Điều 4. Đại biểu Ya Duck cho rằng Điều 4 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là hợp lòng dân. Còn theo đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận), thực tiễn lịch sử đã chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, xã hội, với các nhiệm vụ lịch sử. “Tuy nhiên, cần chỉnh lý, sửa đổi theo hướng Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đề nghị thêm từ duy nhất”, đại biểu Huỳnh Thế Kỳ nói.
Hội đồng Hiến pháp nếu có phải đủ mạnh
Hội đồng Hiến pháp cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến đề xuất không cần thiết thành lập hội đồng này mà giữ nguyên như cơ chế hiện nay, cùng với đó tăng cường thực quyền các cơ quan Quốc hội để bảo đảm vai trò giám sát. Đại biểu Trần Văn Tư (Đồng Nai) nói, sửa đổi lần này đề cập đến Hội đồng Hiến pháp, nhưng nếu như dự thảo thì hội đồng này cũng như hoạt động của các ủy ban khác. Vì vậy, không tán thành thành lập hội đồng này.
|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân phát biểu ý kiến |
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng cho rằng, Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án để lựa chọn với sự khác biệt lớn. “Chọn gì đi nữa thì hội đồng này cũng phải bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, có sự phân công - phối hợp - kiểm soát giữa các quyền lực Nhà nước. Nếu không có Hội đồng Hiến pháp thì sẽ không bảo đảm được yêu cầu của cử tri cả nước, ai sẽ đứng ra để trả lời cho nhân dân những hành vi vi hiến. Từ trước đến nay không có tổ chức nào đứng ra mà chỉ có báo chí và dư luận lên tiếng. Cần thiết có một thiết chế đủ mạnh, có quyền lên tiếng về những hành vi vi hiến, những hành vi xâm phạm ngang ngược đối với Trường Sa, Hoàng Sa mà nhân dân cả nước đang phẫn nộ”, ông Nhân nói. Nhưng nếu thành lập Hội đồng Hiến pháp mà như dự thảo đưa ra thì không đủ mạnh, chỉ dừng ở việc kiểm tra, kiến nghị. “Không thành lập Hội đồng Hiến pháp nếu vẫn giữ nguyên như dự thảo. Thay vào đó, phải tăng cường vai trò giám sát, hậu kiểm của các cơ quan như Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân..” - ông Nhân phát biểu. Vì thế cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét về chức năng, quyền của hội đồng này. Cần xác định quyền của hội đồng này thì mới hoàn thành được nhiệm vụ của Quốc hội giao cho.
|
|
(Theo SGGP)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065