Qua thảo luận, các đại biểu Phùng Khắc Đăng (Sơn La), Hoàng Đức Thắm (Quảng Trị), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) như trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng: Việc sửa đổi Luật lần này nhằm thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về việc thực hiện các quyền của trẻ em; tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, đặc biệt là Công ước quốc tế về quyền trẻ em; khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.
Về tên gọi của Luật, các đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân, Hoàng Đức Thắm, Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nhất trí đổi tên Luật thành Luật trẻ em như phương án 1 của Chính phủ trình và cho rằng: Tên gọi này ngắn gọn, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh của Luật và phù hợp với cách đặt tên của những Luật đã được ban hành liên quan đến nhóm đối tượng đặc thù như: Luật thanh niên, Luật người cao tuổi, Luật người khuyết tật. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị tên gọi của Luật là Luật bảo vệ quyền trẻ em.
Thảo luận về độ tuổi trẻ em, đa số các đại biểu nhất trí về việc nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi theo lập luận nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Theo các đại biểu, việc điều chỉnh này là cần thiết, vừa bảo đảm tuân thủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vừa thống nhất với các quy định của pháp luật Việt Nam về tuổi trưởng thành đầy đủ (tức là tuổi thành niên). Đồng thời, quy định như vậy phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục phổ thông; là bậc học giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất và tinh thần để sẵn sàng tham gia vào đời sống xã hội.
Theo đại biểu Thạch Thị Dân (Trà Vinh), quy định như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, đối với một số nhóm trẻ chưa thành niên (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi), có một số vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và đề xuất biện pháp giải quyết như: Nạn tảo hôn; tình trạng nạo phá thai của trẻ em vị thành niên; làm mẹ ở tuổi vị thành niên, nhất là các em ở vùng cao; xâm phạm tình dục, cưỡng bức lao động. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo đánh giá tác động việc thay đổi chính sách về độ tuổi và nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới.
Bày tỏ quan điểm đồng tình, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, quy định như vậy phù hợp với nội dung của Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và không mâu thuẫn với việc quy định là thành niên và vị thành niên. Mà chỉ đủ 18 tuổi mới là thành niên, còn dưới 18 thì vẫn là trẻ em.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giữ nguyên độ tuổi trẻ em như luật hiện hành. Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho rằng hiện nay quy định về độ tuổi trẻ em ở các văn bản pháp luật hiện hành đều có “độ vênh” và khác nhau. Bộ luật dân sự quy định người thành niên là người đủ từ 18 tuổi trở lên. Nhưng Luật thanh niên lại quy định thanh niên là người từ đủ 16 đến 30 tuổi. Còn Bộ luật lao động lại quy định người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động và giao kết hợp đồng lao động...
Do đó, nếu nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi thì thống kê số trẻ em phạm tội sẽ tăng lên nhiều. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phân tích, Công ước quốc tế quy định về quyền trẻ em đã nêu rõ tùy vào hoàn cảnh điều kiện của mỗi nước mà có thể quy định độ tuổi trẻ em thấp hơn. Do đó, nước ta vẫn có thể quy định tuổi trẻ em là 16 tuổi trở xuống.
Cũng thảo luận về Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), các đại biểu đã góp ý vào các nội dung như: Nguồn lực Nhà nước đầu tư cho trẻ em; bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính; chăm sóc thay thế; trách nhiệm của Nhà nước...
Chiều 13-11, Quốc hội làm việc tại hội trường.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065