Những ngày đó, các “nhà dân chủ” coi đây là cơ hội hòng quấy rối dưới đèn: vừa để lấy cớ tạo dư luận gây áp lực lên chính quyền Việt Nam, vừa bôi lem chủ nhà để quan khách quốc tế “nghĩ khác, hiểu khác và hành động khác”!. Số này tìm cách liên lạc với các tổ chức phản động bên ngoài, những tổ chức, cá nhân thù địch, nhờ cậy họ lên tiếng hòng gây áp lực nhân lúc các nguyên thủ APEC có mặt tại Việt Nam.
Chiêu bài không gì khác vẫn là áo mũ “đấu tranh đòi nhân quyền, dân chủ”, kêu gọi nguyên thủ các nước gây sức ép để chính quyền Việt Nam “thả những nhà đấu tranh vì dân chủ”, những nhà “bất đồng chính kiến”. Nhân thể, họ gửi lên danh sách “các tù nhân lương tâm”, kèm những video, ảnh bị sửa, cắt xén để tố cáo Việt Nam “đàn áp nhân quyền”…
Nhận được “tín hiệu”, lập tức những tổ chức phản động, thù địch với Việt Nam ở nước ngoài lên tiếng. Con bài nhân quyền, dân chủ được đẩy lên cao. Trên nhiều trang web của số này gia tăng lượng bài viết chỉ trích Việt Nam vi phạm nhân quyền, dân chủ với những lời lẽ như: “Việt Nam đang trấn áp mạnh tay đối với các nhà hoạt động dân chủ và vận động nhân quyền”, đưa ra con số “hàng chục nhà hoạt động đã bị bắt giữ chỉ trong vài tháng qua”.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vu cáo: “Hiện có hơn 100 tù chính trị tại Việt Nam” và đưa ra dẫn chứng: “Con gái của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, trong những ngày cuối tháng 10 đã lần thứ tư gửi thư tới Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump, cầu xin giúp đỡ để blogger Mẹ Nấm được thả”. Tổ chức này tỏ ra phấn chấn: “Liệu Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ có nêu vấn đề về quyền tự do biểu đạt, về nhân quyền trong chuyến đi của ông tới Việt Nam?”.
Ăn theo HRW, có nhiều cá nhân và tổ chức phản động lưu vong cũng viết thư gửi tới các lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, đề nghị họ gây áp lực để chính phủ Việt Nam “ngừng các cuộc đàn áp dân chủ”. Trước đó, HRW còn ra thông cáo “kêu gọi chính quyền Việt Nam thả tự do cho các tù nhân chính trị”…
Dù cố gắng tạo làn sóng, tạo sức ép từ dư luận hòng để những nhà lãnh đạo APEC có mặt tại Việt Nam lên tiếng song thực tế, mưu đồ của số chống phá này đã đổ vỡ. Chiêu bài gửi thư cho Tổng thống và Phu nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông tham dự APEC 2017 và thăm chính Việt Nam đã được các cá nhân, tổ chức chống phá lên kế hoạch kỹ lưỡng. Số chống phá cũng tìm cách quấy rối khi tìm cách chê bai, chỉ trích, nói rằng nước chủ nhà tổ chức APEC “không chu đáo”, “không thiện chí”, tìm các lý do để bồi bút, tô đen.
Tuy nhiên, như đã nói, với nội dung thông tin sai sự thật, lấy cớ dân chủ, nhân quyền để vu cáo chính quyền Việt Nam bắt giam “những nhà hoạt động dân chủ” không còn là con bài để đánh lạc hướng các nhà lãnh đạo. Là nguyên thủ quốc gia tham dự diễn đàn kinh tế lớn tổ chức tại Việt Nam, các nhà lãnh đạo đặt vấn đề toàn cục và toàn diện với tầm nhìn hợp tác toàn diện, vì lợi ích chung và trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Ở đây không có chỗ cho những mánh khóe cá nhân, xiên xỏ kiểu lập lờ đánh lận dưới dạng “thư ngỏ”, “thư kiến nghị” để phục vụ cho mưu đồ chống phá thấp hèn.
Thực tế trước, trong, sau Hội nghị cấp cao APEC cũng như các chuyến thăm chính thức, các buổi tiếp xúc song phương đã cho thấy rõ điều đó. Trong buổi họp báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời nhiều câu hỏi, trong đó có nhận xét về công tác tổ chức của nước chủ nhà.
“Đánh giá công tác tổ chức thì Việt Nam đã làm tất cả để hội nghị diễn ra một cách hiệu quả và thành công. Hội nghị đã dành nhiều sự chú ý vào các vấn đề kinh tế, các vấn đề được thảo luận đều rất thực tế và được các thành viên của nền kinh tế APEC quan tâm. Ví dụ như Việt Nam đề cập đến nền kinh tế số và doanh nghiệp vừa và nhỏ” - ông Putin nói.
Tờ “Đại Công báo” của Hồng Kông (Trung Quốc) có bài viết “APEC thúc đẩy hợp tác Trung - Việt bước lên một tầm cao mới”, đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam sau mở cửa cũng như tương lai hợp tác giữa Việt Nam-Trung Quốc trong thời gian tới.
Tiến sỹ Alan Bollard - Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC nhấn mạnh, Việt Nam là nước “cầm cương” cho tiến trình phát triển, đặt ra chủ đề cũng như những ưu tiên trong hoạt động của Năm APEC 2017. Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC thành công tốt đẹp đã khép lại một năm hoạt động sôi động và hiệu quả của APEC, đồng thời khởi động nhiều chương trình, hoạt động để các chủ nhà APEC tiếp theo tiếp quản như Papua New Guinea vào năm 2018, Chile năm 2019.
Trong khi đó, Tạp chí Diplomat có bài viết ghi nhận việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC năm nay không chỉ thể hiện sự tín nhiệm của một tổ chức chiếm một nửa kinh tế toàn cầu vào uy tín và vị thế của Việt Nam ngày một nâng cao trên trường quốc tế mà còn tín nhiệm khả năng tổ chức một sự kiện vào loại lớn nhất hành tinh này.
Với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông đã có những chia sẻ trên trang cá nhân thể hiện cảm xúc tuyệt vời khi ở Việt Nam. Ngay khi đáp chuyên cơ xuống Philippines vào chiều tối 12-11, ông đăng tải một dòng tweet trên trang Twitter cá nhân với nội dung: "Vừa hạ cánh ở Philippines sau một ngày tuyệt vời với các cuộc gặp mặt và sự kiện tại Hà Nội, Việt Nam".
Trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 11 và 12-11, khẳng định: “Lãnh đạo hai nước thảo luận về những biện pháp để củng cố và mở rộng quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, các lợi ích và mong muốn chung thúc đẩy hòa bình, hợp tác, thịnh vượng và an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Lãnh đạo hai bên tái khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ trên cơ sở những tuyên bố chung trước đây giữa hai nước; tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau”.
Về vấn đề nhân quyền, trước đó, trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ghi rõ: “Tổng thống Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh kết quả của các cuộc đối thoại thẳng thắn, xây dựng về quyền con người, đặc biệt là vòng 21 Đối thoại nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ diễn ra vào tháng 5 năm 2017, nhằm thu hẹp khác biệt và tiếp tục xây dựng lòng tin.
Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và sự liên hệ giữa quyền con người với an ninh và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Hai nước khuyến khích tăng cường hợp tác để bảo đảm tất cả mọi người, bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo và khuynh hướng giới tính, cũng như người khuyết tật, được hưởng đầy đủ các quyền con người. Hoa Kỳ hoan nghênh nỗ lực của Việt Namtrong việc cải thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền cho mọi người dân”.
Hồi tháng 5-2017, tại Hà Nội cũng đã diễn ra Đối thoại nhân quyền Việt Mỹ lần thứ 21. Đây là hoạt động thường niên giữa hai bên, trao đổi về những vấn đề hai bên cùng quan tâm, trong đó có vấn đề tự do tôn giáo, tự do bày tỏ chính kiến, xây dựng nhà nước pháp quyền, quyền lao động, thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền cũng như khả năng hợp tác trong lĩnh vực này trên cơ sở xây dựng và tôn trọng lẫn nhau, từ đó tăng cường hiểu biết, thu hẹp khác biệt, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Hiển nhiên, sự hiểu biết và tăng cường hợp tác giữa hai nước cũng khiến chiêu bài đội mũ “dân chủ, nhân quyền” của những thế lực chống phá càng trở nên lạc lõng, dù là dịp APEC - khi chủ nhà đón tiếp trọng khách.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065