Biết là có chuyện nhưng anh không vội hỏi ngay, vì động đến chị lúc này khác nào châm ngòi cho thùng thuốc súng. Anh lẳng lặng đi thay quần áo rồi vào bếp làm cơm, dọn dẹp nhà cửa. Khi hai đứa con về tới nhà thì mâm cơm đã sẵn sàng, nhà cửa đèn đóm sáng trưng, sạch sẽ.
Theo thói quen, chị vẫn ngồi đầu nồi nhưng tay xới hôm nay có phần uể oải, hai đứa trẻ vô tâm nên không biết, chỉ có anh nhận thấy. Cơm nước xong xuôi, trẻ con lên gác học bài, sau khi hai vợ chồng đã yên vị trong phòng riêng, anh làm như chợt nhớ ra hỏi chị: “Hôm nay gặp bạn vui không em?”. Chỉ chờ có thế, chị òa khóc: “Mấy đứa gặp nhau nói chuyện té ra chỉ có em tầm này vẫn vất vả lao đầu vào bếp, đi chợ. Nhà chúng nó đều có ô sin cả, tan giờ thảnh thơi lượn lờ”.
|
Ảnh minh họa |
Ôi trời, tưởng chuyện gì, anh thở phào nhẹ nhõm. Chị năm nay đã bắt đầu bước vào “cung đường xóc nẩy” cuối cùng của đời đàn bà nên lắm lúc còn khó hiểu hơn cả cô con gái đang tuổi dậy thì. Chuyện thuê ô sin nào có ai cấm, nhưng chính chị vẫn bảo là không thích vì mất tự do, không tin tưởng lại tốn tiền. Chắc hôm nay trong cơn xúc động, chị đã quên.
Biết được lý do, an ủi vợ vài câu, anh quay sang bật ti vi để theo dõi trận tennis mà không biết rằng chị vẫn còn ấm ức lắm. Chị buồn vì đến họp nhóm, chỉ mình chị đi xe máy, dùng điện thoại đời cũ, trong khi mấy cô bạn đã lên đời xe bốn bánh, rồi Iphone, Ipad cả, mà ngày xưa chúng nó toàn chép bài của chị chứ đâu.
Chị tủi vì lũ bạn tranh nhau khoe biệt thự nọ kia, chồng lên chức mới, chức cũ, trong khi hai vợ chồng chị vẫn chung thủy với căn nhà lô bao diêm mua từ hồi cưới, anh cũng chỉ giữ chân trưởng phòng trong một cơ quan… Đàn bà có thật lắm thứ để xúc động, mà chị thì lại đàn bà nhất trong những người đàn bà. Thế nên, chị cứ chìm đắm trong nỗi buồn của mình mãi. Cho đến một ngày…
Một cô bạn trong nhóm mà chị mới gặp gọi điện nhờ chị giới thiệu cho người bạn làm bác sĩ bệnh viện lão khoa. Cứ tưởng bố mẹ nó ốm, nào ngờ người đang nằm viện là ông chồng. “Mày quên là chồng tao hơn tụi mình 25 tuổi à. Giờ mình đã thế này thì lão chả thành cụ còn gì”.
Gặp nhau ở bệnh viện bên giường người bệnh, nhìn mặt mấy đứa bạn lo lắng cho viễn cảnh “đi chăm chồng cụ” vì chồng chúng nó đều hơn vợ trên dưới hai chục cái xuân xanh cả, chị suýt bật cười. Và cũng từ cơn cười đó mà chị nhớ ra chính mình ngày xưa đã hùng hồn tuyên bố: “Ừ thì vợ chồng tao nghèo, nhưng tao lấy vì yêu, nên chồng tao phải hai chục năm nữa mới bằng chồng chúng mày bây giờ. Cuối đời tao sẽ không phải ôm cụ”.
Ngỡ vợ vẫn còn tâm trạng u ám nên chiều cuối tuần đó anh bỏ bữa chơi thể thao với bạn để về sớm giúp chị chuyện cơm nước. Mở cửa vào nhà, anh ngỡ ngàng khi thấy vợ mình mặt mày rạng rỡ đang nhào bột làm bánh trong bếp, bình hoa hồng mới cắm rung rinh trong tiếng nhạc phát ra từ bộ dàn yêu thích mà lâu lắm chị không dùng.
“Chồng trẻ của em” là câu chào âu yếm mà đã lâu anh không được nghe từ chị…
Theo Pháp Luật Việt Nam