Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Barack Obama trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ ngày 5 đến 12-7-2015
Những ngày này, cả thế giới đang hướng về Việt Nam dõi theo cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sắp diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27 và 28-2 tới.
Việc Hoa Kỳ và Triều Tiên lựa chọn Việt Nam là địa điểm cho Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai được các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài nhìn nhận vì Việt Nam là biểu tượng cho một tiến trình bước qua chiến tranh, khép lại quá khứ, mở cửa hội nhập và phát triển tiến lên. Và mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ chính là một hình mẫu lý tưởng minh chứng cho những nhận định đó.
Từ những cựu thù trong chiến tranh, hai nước đã chuyển sang bình thường hóa quan hệ và phát triển quan hệ lên một tầm cao mới với khuôn khổ “Đối tác toàn diện.”
Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 12-7-1995), đến nay, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã chuyển đổi thành công từ đối đầu sang bạn bè, và trở thành đối tác toàn diện từ chính trị-ngoại giao, kinh tế, giáo dục, khoa học-công nghệ, đến quốc phòng-an ninh; với động lực hợp tác ngày càng củng cố, mạnh mẽ hơn, các lĩnh vực hợp tác ngày càng rộng, sâu, đa dạng, thực chất, hiệu quả và lợi ích hài hòa có tầm quan trọng chiến lược.
Quan hệ chính trị-ngoại giao đạt nhiều dấu mốc quan trọng
Sau khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã khai trương Đại sứ quán tại Washington và Hà Nội (vào tháng 8-1995). Sau đó, vào tháng 7-2013, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện.
Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định xu thế phát triển tất yếu của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hai nước trong tương lai. Tiếp đó, chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7-2015) đánh một dấu mốc quan trọng mới, mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước.
Trong Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ được công bố sau cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Mỹ Barack Obama có đoạn: “Việc thực hiện tốt, đầy đủ và không ngừng làm sâu sắc, phong phú thêm quan hệ đối tác toàn diện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là cơ sở để xây dựng lòng tin, tiến tới đưa quan hệ phát triển lên một tầm cao mới.”
Tháng 5-2016, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tiếp tục tạo ra một dấu mốc mới trong quan hệ hai nước, khi Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Như vậy, vật cản cuối cùng trong quan hệ song phương đã được xóa bỏ, đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ, đồng thời gửi đi một thông điệp nhiều ý nghĩa về việc tăng cường lòng tin chiến lược và sự thắt chặt quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong tương lai. Nói chung, chuyến thăm được đánh giá đã “thể hiện một bước tiến dài trong tư duy của các nhà lãnh đạo Mỹ với Việt Nam.”
Đến nhiệm kỳ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ngay từ cuối tháng 5-2017 (nghĩa là chỉ 4 tháng sau khi ông Trump lên cầm quyền), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên và thứ ba ở châu Á (sau Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình) có cuộc hội đàm với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, “để đề ra lộ trình cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, dựa trên những động lực tích cực của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.”
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trên lĩnh vực chính trị-ngoại giao nhìn chung tiếp tục diễn tiến thuận lợi. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11-2017 của Tổng thống Donald Trump, hai nước tái khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ trên cơ sở những Tuyên bố chung trước đây giữa hai nước; tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Có thể thấy rõ, các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước thời gian qua đã thực sự làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, thúc đẩy đà phát triển quan hệ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị của nhau.
Trên bình diện đa phương, Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác, phối hợp tốt tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; phối hợp về chương trình nghị sự toàn cầu, củng cố đoàn kết và đề cao vai trò của ASEAN, thúc đẩy quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và Đại diện thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefsky ký Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, ngày 13-7-2000, tại Thủ đô Washington D.C
Hợp tác kinh tế-thương mại là điểm sáng trong quan hệ hai nước
Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ được coi là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đã và đang trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ chung giữa hai nước.
Hiện Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong 24 năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 100 lần, từ 451 triệu USD (năm 1995) lên 45,1 tỷ USD (năm 2015), 47,15 tỷ USD (năm 2016), 50,8 tỷ USD (năm 2017) và đạt kỷ lục 60,3 tỷ USD (năm 2018).
Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đưa ra dự báo kim ngạch thương mại hai nước có thể đạt 80 tỷ USD vào năm 2020. Về đầu tư, Hoa Kỳ hiện đứng thứ 11 trong số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 908 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 9 tỷ USD.
Ngày 13-1-2017, Việt Nam và Exxon Mobil đã ký Thỏa thuận khung phát triển dự án và Thỏa thuận khung hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh với tổng trị giá khoảng 10 tỷ USD. Ngày 27 và 28-3-2017, hai nước đã tái khởi động cuộc họp kỹ thuật của Hội đồng Hiệp định khung về thương mại và đầu tư song phương (TIFA).
Về Viện trợ phát triển (ODA), Hoa Kỳ luôn giữ viện trợ phát triển dành cho Việt Nam ở mức ổn định trên 100 triệu USD/năm. Về du lịch, lượng khách du lịch Hoa Kỳ đến Việt Nam trong năm 2018 đạt 687.200 lượt người, tăng 11,9% so với năm 2017.
Tiếp tục hợp tác quốc phòng-an ninh
Hợp tác quốc phòng-an ninh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được xác lập ngay từ khi bình thường hóa năm 1995. Trong 24 năm qua, hợp tác quốc phòng-an ninh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có những thay đổi ấn tượng.
Nếu như lúc ban đầu, hai nước mới chỉ dừng ở các cuộc tiếp xúc song phương tập trung vào giải quyết vấn đề tìm kiếm tù binh chiến tranh và người Mỹ mất tích (POW/MIA) trong chiến tranh tại Việt Nam, thì sau đó bắt đầu diễn ra các chuyến viếng thăm lẫn nhau của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước và đi cùng với đó là những tiến triển tích cực, thực chất trong việc xử lý hậu quả chiến tranh và những hợp tác trên các phương diện khác.
Tháng 6-2015, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ. Đặc biệt, ngày 23-5-2016, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, thực hiện một bước tiến có ý nghĩa, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin giữa hai bên để tăng cường hợp tác đối phó hữu hiệu với các nguy cơ về an ninh trong khu vực.
Hiện hai bên tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, duy trì các cơ chế đối thoại song phương và tiếp xúc tại các diễn đàn khu vực. Hai bên đã thông qua Kế hoạch hành động 3 năm về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2021.
Nhiều cơ hội hợp tác khoa học-công nghệ
Hai nước đã ký Hiệp định hợp tác về khoa học-công nghệ vào năm 2000 và thành lập Ủy ban hỗn hợp hợp tác khoa học-công nghệ. Hiệp định hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123) chính thức được ký kết ngày 6/5/2014 đã mở ra cơ hội lớn cho hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hạt nhân dân sự đầy tiềm năng.
Hoa Kỳ và Việt Nam bước đầu hợp tác về khoảng không vũ trụ: Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký Tuyên bố ý định chung về trao đổi hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu không gian (tháng 12-2011); Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ký Tuyên bố hợp tác về khoa học công nghệ (tháng 3-2015), Dàn xếp Hành chính trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (tháng 5/2016). Tháng 3/2018, hai bên lần đầu tiên tổ chức Đối thoại về An ninh năng lượng tại Hà Nội.
Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton phát biểu với cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16 đến 19-11-2000
Hiệu quả trong hợp tác giáo dục, môi trường
Hợp tác về giáo dục-đào tạo là nhân tố quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Hiện có trên 30.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á, đứng thứ 6 trong số các nước có nhiều du học sinh tại Hoa Kỳ. Hai bên tích cực triển khai dự án Đại học Fulbright tại Việt Nam; trao đổi về Hiệp định thực thi Chương trình Hòa Bình, cho phép các tình nguyện viên Hoa Kỳ vào dạy tiếng Anh tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm tới các vấn đề về hợp tác y tế, môi trường, nhân đạo với Việt Nam. Hoa Kỳ tiếp tục duy trì và tăng ngân sách cho các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có dự án tẩy độc các điểm nóng nhiễm chất dioxin, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Năm 2017, Hoa Kỳ đã hoàn thành các hạng mục chính trong công tác tẩy độc sân bay Đà Nẵng; cam kết tiếp tục triển khai dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng tài trợ cho Việt Nam các dự án về khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh với tổng viện trợ 94 triệu đô la thông qua các Tổ chức phi chính phủ (NGO) từ năm 1993 đến nay.
Có thể nói, từ khi bình thường hóa quan hệ, lợi ích chung giữa hai nước đã và đang ngày càng tăng lên, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Trong 24 năm qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực ở cả ba tầng nấc song phương, khu vực và toàn cầu. Sự phát triển đó phù hợp với xu thế thời đại, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước và hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển của khu vực và thế giới.
Mới đây, tại buổi tiếp Đại sứ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Daniel J.Kritenbrink nhân dịp năm mới 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng và các vấn đề quốc tế để hướng tới kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ hai nước.
Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J. Kritenbrink khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh; đồng thời mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hợp tác về an ninh-quốc phòng.
Hoa Kỳ coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực và mong muốn phát triển quan hệ với Việt Nam cũng như ASEAN vì hòa bình, hợp tác và phát triển; thúc đẩy hợp tác tiểu vùng Mekong.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065