Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 21 đến 24-7-2013, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu đã được đón tiếp trọng thị và chu đáo, thể hiện tình cảm hữu nghị thắm thiết giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Hàn Quốc. Bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ trong những năm qua phát triển mạnh trên mọi lĩnh vực, gần đây nhất là phối hợp tổ chức thành công “Năm hữu nghị Việt - Hàn 2012”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam không ngừng củng cố và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc.
Chuyến thăm của đoàn diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn gặp không ít khó khăn, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới, tình hình an ninh-chính trị khu vực có những diễn biến phức tạp song quan hệ hai miền Triều Tiên gần đây đã giảm căng thẳng. Xét về mối quan hệ song phương, từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 12-1992 đến nay, Việt Nam và Hàn Quốc đã phát triển mối quan hệ mang tính xây dựng và hướng tới tương lai dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Nhìn lại chặng đường hơn hai thập kỷ qua, hai bên có thể hài lòng trước những bước phát triển hết sức mạnh mẽ của mối quan hệ hữu nghị hợp tác Việt - Hàn mà có người ví là “kỳ tích Thái Bình Dương”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến thăm Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc |
Cuộc gặp gỡ thiên định
Quan hệ giao lưu giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có từ nhiều thế kỷ trước, song mối quan hệ này chỉ thực sự tăng tốc và nâng tầm sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1992. Sau 20 năm, quan hệ hai nước đã phát triển hết sức ngoạn mục, đạt được nhiều thành tựu sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đến an ninh quốc phòng.... Đánh giá về mối quan hệ này, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-hwan cho rằng cuộc gặp gỡ giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính là “cuộc gặp gỡ thiên định” như vẫn thường thấy trên các bộ phim truyền hình Hàn Quốc rất được yêu thích tại Việt Nam.
Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi Việt Nam đang thực hiện chính sách Đổi mới nhằm phát triển kinh tế thông qua cải cách, mở cửa thì cũng là lúc Hàn Quốc thúc đẩy chính sách Ngoại giao phương Bắc, cải thiện quan hệ với các nước không cùng hệ thống chính trị. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Ủy ban hỗn hợp Việt - Hàn về hợp tác kinh tế - văn hóa, cho biết: “Quá trình kiến lập ngoại giao giữa hai nước từng trải qua những khó khăn do vướng mắc vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh và do quán tính của Chiến tranh Lạnh không dễ gì khắc phục. Tuy nhiên, những trắc trở cho dù phức tạp đi nữa vẫn có thể vượt qua được nếu lợi ích của hai bên gặp nhau”. Và như một minh chứng của cuộc gặp thiên định, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, quan hệ Việt - Hàn đã chuyển từ đối kháng, nghi ngại sang đối tác chiến lược, cùng với đó là sự phát triển bùng nổ hiếm thấy trong lịch sử hiện đại.
Trong các cuộc gặp với Chủ tịch QH Kang Chang-hee và Thủ tướng Chung Hong-won của Hàn Quốc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Việt Nam và Hàn Quốc không chỉ là đối tác hàng đầu về kinh tế, mà còn trở thành bạn bè hiểu biết và tin cậy của nhau. Ông khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam không ngừng củng cố và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc; mong muốn Hàn Quốc hỗ trợ, phối hợp với Việt Nam góp phần vào thành công của hội nghị Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tổ chức tại Hà Nội vào năm 2015; đề nghị Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam, phối hợp đẩy nhanh quá trình đàm phán FTA song phương, ủng hộ và tiếp tục coi Việt Nam là đối tác trọng điểm về hợp tác phát triển, ưu tiên cung cấp và tăng quy mô viện trợ ODA dành cho Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông…
Tại buổi tiếp ông Choi Young-joo, Chủ tịch Hội hữu nghị Hàn-Việt, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Hội hữu nghị Hàn-Việt tích cực giúp đỡ phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc có việc làm ổn định nhằm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, qua đó tạo cơ sở kinh tế và xã hội cho bình đẳng giới, loại trừ bạo hành, bạo lực gia đình.
|
Kỳ tích Thái Bình Dương
Hai nước đã thúc đẩy và nâng cấp quan hệ liên tục từ “Quan hệ đối tác trong thế kỷ 21” (tháng 8-2001) lên “Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21” (tháng 10-2004) và tiếp đó là “Đối tác hợp tác chiến lược” (tháng 5-2009), tạo nền tảng chính trị quan trọng đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc phát triển ở tầm cao chiến lược mới trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế-thương mại. Hàn Quốc hiện đã vươn lên trở thành một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Về thương mại, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ chín của Hàn Quốc. Kim ngạch thương mại song phương trong năm 2012 đạt 21,12 tỷ USD, sớm 2 năm so với mục tiêu đề ra, tăng gấp 42 lần so với 500 triệu USD năm 1992. Kim ngạch thương mại song phương 4 tháng đầu năm 2013 đạt 8,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 6,3 tỷ USD. Hai bên đã tiến hành 2 phiên đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) song phương tại Xơun (9-2012) và tại Hà Nội (5-2013). Hai bên nhất trí đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mức 20 tỷ USD vào năm 2015 và hướng tới mục tiêu 30 tỷ USD trong những năm tiếp theo, đồng thời cũng nỗ lực để từng bước tiến tới cân bằng cán cân thương mại song phương.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến tháng 4-2013, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ tư (sau Nhật Bản, Đài Loan và Xinhgapo) trong tổng số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 3.287 dự án của khoảng 2.500 công ty với trên 25 tỷ USD vốn đăng ký, sử dụng 500.000 lao động Việt Nam. Triển vọng đến năm 2015, vốn FDI của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam còn hiệu lực sẽ vượt 30 tỷ USD.
Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực không thuận lợi, bản thân kinh tế Hàn Quốc cũng gặp nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp Hàn Quốc đều bày tỏ nguyện vọng tiếp tục làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Một số tập đoàn lớn như Samsung, LG đang có kế hoạch tăng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Về viện trợ phát triển (ODA), Hàn Quốc đứng thứ hai trong số các nhà tài tài trợ song phương ODA cho Việt Nam (sau Nhật Bản) và Việt Nam là nước tiếp nhận viện trợ ODA lớn nhất của Hàn Quốc. Kể từ khi bắt đầu viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam từ năm 1993 với số vốn 100.000 USD, đến nay Hàn Quốc đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng khoảng 200 triệu USD. Năm 2011, Hàn Quốc tuyên bố coi Việt Nam là nước trọng tâm và hình mẫu cung cấp ODA và chọn Việt Nam là một trong 26 nước thuộc “Đối tác chiến lược hợp tác ODA” với 3 trọng tâm gồm tăng trưởng xanh, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng. Hai bên đã ký kết Hiệp định hợp tác về viện trợ phát triển, trong đó Hàn Quốc cam kết cấp cho Việt Nam 1,2 tỷ USD vốn EDCF trong giai đoạn 2012-2015, tăng 200 triệu USD so với giai đoạn 2008 - 2011.
Về hợp tác lao động, Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ hai của Việt Nam và Việt Nam cũng là nước xuất khẩu lao động lớn thứ hai sang Hàn Quốc. Hiện có khoảng 75.000 lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Hợp tác lao động với Hàn Quốc được đánh giá có hiệu quả trong việc bảo hộ lao động, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần vào thành công chung của chương trình xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam.
Cùng với sự gia tăng hợp tác về chính trị, kinh tế, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác như văn hóa - giáo dục, du lịch cũng phát triển nhanh chóng, qua đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng mối quan hệ lâu dài giữa hai nước. Hàn Quốc hiện đứng thứ hai về lượng khách du lịch đến Việt Nam với hơn 700.000 lượt khách năm 2012. Đến nay, đã có hơn 30 tỉnh thành của hai nước thiết lập quan hệ hợp tác, trong đó có các thành phố lớn như Hà Nội - Xơun, TP Hồ Chí Minh - Busan, Hải Phòng - Incheon, Đà Nẵng - Daegu... Chính phủ và các trường đại học, các tổ chức của Hàn Quốc đã tài trợ nhiều dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng giáo dục cho Việt Nam. Các quỹ học bổng như Korea Foundation, Samsung, Kumho… cung cấp nhiều suất học bổng để hỗ trợ các học sinh vượt khó tại Việt Nam, đào tạo nâng cấp trình độ về ngôn ngữ và chuyên môn tại Hàn Quốc. Hiện có hơn 5.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Hàn Quốc, chủ yếu là đại học và cao học.
Là hai nước cùng ở khu vực Đông Á, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và lịch sử. Sự hiện diện văn hóa Hàn Quốc ở Việt Nam ngày càng lan tỏa, từ điện ảnh, nghệ thuật tới ẩm thực, thời trang… trong khi sự hiện diện của văn hóa Việt Nam ở Hàn Quốc còn rất mờ nhạt. Năm 2006, Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội. Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 130.000 người Hàn Quốc làm việc và sinh sống tại Việt Nam và hơn 100.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Hàn Quốc. Cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai ở xứ sở kim chi, chỉ sau Trung Quốc, với gần 40.000 cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc tạo nên mô hình gia đình đa văn hóa Việt - Hàn. Một nét khá đặc biệt trong quan hệ Việt-Hàn là hai gia tộc họ Lý của Việt Nam (Lý Tinh Thiện và Lý Hoa Sơn) đang sinh sống tại Hàn Quốc. Đặc điểm này bắt nguồn từ truyền thống do hoàng tử Lý Dương Côn, con vua Lý Nhân Tông và hoàng tử Lý Long Tường, con vua Lý Anh Tôn của Việt Nam sang định cư trên bán đảo Triều Tiên và có nhiều đóng góp cho đất nước Cao Ly cách đây 8 thế kỷ.
Từ kinh nghiệm “phát triển thần kỳ” của mối quan hệ Việt-Hàn trong hơn 20 năm qua, chuyến thăm lần này của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhằm làm sâu sắc, hiệu quả hơn quan hệ hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước, cũng như đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa hai quốc hội.
(Theo Baotintuc.vn)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065