Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc
BPO - Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân ta trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Kế thừa truyền thống quý báu đó, trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc thì phải có lực lượng và có thành phần làm nòng cốt. Người chỉ rõ “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết”. Đó cũng là cơ sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thành lập và lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng Minh - tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Trải qua các thời kỳ cách mạng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, trở thành một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Trần Ngọc Trai, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó chủ tịch HĐND tỉnh trao tặng bức chân dung cho cán bộ, nhân dân Ấp Chợ, xã Tân Tiến (Đồng Phú) - Ảnh: Thái Hà
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 10-9-1955 như sau: "Lịch sử trong những năm qua đã tỏ rõ lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô địch. Mặt trận Việt Minh đã giúp cách mạng tháng Tám thành công. Mặt trận Thống nhất Việt Minh - Liên Việt đã giúp kháng chiến thắng lợi. Chúng ta có thể tin chắc rằng: với sự cố gắng của mỗi người và sự ủng hộ của toàn dân, Mặt trận Tổ quốc sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh".
Phát biểu tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác Mặt trận ngày 8-1-1962, Người chỉ rõ: “Chính sách Mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng. Cán bộ và Đảng viên ta cần nắm vững và chấp hành đúng Nghị quyết của Đại hội Đảng và Nghị quyết Bộ Chính trị về vấn đề Mặt trận Dân tộc thống nhất. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam”.
Quan điểm của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
Trong các thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là nhân tố có ý nghĩa quyết định, đảm bảo thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa việc nhận thức các vấn đề mang tính chiến lược này, từ năm 1986 đến nay, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết nhằm tăng cường, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới, tiêu biểu là các nghị quyết Đại hội lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI và XII của Đảng; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung và phát triển năm 2011); Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27-3-1990 Hội nghị lần thứ 8 BCH TW Đảng (khóa VI) “Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”; Nghị quyết 07-NQ/TW, ngày 17-11-1993 của Bộ Chính trị “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất”; Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Hội nghị lần thứ 7 BCH TW Đảng (khóa IX) “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"; Kết luận số 62-KL/TW ngày 8-12-2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị, xã hội”…
Sôi nổi các hoạt động chào mừng ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở huyện Đồng Phú - Ảnh: C.L
Đại hội lần thứ XII của Đảng đánh giá trong những năm qua: Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đã đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội; thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định phương hướng, nhiệm vụ: Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác nhau; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân.
Nguồn: Ban Tuyên giao Trung ương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065