“Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa” (Tổ quốc nhìn từ biển - Nguyễn Việt Chiến). Những câu thơ trên một lần nữa nhắc nhở mỗi người con nước Việt luôn nhớ rằng: Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo thiêng liêng không thể tách rời của đất nước Việt Nam.
Vị trí địa lý
Quần đảo Trường Sa là một trong hai quần đảo san hô của Việt Nam nằm ở giữa biển Đông. Trong nhiều thế kỷ trước đây quần đảo Trường Sa thường được gọi dưới tên chung là Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Đại Hoàng Sa, Đại Trường Sa, Vạn lý Trường Sa... Trên các bản đồ đầu tiên của các nhà hàng hải phương Tây, quần đảo Hoàng Sa cùng Trường Sa thường được vẽ thành một dải liền nhau hình lá cờ đuôi nheo nằm dọc bờ biển nước ta từ khoảng ngang Đà Nẵng tới cuối đồng bằng Nam bộ. Đầu thế kỷ XX, nhờ sự phát triển của ngành đo đạc bản đồ biển, hai quần đảo được tách riêng biệt và mang tên quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa.
Một hòn đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Tư liệu
Các đảo của quần đảo Trường Sa thấp hơn các đảo của quần đảo Hoàng Sa. Độ cao trung bình trên mặt nước từ 3 đến 5m. Lớn nhất là đảo Ba Bình rộng khoảng 0,6km2, sau đó là các đảo: Song Tử Tây, Trường Sa, Nam Yết, Song Tử Đông, Thị Tứ, Loại Ta, Sinh Tồn, Vĩnh Viễn, An Bang... Ngoài ra còn nhiều đảo nhỏ và bãi đá ngầm như Sinh Tồn Đông, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Ken Nan, Đá Lớn, Thuyền Chài. Các đảo ở đây cũng có vành đá san hô ngầm, rộng hàng trăm mét, che chở cho đảo khỏi bị sóng đánh tràn lên. Có những vành đai san hô bao quanh dài, rộng hàng chục kilômét như đảo Thuyền Chài, Đá Tây, Đá Lớn. Tổng diện tích phần nổi của tất cả các đảo, đá, cồn, bãi ở quần đảo Trường Sa khoảng 10km2, tương đương với quần đảo Hoàng Sa, nhưng quần đảo Trường Sa trải ra trên một vùng biển rộng gấp hơn 10 lần quần đảo Hoàng Sa.
Trên đảo Trường Sa và đảo Song Tử Tây có đài khí tượng ngày đêm theo dõi và thông báo các số liệu về thời tiết ở vùng biển này cho mạng lưới quan trắc khí tượng thế giới, đồng thời trên một số đảo còn có đèn biển của Tổng công ty Bảo đảm hàng hải Việt Nam như đảo Song Tử Tây, An Bang, Đá Tây.
Chất đất trên các đảo của quần đảo Trường Sa là cát san hô, có lẫn những lớp phân chim, mùn cây có bề dày từ 5 đến 10cm. Một số đảo trong quần đảo có nước ngầm như đảo Song Tử Tây, đảo Trường Sa, đảo Song Tử Đông. Trên các đảo có nhiều loại cây xanh như cây phong ba, phi lao, bàng vuông và một số loại dây leo cỏ dại. (*)
Tiềm năng của Trường Sa
Nguồn lợi hải sản ở quần đảo Trường Sa rất phong phú, có nhiều loại cá tập trung với mật độ cao, đặc biệt có loại vích (rùa biển) là động vật quý hiếm, cá ngừ đại dương có giá trị kinh tế cao. Trên thềm san hô quần đảo Trường Sa có nhiều loại hải sản quý như: Hải sâm, cá ngừ, tôm hùm, rong biển và các loại ốc có giá trị dinh dưỡng cao.
Với vị trí ở giữa biển Đông, quần đảo Trường Sa có thế mạnh về dịch vụ hàng hải, nghề cá đối với tàu thuyền đi lại và đánh bắt hải sản trong khu vực. Dự báo trong một vài thập kỷ tới, tốc độ phát triển kinh tế của các nước trong khu vực tăng lên, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua biển Đông sẽ tăng gấp hai, ba lần hiện nay, khi đó biển Đông nói chung, vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa nói riêng có vai trò lớn trong thương mại quốc tế. Đặc biệt ngay sau khi xây dựng xong kênh KRA (ở Thái Lan) sẽ thu hút thêm một lượng tàu biển quốc tế lớn đi qua đây, tạo cơ hội cho chúng ta chia sẻ thị phần vận tải quốc tế. Khi đó vùng biển Việt Nam và quần đảo Trường Sa sẽ trở thành chiếc cầu nối cực kỳ quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo, tuyến đảo của quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn quan trọng phía trước vùng biển và dải bờ biển Nam Trung bộ và Nam bộ, bảo vệ sườn phía Đông của đất nước, tạo thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của tàu thuyền nước ngoài. Vì thế từ lâu quần đảo Trường Sa luôn được các nhà quân sự, khoa học, chính trị đánh giá cao. Sau khi xâm lược nước ta, người Pháp đã tổ chức khảo sát, đo đạc, biên vẽ bản đồ vùng biển Đông trong đó có quần đảo Trường Sa. Trước khi tiến hành chiến tranh ở Thái Bình Dương, Nhật Bản đã chiếm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa làm bàn đạp đánh chiếm Đông Dương, Singapore, Indonesia. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Mỹ can thiệp, đưa quân vào miền Nam Việt Nam đã ủng hộ và tạo điều kiện cho chính quyền ngụy Sài Gòn đóng giữ đảo Trường Sa, ép Chính phủ Philippines cho Mỹ lập căn cứ hải quân và không quân trên lãnh thổ Philippines để khống chế lực lượng quân sự của các nước trong khu vực và đường hàng hải quốc tế qua biển Đông. (**) Quần đảo Trường Sa không chỉ là vị trí quân sự chiến lược án ngữ phía Đông Nam nước ta, bảo vệ vùng biển và hải đảo ven bờ, mà còn là một vùng có trữ lượng phốt phát khá lớn, có nhiều loại động thực vật và có thể có nhiều dầu. Việt Nam hiện đang có mặt và bảo vệ 21 đảo và bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa.
Đức Hồng
(*) Theo “Những điều cần biết về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.
(**) Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065