Lớp chồi ở Trường mầm non Hoa Sen, xã Tiến Hưng, có 45-50 cháu/lớp
Cô và trò đều khổ
Mặc dù đã chia tách để thành lập thêm 1 trường nhưng mấy năm học gần đây, Trường mầm non Hoa Cúc, phường Tân Phú vẫn luôn quá tải. Cô Nguyễn Thị Nguyền, Hiệu trưởng cho biết: Năm học này trường có 641 trẻ theo học, biên chế thành 14 lớp, nhóm. Bình quân 46 trẻ/lớp, nhóm, trong đó các lớp chồi, lớp lá sĩ số 50-55 trẻ/lớp. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), với số trẻ của trường hiện nay phải biên chế thành 21 lớp, nhóm. Như vậy, hiện nay trường quá tải 7 lớp, nhóm và 221 trẻ.
“Mặc dù vậy, trường cũng chỉ đáp ứng khoảng 70% số trẻ trong độ tuổi trên địa bàn. Còn lại phụ huynh phải gửi trường khác hoặc các lớp, nhóm tư thục” - cô Nguyền cho biết thêm.
Tuy địa bàn quản lý, tiếp nhận học sinh của Trường mầm non Họa Mi, phường Tân Phú chỉ có 3 khu phố của thị xã nhưng năm nào trường cũng trong tình trạng quá tải. Cô Nguyễn Thị Khánh Vân, Hiệu trưởng cho biết: Năm học này, trường đã tận dụng sửa lại 1 phòng học cũ để bố trí thêm lớp. Tuy nhiên, số lượng trẻ đăng ký gửi quá đông nên vẫn phải tăng sĩ số/lớp. Trường có 531 học sinh, chia làm 11 lớp, nhóm. Các lớp mầm, chồi từ 55-60 cháu/lớp. Quá tải là vậy nhưng trường cũng chỉ đáp ứng được 63% trẻ trong độ tuổi trên địa bàn ra lớp.
Cô Vân cũng thừa nhận, sĩ số lớp đông chắc chắn ảnh hưởng đến việc chăm sóc các cháu. Theo quy định, mỗi lớp chỉ được biên chế 2 giáo viên. Vì thế, cường độ lao động của giáo viên quá cao. Thậm chí việc cho trẻ ăn, vệ sinh cá nhân cho trẻ chiếm hết thời gian dạy của cô.
Cô Trần Thị Thúy, giáo viên lớp chồi 1, Trường mầm non Họa Mi chia sẻ: “Thường mỗi lớp 30 trẻ có 2 cô dạy. Giờ 1 lớp có 60 trẻ cũng chỉ 2 cô dạy nên cả 2 phải đi cả ngày, từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Lớp đông nên việc ăn, ngủ của các cháu rất khó khăn, đặc biệt không gian ngủ quá chật chội, nóng nực”.
Chuyện khó tin nhưng có thật
Hai lớp trong 1 phòng học đối với học sinh mẫu giáo là chuyện khó tin nhưng lại có thật ở Trường mầm non Hoa Phượng, xã Tiến Thành. Thành lập từ năm 2010 đến nay, trường vẫn chỉ có 8 phòng học và khu bếp ăn. Nhà trường đã ưu tiên tất cả phòng để bố trí lớp học, còn ban giám hiệu và các bộ phận ngăn tạm một phần diện tích bếp ăn để làm việc. 3 năm học qua, trường không nhận các bé ở độ tuổi nhà trẻ mà chỉ ưu tiên nhận trẻ trong độ tuổi lớp mầm, chồi và lá. Để đảm bảo việc chăm sóc trẻ tốt hơn theo quy định mới về giáo viên/lớp, nhà trường đã phải chia 425 học sinh thành 13 lớp, trong khi trường chỉ có 8 phòng học. Tức là có đến 2/3 số lớp của trường phải học 2 lớp/1 phòng học.
Xây dựng KCN phải gắn với quy hoạch trường học
“Do không đủ phòng nên vào đầu năm học là nhà trường có một số phụ huynh đưa con đến thắc mắc. Họ bức xúc vì nhà ngay cổng trường mà con không được nhập học. Không ít người còn đưa cả luật về quyền trẻ em để dọa nhà trường. Chúng tôi chỉ biết giải thích để phụ huynh thông cảm chứ không thể nhận thêm vì lớp nào cũng đã quá đông”. Cô Đồng Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng |
Ông Nguyễn Văn Khỏe, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Đồng Xoài cho biết: Hằng năm, thị xã đều thành lập mới và ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất trường học, đồng thời phát triển các trường, lớp tư thục theo hình thức xã hội hóa... Nhưng do số lượng học sinh tăng nhanh nên quá tải ở một số bậc học, nhất là mầm non.
Năm học 2015-2016, thị xã Đồng Xoài có 36 trường, 652 lớp và 23.100 học sinh, tăng 18 lớp và tăng gần 1.100 học sinh so với năm học trước. Trong đó, riêng bậc mầm non tăng hơn 500 học sinh. Ông Khỏe cho biết thêm: “Trước mắt, các trường mầm non phải tận dụng tối đa phòng học, phòng chức năng để bố trí phòng học cho trẻ, đồng thời tăng sĩ số/ lớp và vận động phụ huynh đưa con, em vào học tại các cơ sở mầm non ngoài công lập. Về lâu dài, phòng sẽ tham mưu UBND thị xã đầu tư kinh phí xây thêm phòng học, thành lập trường mới ở các cấp học; đồng thời đề xuất với tỉnh khi thành lập khu công nghiệp phải dành quỹ đất để xây dựng trường học, nhất là các trường mầm non”.
Là đô thị trung tâm tỉnh lỵ, mặt khác, các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã Đồng Xoài và Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú đang ngày càng thu hút số lượng lớn công nhân, người lao động đến làm việc và sinh sống nên việc tăng số lượng học sinh có thể còn gay gắt hơn trong những năm học tới. Đây thực sự là bài toán đang cần lời giải đối với thị xã Đồng Xoài và ngành chức năng của tỉnh nhằm giải quyết hài hòa giữa phát triển đô thị, phát triển công nghiệp với quy hoạch hệ thống trường lớp và phát triển sự nghiệp giáo dục.
Kim Phụng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065