Thôn Tân Hiệp 1, xã Bù Nho có 415 hộ, với 1.400 người. Trước đây, thôn đã có nhà văn hóa nhưng phần đất trong quy hoạch xây dựng và mở rộng Trường mẫu giáo Bù Nho theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Vì thế, từ năm 2016, thôn giao lại trụ sở nhà văn hóa cho huyện thực hiện dự án. Để có mảnh đất mới ở trung tâm thôn, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi, đồng thời xây dựng nhà văn hóa rộng rãi, khang trang và đạt chuẩn cần có lộ trình. Được sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, cuối năm 2019, Tân Hiệp 1 đã có nhà văn hóa khang trang, hiện đại.
Công trình “vườn rau thanh niên” của Ban chỉ huy Quân sự huyện Phú Riềng
Bí thư Chi bộ thôn Tân Hiệp 1 Mai Văn Tiến cho biết: Nhà văn hóa có diện tích gần 300m2 với hơn 100 chỗ ngồi và đầy đủ nhà vệ sinh, cổng, hàng rào, sân bê tông. Tổng kinh phí xây dựng hơn 1,4 tỷ đồng do huyện và xã đầu tư. Ngoài ra, thôn còn vận động tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên ủng hộ 40 triệu đồng mua sắm các trang thiết bị. Nhà văn hóa đưa vào sử dụng không chỉ tạo điều kiện cho Chi bộ, Ban điều hành và các đoàn thể thôn tổ chức các buổi hội họp, sinh hoạt mà còn là nơi để người dân gặp gỡ giao lưu, vui chơi, giải trí; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.
Long Tân dù chưa được chọn đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 nhưng hưởng ứng đợt thi đua cao điểm của Huyện ủy Phú Riềng, Đảng bộ, chính quyền xã đã vận động nhân dân thực hiện nhiều công trình, phần việc. Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Tân Nguyễn Hữu Chúc cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, xã đã vận động nhân dân cùng Nhà nước làm 13km đường với kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Ngoài ra, còn vận động làm đèn thắp sáng trên các trục đường, với kinh phí 120 triệu đồng.
Thôn 6, xã Long Tân - thôn đặc biệt khó khăn với 253 hộ, trong đó 84% là người dân tộc thiểu số. Từ đầu năm 2019 đến nay, thôn được đầu tư xây dựng 2km đường nhựa, kinh phí 2,4 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 90%, nhân dân đóng góp 10%; làm 3,4km đường bê tông xi măng từ 100% vốn nhà nước. Xã đang có chủ trương tiếp tục đầu tư xây dựng 4km đường nhựa trong năm 2020, kinh phí 5 tỷ đồng để đấu nối cầu Long Tân với xã Phú Riềng. Qua đó, cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, các đường trục thôn 6 được nhựa, bê tông hóa và cứng hóa 100%. Đặc biệt, năm 2017 thôn 6 chỉ có 20% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, nhưng đến nay đã nâng lên 90%.
Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 6 Vương Ngọc Bửu Sơn chia sẻ: Trước đây, đường từ trung tâm xã vào thôn là đường đất chật hẹp, lầy lội rất khó lưu thông, trao đổi hàng hóa. Khi được Nhà nước đầu tư làm 2km đường nhựa, thôn đã vận động 103 hộ dân ở mặt tiền đóng góp 70 ngàn đồng/hộ/m, đồng thời vận động nhân dân hiến 1,5m đất 2 bên và cây trồng để mở rộng đường, kéo điện. Mặt đường trước đây chỉ rộng 5,5m, nay được mở rộng 7m, tạo thuận lợi cho người dân và các phương tiện lưu thông.
Một trong những hộ dân tiên phong đi đầu trong hiến đất, cây trồng để làm đường, kéo điện ở thôn 6 là già làng Điểu Sơn. Khi có chủ trương làm đường, gia đình ông tự nguyện hiến 1.000m2 đất cùng 30 cây cao su. Theo đó, hàng chục hộ dân đồng loạt hưởng ứng làm với tổng số đất được hiến khoảng 3 ha cùng hàng trăm cây trồng. Ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, năm 2019, thôn 6 còn được Nhà nước hỗ trợ nhiều chương trình, nguồn vốn giúp các hộ dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo; trong đó, xây và sửa chữa 17 căn nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Từ các nguồn hỗ trợ và sự nỗ lực vươn lên của các hộ dân, đầu năm 2019 thôn có 89 hộ nghèo, cuối năm giảm còn 44 hộ.
Hưởng ứng đợt thi đua cao điểm, Đảng ủy Ban CHQS huyện Phú Riềng cũng đã có nhiều công trình, phần việc thiết thực, tạo sức lan tỏa trong toàn đơn vị. Thượng tá Đoàn Ngọc Bảy, Phó bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Ban CHQS huyện cho biết: Được UBND huyện hỗ trợ 1 tỷ đồng, đơn vị đã đầu tư xây dựng nhà màng diện tích 1.000m2 thực hiện công trình “Vườn rau thanh niên” trồng dưa lưới và rau củ, quả. Nhằm cải tạo đất tốt và tăng thu nhập, đơn vị không trồng chuyên 1 loại cây mà trồng xen kẽ 1 vụ dưa lưới, 1 vụ rau xanh. Dưa lưới trồng, chăm sóc 70 ngày thì cho thu hoạch với sản lượng 3 tấn/vụ. Sau khi trừ chi phí thu lãi từ 15-20 triệu đồng/vụ. Vườn rau được đơn vị trồng, đảm bảo sạch, an toàn. Ngoài đảm bảo 100% rau xanh cho bếp ăn, vườn rau đơn vị còn có nguồn dư đem cung cấp ra thị trường. Trích từ nguồn tăng gia sản xuất, đơn vị tăng thêm nguồn dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày cho cán bộ, chiến sĩ 6.000 đồng/ngày/người.
Từ năm 2017 đến nay, huyện Phú Riềng có 448 công trình, mô hình, phần việc làm theo lời Bác đạt hiệu quả và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Qua đó cho thấy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Phú Riềng lan tỏa sâu rộng đến từng cán bộ, đảng viên và quần chúng; là nội lực quan trọng để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065