Huyện Phú Riềng có 20 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, 12,6% số dân là người DTTS. Với truyền thống yêu nước và tinh thần cần cù lao động, sáng tạo, các tầng lớp nhân dân đã gắn bó, đoàn kết chung tay xây dựng Phú Riềng ngày càng giàu đẹp, đời sống văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Những phong tục tập quán riêng biệt của từng cộng đồng dân tộc luôn được huyện chú trọng bảo tồn và phát huy, tạo nên bức tranh phong phú về văn hóa của địa phương như: các làn điệu dân ca, điệu múa, cồng, chiêng, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống; các lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng dân gian, nghề truyền thống...
Tiết mục múa cồng, chiêng của đồng bào dân tộc S’tiêng biểu diễn trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Phú Bình, xã Phú Riềng
Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS huyện Phú Riềng được triển khai thực hiện hướng tới mục tiêu: Bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, truyền thống, tăng cường xây dựng đời sống văn hóa vùng DTTS. Bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Xây dựng hệ thống công trình văn hóa, trong đó ưu tiên hỗ trợ xây dựng tại các thôn, làng, bản. Nâng cao mức hưởng thụ và cung cấp sản phẩm văn hóa phù hợp. Đến nay, các nội dung được huyện triển khai sâu rộng, thực hiện hiệu quả. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, tổ chức truyền dạy được 4 lớp cồng, 4 lớp chiêng, 3 lớp múa dân gian, 1 lớp đàn đá, kết hợp cồng, chiêng, 1 lớp truyền dạy tiếng S’tiêng... thu hút đông đồng bào DTTS tham gia.
Địa phương đã mua sắm và bảo tồn 1 bộ cồng, 1 bộ chiêng, 1 bộ đàn đá; biên soạn ấn phẩm về bộ sưu tập văn hóa đặc sắc người S’tiêng Phú Riềng; tổ chức 2 chương trình liên hoan văn hóa đồng bào các DTTS cấp huyện và 3 chương trình trưng bày, kết hợp giao lưu văn hóa, ẩm thực các DTTS; hỗ trợ các đội văn nghệ dân gian, cồng, chiêng duy trì hoạt động thường xuyên.
Qua đó, các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao của đồng bào DTTS ngày càng phát triển sôi nổi; hủ tục, mê tín dị đoan trong cộng đồng các DTTS được hạn chế và xóa bỏ; nếp sống văn hóa tiến bộ được đồng bào tiếp thu thực hiện, tỷ lệ gia đình văn hóa là người DTTS ngày càng tăng. Từ đó đã giúp khơi dậy tâm huyết trong đội ngũ nghệ nhân, con em người DTTS tham gia truyền dạy và bảo tồn những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Phú Riềng đang tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trong đó, trọng tâm là vận động nhân dân phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, cải tạo tập quán lạc hậu; đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực trong nhân dân thực hiện các mục tiêu của chương trình như: Xây dựng nhà văn hóa và đội văn nghệ thôn, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cơ sở...; phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được địa phương coi trọng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, làm tăng sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện trong tiến trình hội nhập và phát triển. Ông Nghiêm Văn Nam, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Riềng |
Anh Điểu Kia (38 tuổi), Trưởng thôn Phu Mang 2, xã Long Hà là một trong những thành viên của Đội cồng chiêng Long Hà. Anh cho biết: Người S’tiêng có rất nhiều nét văn hóa độc đáo như dệt thổ cẩm, cơm lam, rượu cần..., đặc biệt là cồng, chiêng. Vào dịp lễ hội, trai tráng trong thôn sẽ đánh cồng chiêng, thiếu nữ múa quanh bếp lửa hồng, cả cộng đồng người S’tiêng trong thôn đoàn kết, gắn bó cùng cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nhưng bây giờ không còn nhiều người biết đánh cồng, chiêng nữa, vì vậy mình muốn học để sau này dạy cho con, cháu, từ đó góp phần duy trì bản sắc dân tộc.
Bên cạnh những nét văn hóa độc đáo của đồng bào S’tiêng thì trang phục, ẩm thực, phong tục cưới, hỏi, ma chay của người Chăm ở xã Phú Riềng cũng mang nét rất riêng. Áo chàm, vòng bạc, đàn tính, hát then của người Tày ở xã Long Bình góp phần tô đậm những nét văn hóa giao thoa, đặc sắc của huyện Phú Riềng, thường xuyên góp mặt trong những chương trình quan trọng của địa phương...
Bà Lương Thị Bằng ở xã Long Bình cho biết: Tôi quê gốc tỉnh Lạng Sơn, vào xã Long Bình lập nghiệp đã hơn 30 năm nay, nhưng văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn được chúng tôi bảo tồn, giữ gìn. Mỗi chị em người Tày ở đây đều có 1 bộ áo chàm, vòng bạc thể hiện tính cách thùy mị, nết na, khéo léo của người con gái, thường mặc vào dịp lễ, tết. Đặc biệt khi mặc trang phục truyền thống của dân tộc, biểu diễn đàn tính và hát then thì đó là sự kết hợp độc đáo, riêng biệt của người Tày. Chúng tôi sẽ cố gắng truyền dạy cho con cháu lưu giữ được hồn dân tộc dù ở bất cứ đâu.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065