Bạn làm quản lý ở một công ty tư vấn luật của nước ngoài, lương tháng ba ngàn năm trăm đô. Nơi gia đình bạn sinh sống là khu Phú Mỹ Hưng. Nơi bạn thường đưa gia đình đi du lịch là mấy nước châu Âu. Mấy năm gần đây, bạn thường cùng một nhóm đồng nghiệp tổ chức các đợt hoạt động từ thiện về vùng sâu, vừa để tư vấn luật vừa tặng quà, khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.
Xuân Bính Thân này là lần thứ ba bạn về Bình Phước. Cuộc đi lần này, ngoài việc tặng quà tết, nhóm còn lên kế hoạch khảo sát hoàn cảnh để tặng học bổng cho ba học sinh nghèo hiếu học. Nhóm đã lọc ra được ba đối tượng. Cả ba gia đình đều có vấn đề về hôn nhân; chồng hoặc vợ chết hoặc bị tàn tật nhưng con cái đều vượt khó học giỏi. Thế nhưng từ sự nhạy cảm nghề nghiệp mà đôi khi người ta gọi là “bệnh nghề”, bạn đã nêu ý kiến nhận xét về gia đình thứ ba, rằng hộ nghèo gì mà người mẹ còn bày đặt sơn móng chân móng tay và kẻ son môi làm đẹp. Bạn đề nghị chọn một gia đình khác. Nếu không đủ các tiêu chí nhóm nêu ra thì đề nghị tìm ở địa phương khác. Ý kiến của bạn được hơn một nửa thành viên trong nhóm tán đồng. Và thế là một em nhỏ trong một gia đình nghèo khó đã mất đi cơ hội tiếp tục học lên cao chỉ vì mẹ em… thích làm đẹp!
Từ bao giờ không biết, ở nước mình đã tồn tại một định kiến rằng những phụ nữ thích làm đẹp, trong đó có việc sơn móng tay móng chân chắc hẳn là những người nhàn nhã, lười biếng hoặc chí ít cũng là dạng người được chồng nuôi, do quá rảnh rỗi nên mới quan tâm đến chuyện làm đẹp. Bởi trong thực tế, những phụ nữ đã bước qua thời son trẻ, đã lập gia đình và có con là lập tức được liệt kê vào nhóm người chỉ còn được tôn vinh vì sự chăm chỉ, siêng năng, biết hy sinh để nuôi con và chăm sóc gia đình. Thậm chí nếu họ hy sinh cả tuổi trẻ và nhan sắc vì chồng, vì con thì càng được tôn vinh. Còn những ai đã lớn tuổi, có gia đình lại còn nghèo mà dám tơ tưởng đến chuyện làm đẹp thì được liệt vào dạng người chẳng ra gì!
Trong văn học, phim ảnh, hình tượng người phụ nữ Việt Nam dường như “đóng đinh” với sự vất vả, lam lũ với những đôi chân trần nứt nẻ, bàn tay thô ráp, tấm áo nâu bạc màu nhàu nhĩ nắng mưa. Chẳng có một bài văn, bài thơ hay tác phẩm điện ảnh nào ca ngợi một bà mẹ đã 50 tuổi mà vẫn giữ được gương mặt xinh tươi, đôi bàn tay thon đẹp, vóc dáng gọn gàng và ăn mặc hợp thời trang... Những tư tưởng mang tính khuôn mẫu, định kiến đã đẩy hình tượng người mẹ lên thành... huyền thoại của sự nghèo nàn, xấu xí và qua đó hạ thấp những phụ nữ biết yêu bản thân mình, biết chăm chút cho nhan sắc của mình xuống cùng tận. Ngay cả một trí thức, đấng mày râu một thời lãng tử và hào sảng trước những bóng hồng như bạn cũng sẵn lời nặng nhẹ với một phụ nữ nghèo mà còn đỏm dáng!
Tại sao những phụ nữ lam lũ, nhọc nhằn lại không được tôn trọng khi họ ý thức được vẻ đẹp của mình và biết chăm chút cho vẻ đẹp ấy? Hay chúng ta đã quá quen với hình ảnh nặng tính khuôn mẫu, phản ánh sự nhận thức cũ kỹ khi đánh giá về một phụ nữ nghèo Việt Nam. Đó là nghèo, lam lũ và chỉ biết hy sinh. Phải chăng phụ nữ nghèo thì không được quyền đẹp!?
Thảo Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065