Nhà văn Trần Trà My
BPO - Có lần book xe công nghệ đi làm, tôi rất ngạc nhiên khi người tài xế là một phụ nữ tầm 40 tuổi. Tôi lên xe và bắt chuyện với chị. Sau một hồi nói chuyện, tôi mới biết hôm nay là ngày đầu tiên chị đi làm, sau hơn 10 năm ở nhà. Tôi hỏi đùa: “Chị đi làm cho vui à”. Chị cười lắc đầu bảo: “Vui gì em. Năm nay thằng con chị lên lớp một”.
Tôi bất giác có ý nghĩ, chắc gia đình chị đang gặp khó khăn nên anh chồng giờ mới để vợ đi làm. Tôi an ủi: “Thì ai cũng phải lao động mà chị. Ngay cả em cũng phải một mình vào thành phố kiếm sống chứ có ở nhà để gia đình nuôi đâu”.
Chị ấy im lặng vài giây rồi từ tốn bảo: “Ừ, người như em mà vẫn không ăn bám cha mẹ, trong khi ông chồng chị thì…” Rồi chị tâm sự về cuộc đời mình. Một người chồng bình thường, khỏe mạnh về thể xác, một gia đình chồng giàu đến mức con trai 40 tuổi, lấy vợ, sinh con nhưng cha mẹ vẫn phải nuôi. Hằng ngày “công việc” của anh chồng là nướng tiền vào những cuộc vui đỏ đen.
Tuy sống trong an nhàn, nhung lụa, nhưng tôi đoán tâm trí chị chắc không thể bình yên. Và sự dằn xé nội tâm lên đến đỉnh điểm khi đứa con trai bắt đầu lên lớp một.
Người mẹ sau hơn 10 năm chung cảnh ăn bám bố mẹ như chồng đã biết thoát ra, tự đi kiếm một công việc mưu sinh. Chị muốn làm gương cho đứa con trai sau này không “tiếp nối” cách sống tầm gửi như cha nó...
Vài năm sau, vào một đêm mưa tầm tã, giao lưu xong tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, tôi cũng book xe công nghệ để về. Hôm đó, tôi khá mệt nên ngồi lên xe, thở một lúc mới bắt chuyện làm quen. Cũng là một nữ làm nghề “xe ôm”. Chị hơn tôi một tuổi và chọn giờ chạy xe vào ban đêm để sáng sớm kịp đưa đón hai con đi học.
Bất giác tôi buộc miệng bảo: “Chị chạy ban đêm vậy vừa nguy hiểm vừa hại sức khỏe”. Chị bảo: “Vì ban ngày phải bận đưa đón con đi học. Vào năm học mới, rất nhiều khoản phải chi”. Tôi lắng nghe về tâm sự của một bà mẹ đơn thân chăm hai con nhỏ và đau đầu nhất mỗi khi bước vào năm học mới...
“Ba bé không phụ một tay hả chị?” Tôi hỏi thẳng thừng. Nhưng sau cái lắc đầu: “Người ta vô tâm lắm em”. Tôi và chị cùng im lặng.
Công việc chạy xe công nghệ của chị bắt đầu vào 19 giờ tối và kết thúc vào 5 giờ sáng hôm sau… Một khung giờ làm tôi thương quá đỗi. Khi xuống xe, tôi và chị đã kịp kết bạn qua facebook. Và đêm khuya, thỉnh thoảng tôi vẫn chia sẻ bài viết với chị. Tôi biết, chị có thể đọc trong thời gian tranh thủ chờ khách...
Tôi cứ phân vân, liệu rằng phụ nữ có phải hơn nhau ở tấm chồng như nhiều người vẫn nói? Nhưng rồi ngẫm ra, điều đó còn tùy vào thái độ sống của mỗi phụ nữ.
Trần Trà My
Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.
Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.
Bài viết gửi về: [email protected]; ĐT: 0888.654.509.
Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.
Chi tiết xem tại đây
BBT
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065