GÕ CỬA NHÀ TỪNG EM
Ông Nguyễn Văn Minh, Đội trưởng đội 3, thôn Bù Gia Phúc II, thành viên Hội khuyến học xã Phú Nghĩa cho biết: Thôn chủ yếu là đồng bào Xêtiêng đời sống còn khó khăn. Ba mẹ các em không quan tâm đến việc học của con. Các em phải thường xuyên đi mót mủ cao su, hạt điều, củ mì phụ giúp gia đình. Chúng tôi phải đến gõ cửa nhà từng em để thuyết phục. Cũng chính vì cuộc sống khó khăn, phụ huynh không muốn con đi học nên việc vận động không đơn giản đối với thầy cô và chính quyền, đoàn thể ở đây. Trường hợp em Thị Hạnh, học lớp 5C trường Tiểu học Hoàng Diệu, mặc dù là học sinh tiên tiến nhưng vào năm học 2014-2015, do hoàn cảnh khó khăn nên em bỏ học. Chính quyền xã và thầy giáo đến gặp phụ huynh thuyết phục, nhưng đến lần nào cũng không thấy ai ở nhà. Sau mới biết là hễ thấy thầy giáo hay cán bộ khuyến học đến đầu ngõ là cả nhà đi trốn. Sau gần 10 lần mới vận động được em trở lại lớp.
Một lớp học tại điểm lẻ trường Tiểu học Hoàng Diệu, xã Phú Nghĩa
Thầy Lê Đình Thắng, giáo viên trường Tiểu học Hoàng Diệu cho biết: Mỗi lần đi vận động các em đến lớp như chơi trò trốn tìm. Thầy đi tìm trò vì trò hễ thấy thầy là chạy trốn vì sợ thầy bắt đi học. Biết tâm lý các em và phụ huynh nên mỗi lần đi vận động, đến gia đình nào là mọi người chia nhau đi tìm, người tìm trong nhà, người tìm ngoài vườn, rồi sang cả nhà hàng xóm. Như trường hợp em Thị Mai, học đến lớp 5 rồi bỏ học. Nhưng lần nào phụ huynh cũng bảo em theo chị gái đi làm rồi. Tìm cả buổi không thấy đến khi lại thấy em trốn dưới gầm giường.
Một lớp học tại điểm lẻ Đắk U, trường Tiểu học Hoàng Diệu, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập)
Bà Nguyễn Thị Thái, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội khuyến học xã Phú Nghĩa cho biết: Mỗi trường học, thôn ấp trong xã đều có chi hội khuyến học. Đây là đội ngũ nòng cốt giải quyết tình trạng học sinh bỏ học. Đầu năm học, các chi hội trưởng phối hợp trưởng thôn, ấp khảo sát số học sinh trong độ tuổi đến trường và báo cáo Hội khuyến học xã. Hội khuyến học giao cho mỗi chi hội nhiệm vụ nắm bắt tình hình, con số, hoàn cảnh gia đình từng em; chi hội tại các trường thì tạo điều kiện thuận lợi để các em có điều kiện học tập tốt nhất. Em nào không có sách thì cho sách, cho quần áo thì cho quần áo. Năm học 2013-2014, Hội Khuyến học xã Phú Nghĩa đã khen thưởng 426 em có thành tích học tập tốt với tổng trị giá 26,474 triệu đồng; tặng quà 282 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 27,7 triệu đồng.
HỌC TIẾNG CỦA EM ĐỂ DẠY EM
Trường Tiểu học Hoàng Diệu từng được xem là điểm nóng về tình trạng bỏ học. Nguyên nhân là do trường có 72-77% học sinh dân tộc thiểu số, nhận thức của các em hạn chế, vốn tiếng Việt ít... Trong khi đó, gia đình các em phần lớn còn khó khăn, phụ huynh không quan tâm dạy dỗ, chỉ bảo và động viên các em tới trường. Tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, phòng học, sân chơi chật chội, chưa có hàng rào khuôn viên trường... dẫn tới giảm thu hút các em đến trường.
Khi có học sinh bỏ học, Hội khuyến học xã thành lập đoàn đến tận hộ dân vận động phụ huynh. Em nào khó khăn về vật chất như quần áo, sách vở đều được hỗ trợ kịp thời. Những em nghỉ học vì bệnh tật thì thường xuyên đến thăm, hỗ trợ vật chất để khi khỏi bệnh các em quay lại lớp. Nhờ đó tình hình học sinh bỏ học, nghỉ học ở Phú Nghĩa giảm rõ rệt. Hiện toàn xã có 2.937 học sinh với 6 trường, từ mẫu giáo đến cấp 3. Năm học 2013-2014, cả xã chỉ có 17 em bỏ học. Bà Nguyễn Thị Thái, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch hội Khuyến học xã Phú Nghĩa |
Để duy trì sĩ số học sinh, các thầy cô giáo phải tự học thêm tiếng dân tộc để tăng kết nối với học sinh, thuận lợi hơn khi lên lớp. Việc biết tiếng mẹ đẻ của học sinh cũng là cách để các thầy cô giáo trường Tiểu học Hoàng Diệu giải thích cho các em và cả phụ huynh thấy được lợi ích của việc học. Thầy Nguyễn Đăng Hùng, chủ nhiệm lớp 5C điểm lẻ Đắk U, trường Tiểu học Hoàng Diệu, cho hay: Biết tiếng của các em giúp ích rất nhiều trong truyền đạt kiến thức và vận động các em đến lớp. Nhưng để học được tiếng Xêtiêng là một quá trình, bằng nhiều cách khác nhau như gặp già làng hỏi, ở trường thì học từ học trò của mình trong giờ ra chơi. Khi đã biết thì sử dụng cả tiếng phổ thông xen tiếng Xêtiêng để truyền đạt kiến thức. “Việc sử dụng tiếng Xêtiêng truyền đạt kiến thức cho học sinh hiệu quả rất lớn. Các em hiểu bài nhanh hơn vì có cảm giác thân thiện, gần gũi hơn. Nhưng không nên lạm dụng quá nhiều tiếng Xêtiêng, chỉ nên dùng cho các em học sinh lớp 1, 2 vì ở độ tuổi này các em biết tiếng phổ thông còn hạn chế” - thầy Hùng chia sẻ.
Cô Bùi Thị Phương Minh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Diệu cho biết: Ngoài việc học tiếng Xêtiêng để dạy, trường còn thực hiện nhiều biện pháp khác như ưu tiên miễn giảm đóng góp cho các em. Trường cũng kết hợp chính quyền xã áp dụng một số chế tài gắn việc đưa con em đến trường với việc xét vay vốn, xét hộ nghèo và một số chính sách, quyền lợi của phụ huynh và học sinh. Từ những việc làm đó đã từng bước khắc phục tình trạng học sinh bỏ học.
Thiên Cầm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065