MỨC THU KHÔNG THỐNG NHẤT, SỬ DỤNG QUỸ
XÃ HỘI HÓA SAI QUY ĐỊNH
Qua kiểm tra tại các trường học trên địa bàn huyện, đoàn giám sát của Thường trực HĐND huyện nhận thấy mức thu xã hội hóa của các trường không thống nhất. Trong khi Trường THCS Nguyễn Trường Tộ thu 370 ngàn đồng/em/năm thì THCS Minh Hưng thu 340 ngàn đồng. Đối với việc dạy thêm, học thêm (2 buổi/ngày), bậc THCS cũng có các mức thu khác nhau. Trong khi Trường THCS Minh Hưng (xã Minh Hưng) thu 1,6 triệu đồng/em/năm (khối 6) thì Trường THCS Phan Bội Châu thu từ 1,5 triệu đến hơn 2 triệu đồng/em/năm. Việc sử dụng quỹ hội cha mẹ học sinh chưa phù hợp, bởi có trường dùng quỹ này chi trực tiếp cho giáo viên.
Giờ học tại Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng - Ảnh: Quang Minh
Về thực hiện chủ trương xã hội hóa cơ sở vật chất trường học, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đã tham mưu UBND huyện và phối hợp các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn hỗ trợ thủ tục đối với các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực giáo dục, góp phần phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập trên địa bàn huyện. Hiện xã Đắk Nhau đã có Trường mẫu giáo tư thục Hoa Trạng Nguyên, xã Minh Hưng có Trường mẫu giáo tư thục Hoa Ngọc Lan, góp phần giảm áp lực ở các trường công lập. Hằng năm, các trường đều vận động nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp xây dựng các công trình xã hội hóa, góp phần bảo đảm cơ sở vật chất trường học và giảm áp lực chi cho ngân sách. Tuy nhiên, hầu hết trường học vẫn thu theo kiểu “bổ đầu” học sinh, không đúng tinh thần xã hội hóa.
Bên cạnh một số trường vận động hội cha mẹ học sinh đóng góp và thực hiện một số công trình xã hội hóa hiệu quả như THPT Thống Nhất, THPT Lê Quý Đôn, THPT Lương Thế Vinh... thì đa số các trường vận động cha mẹ học sinh đóng góp kinh phí để sửa chữa nhỏ, dẫn đến tình trạng manh mún trong xã hội hóa như: sửa chữa 1-2 phòng học, may rèm cửa, mua 1-2 máy vi tính... Tình trạng này dễ dẫn tới sự trùng lắp nguồn kinh phí sửa chữa và không phát huy tác dụng các công trình xã hội hóa. Ở một số trường, ngoài khoản vận động đóng góp do nhà trường thực hiện thì một số lớp, học sinh còn phải đóng góp để mua máy chiếu, trang trí lớp (THPT Lương Thế Vinh), khiến phụ huynh phải đóng nhiều loại quỹ, dễ phát sinh tình trạng lạm thu và khó quản lý quỹ; việc lập dự toán công trình xã hội hóa chưa có sự bàn bạc thống nhất với chính quyền cơ sở.
TIỀN HỌC THÊM GẤP... 10 LẦN HỌC PHÍ
THEO QUY ĐỊNH
Năm học 2015-2016, các trường thu - chi tiền dạy thêm, học thêm theo quy định tại Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Nhìn chung, việc tổ chức dạy phụ đạo đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và quản lý tốt học sinh. Qua kiểm tra tại các trường THPT, tỷ lệ học sinh tham gia học thêm từ 90-100%. Hầu hết trường học đều tổ chức dạy thêm dưới dạng “lớp 2 buổi/ngày”. Trên cơ sở nguồn thu, các trường chi từ 75-80% cho giáo viên trực tiếp giảng dạy; chi 5% cho công tác thẩm định, cấp phép, kiểm tra của Sở GD-ĐT; chi từ 10-15% cho công tác quản lý của trường; còn lại là sửa chữa cơ sở vật chất.
Học sinh trong giờ thực hành Tin học tại Trường THPT Thống Nhất, huyện Bù Đăng- Ảnh: Minh Luận
Điều đáng nói là nhiều trường không chú trọng dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém (không thu tiền) mà chủ yếu tập trung tổ chức dạy thêm (có thu tiền). Việc bố trí lớp dạy thêm cũng chưa đúng quy định, như chưa phân loại học sinh để bố trí theo lớp mà chủ yếu là dạy thêm theo lớp chính khóa. Điều này trái với Quyết định số 08 của UBND tỉnh về dạy thêm, học thêm. Riêng Trường THPT Thống Nhất, năm học 2014-2015 thu tiền dạy thêm, học thêm cao hơn mức cho phép theo Quyết định số 08 của UBND tỉnh.
NHIỀU KHOẢN THU NGOÀI QUY ĐỊNH
Ngoài các khoản thu, vận động xã hội hóa đã nêu (chưa bao gồm học phí), ở các trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện còn thực hiện một số khoản thu khác như: quỹ phục vụ học tập, vệ sinh; một số khoản thu có tính chất trao đổi, phục vụ như mua sổ liên lạc điện tử 70 ngàn đồng/em/năm học; tiền làm thẻ thư viện, bảng tên học sinh với mức thu từ 5.000-20 ngàn đồng/em/năm học; tiền trông giữ xe từ 1.000-2.000 đồng/em/lượt; Quỹ đoàn thanh niên, hội chữ thập đỏ, quỹ y tế học đường (THPT Đăng Hà); tiền mua sách thư viện 100 ngàn đồng/em/năm (THPT Thống Nhất)...
Theo quy định tại Chỉ thị số 12/2015/CT-UBND ngày 17-8-2015 của UBND tỉnh, các trường được phép thu “Quỹ phục vụ học tập, vệ sinh” với mức thu vừa đủ chi, trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà trường với hội cha mẹ học sinh. Nguồn thu này do nhà trường quản lý để chi khen thưởng học sinh, các khoản chi phục vụ thư viện, học tập, thuê lao công... Tuy nhiên, hầu hết các trường vẫn thu nhiều khoản ngoài quy định. Không những thế, ở một số trường còn cho phép các lớp lập quỹ riêng, nằm ngoài sự quản lý của trường.
PHẢI TRẢ LẠI CÁC KHOẢN THU
KHÔNG ĐÚNG QUY ĐỊNH
Ngay sau đợt giám sát, Thường trực HĐND huyện Bù Đăng đã có văn bản yêu cầu Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, các trường và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện chấn chỉnh lại tình trạng dạy thêm - học thêm, tình trạng lạm thu và sử dụng các khoản thu không đúng mục đích.
Đối với việc dạy thêm, học thêm, các trường THCS, THPT phải rà soát lại các quy định; phải phân loại học sinh để biên chế lớp học theo tinh thần Quyết định số 08 của UBND tỉnh. Phải rà soát nhu cầu thực sự của học sinh chứ không “phổ cập” việc học thêm trong trường học. Cụ thể là chỉ tổ chức dạy thêm cho những học sinh có đơn tự nguyện đăng ký. Những học sinh yếu kém phải được dạy phụ đạo đúng quy định, không biến tướng việc dạy thêm, học thêm thành lớp 2 buổi/ngày khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Riêng Trường THPT Lương Thế Vinh phải ngừng ngay việc tổ chức dạy thêm (vì chưa được cấp phép) và khẩn trương hoàn tất các thủ tục để xin Sở GD-ĐT cấp phép nếu thực sự có nhu cầu.
Trong khi UBND tỉnh và Sở GD-ĐT chưa có văn bản quy định việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày bậc THPT thì hầu hết trường học trên địa bàn huyện đều tổ chức và hầu hết học sinh đều tham gia. Nhiều trường 100% học sinh tham gia. Số tiền đóng cho việc học thêm bình quân khoảng 4 triệu đồng/em/năm, có nơi gần 5 triệu đồng/em/năm, gấp từ 9 đến 10 lần mức thu học phí theo quy định của nhà nước, tạo gánh nặng cho nhiều gia đình học sinh và tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Ông LÊ A, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND huyện Bù Đăng |
Đối với các khoản thu ngoài quy định, Thường trực HĐND huyện yêu cầu Trường THPT Thống Nhất trả lại tiền thư viện 100 ngàn đồng/em/năm học; Trường THPT Lương Thế Vinh trả lại tiền quỹ hoạt động của ban đại diện Hội cha mẹ học sinh 25 ngàn đồng/em/năm học và quỹ lớp 50 ngàn đồng/em/năm học; Trường THPT Đăng Hà hoàn trả số tiền thư viện, thiết bị 50 ngàn đồng/em/năm học. Tất cả trường học trên địa bàn huyện phải chấm dứt tình trạng “bổ đầu học sinh” đối với quỹ hội cha mẹ học sinh và nguồn thu xã hội hóa. Đầu năm học, các trường phải lập phương án thu - chi, lên danh mục các công trình vận động xã hội hóa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức thu.
Được biết, Thường trực HĐND huyện Bù Đăng đã giao Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện giám sát việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu và dạy thêm, học thêm tại các trường THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện. Việc giám sát sẽ được thực hiện vào đầu tháng 4-2016.
Đây là một trong những nội dung giám sát rất thiết thực và xuất phát từ cuộc sống của Thường trực HĐND huyện Bù Đăng, được cử tri và nhân dân trong huyện rất đồng tình.
Thủy Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065