LTS: Chỉ còn đúng 16 ngày nữa là đến ngày cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Cử tri tỉnh Bình Phước sẽ bầu 96 ứng cử viên (ƯCV) để chọn 63 đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016. Trong 96 ƯCV đại biểu có 35 nữ. Phóng viên Báo Bình Phước đã phỏng vấn các ƯCV đại biểu HĐND tỉnh. Sau đây là ý kiến của 4 ƯCV nữ.
ƯCV Tôn Ngọc Hạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn:
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH, NHÀ TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI TRONG ĐỊNH HƯỚNG LỰA CHỌN NGHỀ NGHIỆP (*)
PV: Khi tham gia ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, vấn đề gì chị quan tâm nhất khi xây dựng chương trình hành động của mình?
Chị Tôn Ngọc Hạnh: Toàn tỉnh hiện có hơn 240 ngàn thanh niên trong độ tuổi lao động, chiếm 35% tổng số dân toàn tỉnh, chiếm 56,6% lực lượng lao động. Hằng năm, tỉnh đã phối hợp tổ chức tư vấn về nghề nghiệp, việc làm cho gần 13 ngàn lao động và tư vấn hướng dẫn xin việc làm cho hơn 22 ngàn lượt đoàn viên thanh niên. Đối với huyện Bù Đốp, địa bàn tôi ứng cử, tổng số thanh niên trong độ tuổi lao động là hơn 10 ngàn. Hằng năm, huyện tổ chức đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hơn 1.500 thanh niên (quý I-2011 giải quyết cho 380 lao động). Do đó, tôi nhận thấy, việc hỗ trợ thanh niên học nghề và giới thiệu việc làm là vấn đề cần được quan tâm.
PV: Chị đã có những định hướng gì cho vấn đề này?
Địa bàn tôi tham gia ứng cử là huyện biên giới còn nhiều khó khăn vì lực lượng lao động chủ yếu nằm ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng ngại nhất là phần lớn lực lượng này có trình độ văn hóa thấp nên mang tâm lý ngại tìm hiểu thông tin về học nghề và việc làm qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc đến các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm. Do đó, cần phát huy tốt vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho lực lượng này. Khi họ được đào tạo, ở một trình độ nhất định, chắc chắn cơ hội tìm được việc làm phù hợp sẽ nhiều hơn so với đối tượng lao động chưa qua đào tạo.
Với vai trò của mình, tôi sẽ tích cực triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên, đồng thời phối hợp hiệu quả với các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Đối với những địa bàn đặc thù, đoàn cơ sở có thể thành lập các đội thanh niên xung kích gặp gỡ và tuyên truyền trực tiếp cho thanh niên; gặp và trao đổi với các vị già làng, trưởng ấp, sóc, chức sắc, chức việc để thông qua họ giúp thanh niên có cái nhìn đúng đắn hơn về công tác này... Đặc biệt, phải phát huy hiệu quả các chương trình hỗ trợ thanh niên học nghề và giải quyết việc làm, tận dụng các bộ phận chuyên trách của Tỉnh Đoàn để phục vụ nhu cầu học nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên.
ƯCV Trịnh Thị Tâm, Phó tổng biên tập Báo Bình Phước:
BÁO CHÍ PHẢI GÓP PHẦN ỔN ĐỊNH XÃ HỘI (*)
PV: Là một nhà báo, việc ứng cử đại biểu HĐND tỉnh có ý nghĩa thế nào đối với bà?
Bà Trịnh Thị Tâm: Hoạt động báo chí và hoạt động của người đại biểu nhân dân có nhiều điểm tương đồng. Đại biểu dân cử là những người do cử tri tín nhiệm bầu ra, có đủ trình độ, phẩm chất và sự nhiệt tâm để nắm bắt những vấn đề về kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề nhạy cảm, tác động trực tiếp đến đời sống của số đông cử tri. Qua đó chuyển đến thường trực HĐND tỉnh và các cơ quan chức năng để giải quyết.
Với chức năng của mình, nhà báo thường phải có mặt sớm nhất ở những nơi diễn ra những sự kiện lớn trong đời sống xã hội để định hướng dư luận và tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp biện pháp giải quyết. Một trong những chức năng của báo chí là phản biện xã hội. Không chỉ tuyên truyền về những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, báo chí còn phải phân tích, phản hồi xem chủ trương, chính sách đó có phù hợp với thực tiễn hay không để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp điều chỉnh cho phù hợp.
PV: Bà nghĩ gì về vai trò của báo chí trong đấu tranh chống tiêu cực?
Bà Trịnh Thị Tâm: Báo chí là kênh thông tin rất quan trọng. Nếu không có sự tham gia của báo chí thì kết quả cuộc đấu tranh chống tiêu cực không thể đạt mức độ như thời gian qua. Dù trong hệ thống quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều có các cơ quan giám sát thực thi pháp luật, song đa số các vụ vi phạm pháp luật từ trước đến nay đều do báo chí phát hiện. Tuy nhiên, đấu tranh chống tiêu cực là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự sáng suốt và ý thức xây dựng cao của nhà báo. Thực tế, đã có một số nhà báo do non kém về nghiệp vụ, nôn nóng muốn có thông tin sớm hoặc thẩm định thông tin không tốt dẫn đến đưa tin một chiều hoặc không chuẩn xác. Bên cạnh đó, cũng có những nhà báo nhân danh chống tiêu cực để phụ họa cho một tiêu cực khác, làm rối ren thêm tình hình. Tôi nghĩ, cho dù là đấu tranh chống tiêu cực hay ca ngợi những điển hình tiên tiến, báo chí đều phải hướng đến mục đích chung là góp phần làm ổn định xã hội.
PV: Là người làm báo chuyên nghiệp, nếu trúng cử đại biểu HĐND tỉnh, bà có những dự định gì?
Bà Trịnh Thị Tâm: Tôi sẽ thường xuyên liên hệ với cử tri không chỉ với tư cách đại biểu nhân dân mà còn với tư cách một nhà báo. Với lợi thế nghề nghiệp, tôi có thể chủ động liên hệ với lãnh đạo các ngành, địa phương để sớm có câu trả lời về những vấn đề cử tri quan tâm chứ không đợi đến các kỳ họp của HĐND tỉnh.
ƯCV Nguyễn Thị Hồng Yên, giáo viên trường THPT chuyên Quang Trung:
MỤC TIÊU CỦA GIÁO DỤC LÀ PHẢI ĐÀO TẠO RA NHỮNG LỚP NGƯỜI VỪA TÀI VỪA ĐỨC (*)
PV: Là giáo viên trẻ, được đào tạo căn bản và công tác trong môi trường khá thuận lợi, nếu trúng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, bà sẽ đóng góp được gì cho giáo dục tỉnh nhà?
Trả lời: Nếu được cử tri tín nhiệm bầu tôi làm đại biểu HĐND tỉnh, tôi sẽ có thuận lợi rất lớn để thực hiện các mục tiêu trong chương trình hành động của mình. Do đang công tác trong ngành giáo dục nên tôi rất quan tâm đến những vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo tại tỉnh nhà như: nâng cao tỷ lệ xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, tỷ lệ tốt nghiệp THPT và tỷ lệ trúng tuyển vào các trường trung học, cao đẳng, đại học. Bên cạnh đó, do Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới nên cần có chính sách đầu tư hiệu quả để hoàn thiện cơ sở vật chất tại các trường học nhằm tăng số lượng trường đạt chuẩn quốc gia. Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu nên ngoài việc nâng cao chất lượng giáo dục cũng cần có các chính sách ưu đãi hợp lý đối với cán bộ, giáo viên trong ngành cũng như những chính sách miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
PV: Một trong những vấn đề của giáo dục hiện nay là nhiều trường học chỉ quan tâm đến giáo dục kiến thức mà xem nhẹ giáo dục đạo đức. Bà nghĩ gì về vấn đề này?
Trả lời: Bác Hồ đã dạy “Đức, tài đều quan trọng. Đức là gốc”. Như vậy, mục tiêu cuối cùng của nền giáo dục nước ta là phải đào tạo, bồi dưỡng học sinh một cách toàn diện, vừa có tài vừa có đức. Để làm được điều này cần có sự kết hợp từ gia đình, nhà trường và xã hội. Hiện nay, tôi đang là giáo viên tại trường chuyên Quang Trung, tôi xin chân thành chia sẻ một số biện pháp mà trường chuyên đã và đang thực hiện để giáo dục học sinh một cách toàn diện như: lồng ghép hiệu quả giữa kiến thức và giáo dục đạo đức cho học sinh trong mỗi tiết học, đưa những quy tắc giao tiếp, ứng xử hợp lý trong từng tiết sinh hoạt chủ nhiệm hàng tuần và chuyên đề hàng tháng. Bên cạnh đó, trường còn mở các chương trình ngoại khóa như: Gala tiếng Anh, Vui cùng Địa lý, Giáo dục tình yêu - giới tính, Giờ trái đất... Ngoài ra, đại diện chi hội cha mẹ học sinh các lớp thường xuyên đến dự tiết sinh hoạt chủ nhiệm cuối tháng và kết hợp với giáo viên chủ nhiệm, ban quản lý ký túc xá đến thăm hỏi, nắm tình hình học tập, sinh hoạt của học sinh.
ƯCV Trần Tuyết Minh, Tỉnh ủy viên, Phó ban Thường trực Ban Tuyên giáo tỉnh ủy:
MONG ĐƯỢC DẤN THÂN VÀ CỐNG HIẾN NHIỀU HƠN (*)
PV: Bà có cảm nghĩ gì khi ứng cử đại biểu HĐND tỉnh lần này?
Bà Trần Tuyết Minh: Tôi rất vinh dự vì được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. Đồng thời tôi cũng ý thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình với tư cách là ứng cử viên thuộc khối Đảng và là phụ nữ.
PV: Trúng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa này, bà dành sự quan tâm đến những vấn đề gì?
Bà Trần Tuyết Minh: Thứ nhất, tôi sẽ thường xuyên liên hệ với cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với các cơ quan Nhà nước. Tôi sẽ cùng với HĐND tỉnh xây dựng nghị quyết về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội.
Thứ hai, tôi sẽ kiến nghị với các cơ quan Nhà nước về các vấn đề thuộc lợi ích chung như các giải pháp để phát triển nông nghiệp, nông thôn; quan tâm đến lợi ích thiết thực của mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến đời sống của nông dân Bình Phước là bộ phận dân cư chiếm 80% số dân trong tỉnh; những giải pháp đồng bộ để thực hiện có hiệu quả 3 chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã đề ra, nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân.
Thứ ba, tôi sẽ kiến nghị các cơ quan Nhà nước có giải pháp nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, chăm lo sự nghiệp giáo dục - đào tạo, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, quan tâm đến các gia đình chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, tôi sẽ cùng cơ quan Ban Tuyên giáo tỉnh ủy thực hiện tốt chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo tỉnh ủy với UBND tỉnh về triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân. Mặt khác, tôi sẽ kiến nghị HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng và việc tuân theo pháp luật của các cơ quan Nhà nước. Từ đó, góp phần hiện thực hóa chính sách pháp luật vào đời sống xã hội.
Tóm lại, những vấn đề mà tôi quan tâm đều vì mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tỉnh Bình Phước.Tôi sẽ cố gắng để hoàn thành tốt những cam kết của mình đối với cử tri.
PV: Thông điệp mà bà muốn gửi đến cử tri là gì?
Bà Trần Tuyết Minh: Luôn gần gũi và lắng nghe cử tri, được dấn thân và cống hiến nhiều hơn, là người đại biểu tận tâm và trách nhiệm - đó là những gì mà tôi mong muốn.
P.V - Lâm Phương (thực hiện)
(*) Các tít phụ do Tòa soạn đặt
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065