Theo đánh giá, nước ta thường có 12 loại hình thiên tai và gây ra thiệt hại hơn 1,5% GDP/năm. Trong đó, có 6 loại hình xuất hiện với tần suất cao như ngập lụt; bão, áp thấp nhiệt đới; hạn hán; lũ quét; xói lở/bồi lấp và lốc xoáy. Còn mưa đá và mưa lớn cục bộ, sạt lở đất, cháy rừng, xâm nhập mặn là 4 loại hình thiên tai xuất hiện với tần suất trung bình. Các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như động đất, sương muối... xuất hiện với tần suất thấp. Trong năm 2018, cả nước thiệt hại về kinh tế trên 20 ngàn tỷ đồng, làm 224 người chết và mất tích... do thiên tai gây ra. Trong 6 tháng đầu năm 2019, thiên tai đã làm chết 23 người, gây thiệt hại hàng ngàn ngôi nhà, hàng chục ngàn héc ta hoa màu, cây trồng các loại...
Thời gian qua, các hiện tượng cực đoan của thời tiết diễn ra tại Bình Phước với diễn biến phức tạp, khó lường và gây ra nhiều thiệt hại lớn cho nhân dân. Đặc biệt, nắng nóng cục bộ, mưa lớn, lốc xoáy và lũ lụt... là những loại hình thiên tai liên tục xảy ra ở tỉnh ta trong nhiều năm qua. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, mưa lớn và lốc xoáy đã làm 58 căn nhà bị tốc mái, 205 ha cây trồng các loại bị gãy đổ, tổng thiệt hại 2.285 triệu đồng. Đặc biệt, cứ vào thời điểm này, trên địa bàn các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập... bị ngập lụt cục bộ do mưa lớn. Còn ở Bù Đốp, Lộc Ninh... thì lốc xoáy thường xuyên “thổi bay” nhiều nhà cửa, cây cối gây nhiều thiệt hại cho người dân trên địa bàn. Đầu tháng 8-2019, tại xã Lộc An (Lộc Ninh) đã có 11 căn nhà bị sập, tốc mái, khoảng 30 ha tiêu và cao su của người dân bị gãy đổ do lốc xoáy và mưa lớn gây ra. Còn tại huyện Bù Đốp bị thiệt hại khoảng hơn 700 triệu đồng chỉ sau một trận lốc xoáy vào ngày 4-8 vừa qua...
Có thể nói, thời gian gần đây các loại hình thiên tai đã có những diễn biến dị thường, không tuân theo quy luật nhất định như trước mà luôn tiềm ẩn nhiều tình huống khó lường, đe dọa trực tiếp đến đời sống, sản xuất và tính mạng của người dân. Vì vậy, ngoài việc chống chọi, đối phó và khắc phục hậu quả, công tác phòng ngừa luôn phải được ưu tiên hàng đầu. Trong thực tế, địa phương nào làm tốt công tác chủ động phòng ngừa thì nơi đó, những hậu quả được giảm thiểu. Ví như ở Đăng Hà (Bù Đăng), một điển hình về chủ động phòng ngừa thiên tai. Hơn chục năm trước, cứ đến mùa mưa là Đăng Hà trở thành ốc đảo, biệt lập với bên ngoài vì nước lũ chia cắt và cuốn trôi nhà cửa, hoa màu, tài sản, đe dọa tính mạng người dân. Để hạn chế tối đa thiệt hại, các cấp chính quyền đã trang bị áo phao, xuồng máy ứng phó kịp thời khi mưa lũ xảy ra. Người dân chủ động điều tiết nhịp độ sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia cố nhà cửa, chuyển nơi ở lên vị trí cao ráo, chuẩn bị bè mảng, lương thực... nên vài năm gần đây lũ lụt đã không còn đe dọa đến đời sống người dân Đăng Hà.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065