Theo Công an tỉnh, từ tháng 3 đến đầu tháng 8-2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 473 vụ trộm xe môtô, đột nhập vào nhà dân, giả làm nhân viên tiếp thị, sửa chữa các thiết bị gia dụng, hỏi đường để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Không chỉ vậy, các đối tượng còn thuê xe ôtô loại 7 chỗ để thực hiện hành vi trộm cắp. Phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng trộm cắp tài sản thường hoạt động theo ổ nhóm, có sự phân công vai trò rõ ràng, chuẩn bị kỹ công cụ, phương tiện. Nhiều vụ, các đối tượng thực hiện rất chuyên nghiệp, không hoạt động ở một địa bàn cụ thể, luôn chủ động xóa dấu vết tại hiện trường để đối phó với lực lượng chức năng. Khi bị phát hiện, các đối tượng sẵn sàng dùng súng điện, xịt hơi cay... để chống lại lực lượng chức năng và người dân nhằm thoát thân. Thậm chí, chúng còn “phân vai” để đối phó với cơ quan điều tra nếu bị phát hiện và bắt giữ.
Thời gian qua, lực lượng công an trong tỉnh đã ra quân thực hiện các chuyên án đấu tranh, triệt phá tội phạm. Đồng thời, phối hợp thực hiện nhiều mô hình phòng, chống tội phạm mới, đạt hiệu quả cao như: camera an ninh, tổ an ninh nhân dân, tổ xung kích bảo vệ an ninh trật tự, thùng thư tố giác tội phạm, chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự... Tuy nhiên, việc tuần tra, theo dõi, trấn áp, bắt giữ các đối tượng phạm tội của lực lượng công an chỉ là giải pháp trước mắt, mang tính kéo giảm, “cắt ngọn” chứ chưa phải là toàn diện, triệt để. Đặc biệt, với trộm cắp là “con nghiện”, gia đình, người thân còn không biết đối tượng đi đâu, làm gì, rồi phó mặc cho xã hội, chính quyền địa phương và ngành công an. Bên cạnh đó là những bất cập trong quản lý sau cai nghiện cũng kéo theo tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Như vậy, nếu chỉ trông chờ vào lực lượng công an thì kết quả đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, trong đó có trộm cắp tài sản sẽ khó đạt như mong muốn.
Qua theo dõi trên chuyên mục an ninh trật tự của Báo Bình Phước trong những năm qua cho thấy, nhiều đối tượng từng có tiền án, tiền sự về tội trộm cắp, cướp, hoặc cướp giật tài sản khi ra tù lại “ngựa quen đường cũ”. Đặc biệt, hầu hết đối tượng phạm tội trộm cắp ở độ tuổi thanh thiếu niên có gia đình không hạnh phúc; thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình, người thân. Một phần dẫn đến tình trạng này có nguyên nhân mức xử phạt hình sự đối với tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản còn thấp, chưa đủ sức răn đe, khắc chế những “con ngựa bất kham”.
Tội phạm, trong đó có tội phạm trộm cắp tài sản là hiện tượng xã hội và có nguyên nhân xã hội. Do đó, cần phải giải bài toán này bằng những giải pháp xã hội, với sự vào cuộc thật sự có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, trong đó yếu tố gia đình rất quan trọng. Vì không ai có thể quản lý, giáo dục con em sâu sát bằng chính ông bà, cha mẹ, người thân trong gia đình. Gia đình không lành mạnh sẽ là cái nôi cho tội phạm có cơ hội phát triển. Nếu gia đình có ý thức sống tốt, quan tâm, chăm lo tới người khác và giáo dục thành viên tốt thì chắc chắn nguy cơ phạm tội sẽ giảm đến mức thấp nhất. Đó là bài học không bao giờ cũ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm.
Hoàng Ngọc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065