Ngày 6-12-2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí” giai đoạn 2012-2016 (Nghị quyết số 82/NQ-CP). Đây là cơ sở, định hướng quan trọng để các cơ quan, bộ, ngành, địa phương tổng hợp các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước” (đánh giá trong chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21).
NHIỀU GIẢI PHÁP, NHƯNG...
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 82, nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính được xem là giải pháp rất quan trọng trong 9 nhóm giải pháp tỉnh đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí hiện nay. Bởi cải cách hành chính là nhằm hạn chế kẽ hở trong hệ thống pháp luật và các quy định của Nhà nước. UBND tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp giữa Văn phòng UBND tỉnh với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong việc công khai thủ tục hành chính. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai hệ hống quản lý ISO hành chính công. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính cũng như quản lý và giải quyết công việc, góp phần nâng cao chất lượng, giảm hội họp, văn bản, giấy tờ hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp...
Giải phóng mặt bằng xây dựng hồ Phước Hòa, ngân sách nhà nước bị kê khống và rút ruột nhiều tỷ đồng. Trong ảnh là 4 bị cáo - những “nhân vật chính” của vụ án - Ảnh: Trần Phương
Bên cạnh đó, các nhóm giải pháp được đánh giá đã có tác động mạnh đến tình trạng tham nhũng, lãng phí thời gian qua là công khai, minh bạch tài chính; chính sách thực thi trên địa bàn; thực hiện nghiêm chế độ, định mức, tiêu chuẩn; xây dựng quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu; minh bạch tài sản và thu nhập...
Những giải pháp này tuy tác động đáng kể đến nhận thức, thái độ của cán bộ, công chức, nhưng theo đánh giá của cơ quan chức năng và dư luận xã hội, những giải pháp này chưa đủ mạnh để đạt được mục tiêu là ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Một minh chứng rõ nhất là trong các kỳ tiếp xúc cử tri có rất ít ý kiến đánh giá phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh có kết quả tốt, ngược lại nhiều ý kiến đề nghị làm rõ và công khai các sai phạm, vi phạm để nhân dân được biết...
CHƯA ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU
Công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra; việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang xảy ra, gây bức xúc và bất bình trong xã hội, tiếp tục là thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đây là đánh giá rất sát thực tế của Thanh tra tỉnh trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Mỗi ngày có 3,09 cuộc kiểm tra Theo thống kê của Thanh tra tỉnh, từ ngày 1-1-2013 đến hết tháng 9-2014, toàn tỉnh có 1.406 cuộc thanh, kiểm tra. Như vậy, bình quân mỗi tuần toàn tỉnh có 15,451 cuộc thanh tra, trung bình mỗi ngày làm việc có 3,09 cuộc thanh tra. Qua thanh tra hành chính, cơ quan chức năng đã phát hiện 60 đơn vị vi phạm với tổng số tiền 5,433 tỷ đồng, 150m2 đất ở, 34,9 ha đất nông nghiệp, thu hồi 3,37 tỷ đồng, xử lý hành chính 38 đơn vị và 48 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ với 1 đối tượng. Thanh tra chuyên ngành phát hiện 42 tổ chức và 7.121 cá nhân vi phạm, tổng số tiền xử phạt 12,219 tỷ đồng, đã thu hồi 11,425 tỷ đồng. Các đoàn thanh tra cũng triển khai 23 cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, qua đó có 13 đơn vị và 2 cá nhân phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm. |
Tại Bình Phước, tham nhũng lớn đến mức làm suy yếu nền kinh tế thì chưa được khẳng định, nhưng tham ô, tham nhũng vặt, trục lợi chính sách... có lẽ không ít. Thực hiện Nghị quyết số 82, tỉnh đã triển khai đồng bộ 9 nhóm giải pháp nhằm hướng đến mục tiêu ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, kết quả sau 2 năm cho thấy còn quá nhiều mục tiêu chưa đạt được. Chuyển biến về nhận thức, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác phòng chống tham nhũng chưa cao. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ một số cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng còn hạn chế, lực lượng bố trí làm công tác phòng chống tham nhũng còn mỏng và kiêm nhiệm cả những công việc khác. Việc thực hiện chế độ báo cáo về phòng chống tham nhũng và kê khai tài sản, thu nhập ở một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, chất lượng chưa cao. Một số đơn vị chưa thực hiện tốt chức năng tự kiểm tra phát hiện và chủ động xử lý những vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị mình.
Nguyên nhân của những hạn chế này là do công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên. Việc quản lý, giám sát kinh tế tài chính ở một số đơn vị còn lỏng lẻo, nhất là người đứng đầu đơn vị. Đây là điều kiện dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Việc công khai, minh bạch hoạt động của các đơn vị, tổ chức còn mang nặng tính hình thức, dẫn đến làm giảm khả năng giám sát của nhân dân...
Hưng Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065