BP - Vườn quốc gia Bù Gia Mập thuộc địa bàn 2 xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập (Bù Gia Mập) với diện tích 25.788,6 ha. Đây là khu vực rừng có trữ lượng động, thực vật lớn duy nhất còn lại của Bình Phước. Vườn không những là nơi phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục, môi trường, phát triển du lịch sinh thái mà còn là rừng phòng hộ đầu nguồn cho hồ chứa nước của các công trình thủy điện Cần Đơn, Thác Mơ, Srok Phu Miêng. Với chức năng to lớn đó, những năm qua, công tác bảo vệ, phát triển, nhất là phòng, chống cháy rừng (PCCR) được Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập chủ động thực hiện rất tốt.
NGUY CƠ XẢY RA CHÁY RỪNG
Vườn quốc gia Bù Gia Mập hiện có 18.000 ha rừng tre nứa, lồ ô và hỗn giao, đây là khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao, nhất là khi thời tiết hanh khô. Phía nam của vườn giáp hai nông lâm trường Đắk Mai và Đắk Ơ. Các khu vực này chủ yếu đã được chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng nghèo kiệt sang trồng cao su và một phần bị người dân xâm canh lấn chiếm làm rẫy nên trong quá trình canh tác, dọn đốt rẫy tiềm ẩn nguy cơ cháy lan vào vườn. Phía bắc giáp sông Đắk Huýt, ranh giới Việt Nam - Campuchia, mùa khô nước sông cạn, có các bãi le, sậy tập trung nhiều vật liệu dễ cháy nên nguy cơ cháy lan từ phía bên Campuchia vào rất cao.
Cộng đồng nhận khoán thôn Bù Dốt phối hợp với lực lượng kiểm lâm ra quân phát dọn, đốt những vật liệu dễ cháy ven quốc lộ 14C
Lâm phần vườn quốc gia có 18km đường ĐT741 (nay là quốc lộ 14C) và 60km đường tuần tra biên giới chạy xuyên qua vùng lõi của vườn. Ngoài ra còn có các đường mòn tuần tra bảo vệ đi xuyên trong vùng lõi. Hệ thống giao thông tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển vật dụng, lương thực ứng cứu khi xảy ra cháy rừng và tạo các đường băng cản lửa tự nhiên. Tuy nhiên, hành lang 2 bên đường có nhiều vật liệu dễ cháy, như cỏ tranh, cỏ mỹ... Trong khi đó, lượng người đi lại nhiều nên việc kiểm soát nguồn lửa rất khó khăn.
Người dân sống trong vùng đệm của vườn - khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, 80% là người dân tộc thiểu số bản địa, trình độ dân trí thấp, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao; nhận thức của người dân về bảo vệ và PCCR còn hạn chế, lại thường xuyên vào rừng bắt cá, hái lá nhíp, đọt mây... sử dụng lửa không cẩn thận dễ gây cháy rừng. Vườn có rất nhiều khe, sông, suối tạo thành các đường băng cản lửa tự nhiên. Tuy nhiên, do mực nước ngầm thấp nên đến mùa khô là cạn, càng làm tăng nguy cơ cháy rừng. Mặt khác, nhiều khe suối cũng gây khó khăn cho việc đi lại, tiếp tế khi cháy rừng xảy ra.
“4 TẠI CHỖ, 4 SẴN SÀNG”
Từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau là cao điểm mùa khô nên tình trạng cháy rừng luôn báo động đỏ. Những tháng mùa khô, Ban quản lý vườn vừa phải đảm bảo bình yên cho động, thực vật, tránh sự tác động của con người vừa phải trực PCCR 24/24 giờ với nguyên tắc “4 tại chỗ, 4 sẵn sàng” (lực lượng, chỉ huy, phương tiện, hậu cần tại chỗ và luôn sẵn sàng). Hiện vườn có 11 trạm kiểm lâm, mỗi trạm có 3-6 cán bộ, nhân viên, ngoài ra còn có 4 chốt bảo vệ rừng tạm thời; 1 tổ chữa cháy rừng cơ động gồm 8 người; 14 đơn vị cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng với tổng 324 lao động, trong đó quân số thường trực là 140 người. Ngoài ra, 30 cán bộ, nhân viên văn phòng vườn cũng được huy động khi có cháy rừng xảy ra.
Từ năm 2012-2016, Vườn quốc gia Bù Gia Mập xảy ra 6 vụ cháy rừng với tổng diện tích 4,3 ha; trong đó, năm 2014 cháy 1,6 ha, đầu năm 2016 cháy 2,7 ha. Khu vực rừng cháy chủ yếu là cây bụi, bãi le, bãi chuối, lồ ô khô, cây cỏ, vì thế thiệt hại về tài nguyên rừng là không đáng kể. Do làm tốt công tác tuần tra nên lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, huy động tổ chức dập lửa, không để xảy ra tình trạng cháy lan trên diện rộng. |
Ông Điểu Bi Rút, Tổ trưởng cộng đồng nhận khoán thôn Bù Dốt cho biết: Nhiệm vụ chính của tổ là bảo vệ hơn 1.800 ha rừng thuộc các tiểu khu 21, 26 và tham gia PCCR. Tổ có 25 người, chia làm 3 ca, mỗi ca 8 người trực liền trong 5 ngày và trực 24/24 giờ. Khi xảy ra cháy rừng không chỉ trên địa bàn quản lý mà ở bất kỳ khu vực nào của vườn tổ đều huy động 100% quân số trực tiếp ứng cứu. Các tiểu khu 21, 26 có nhiều lồ ô khô, cây cỏ, bụi rậm, mùa khô đến tạo thành lớp vật liệu dễ cháy. Mặt khác, khu vực có lượng người qua lại nhiều nên nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn trong tình trạng báo động. Để đảm bảo an toàn, những năm qua tổ luôn phối hợp với kiểm lâm viên chủ động phát quang, đốt, dọn sạch hành lang 2 bên đường, vì thế diện tích do tổ quản lý không có cháy rừng xảy ra. Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 1 Vương Văn Hải nói: Trạm chỉ có 3 người nhưng phải quản lý, bảo vệ 3 tiểu khu 21, 26, 28 với diện tích 2.100 ha rừng. Khu vực có nhiều lồ ô khô, vật liệu dễ cháy lại giáp ranh một số vườn điều của người dân, khi thu dọn vườn người dân thường đốt lửa nên nguy cơ cháy lan sang vườn quốc gia là rất cao. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực gần chỉ huy, gần cộng đồng nhận khoán, gần dụng cụ và phương tiện chữa cháy, vì thế khi xảy ra cháy mọi lực lượng, phương tiện được tiếp ứng tối đa nên nhiều năm qua không xảy ra sự cố đáng tiếc nào.
Phó giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập Cao Ngọc Long cho biết: Hằng năm vào cuối mùa mưa, Ban quản lý vườn chỉ đạo, phân công cụ thể từng khu vực cho các đơn vị liên quan chủ động trong tất cả tình huống và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ nếu có sự cố. Theo đó, các đơn vị đã phối hợp ra quân phát dọn, đốt trước những nơi nhạy cảm, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ PCCR, quân số cũng được tăng cường và luôn trực 24/24 giờ. Vì vậy nhiều năm qua, Vườn quốc gia Bù Gia Mập không có vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra. Công tác diễn tập PCCR cũng được đơn vị thực hiện thường xuyên, liên tục và cán bộ, nhân viên đều có nhiều kinh nghiệm. Ông Long cho biết thêm, năm nay mưa nhiều và kéo dài đến cuối năm, vì thế hiện toàn bộ lâm phần vườn vẫn ẩm ướt. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, thiếu cảnh giác. Để đảm bảo tối đa PCCR, ngoài các phương tiện, dụng cụ đã được mua sắm, chuẩn bị thì năm nay vườn được đầu tư đắp 2 đê chắn nước tại suối Đắk Con và suối Mít, mỗi suối trữ khoảng 60.000m3 nước, với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng/đê. 2 công trình đang gấp rút thi công và dự kiến đưa vào sử dụng đầu tháng 6-2017, giảm nỗi lo thiếu nước nếu sự cố cháy rừng xảy ra.
Hồng Hạnh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065