Trước đó, tại tỉnh này đã ghi nhận 3 học sinh Trường THPT Tây Giang, huyện Tây Giang bị nhiễm bạch hầu và đã có 2 em tử vong. Tiếp đó, cũng tại huyện Tây Giang đã xuất hiện 2 ổ dịch làm 3 người bị lây nhiễm, trong đó 1 trường hợp tử vong. Với những diễn biến phức tạp nêu trên cho thấy bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu trở lại. Vì vậy, với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, người dân cả nước, trong đó có Bình Phước cần nêu cao ý thức, chủ động phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Vi khuẩn bạch hầu có tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae. Bạch hầu xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Thế kỷ XVII, XVIII căn bệnh này bùng phát và gây ra cái chết cho hàng ngàn người ở châu Âu, châu Mỹ. Bệnh bạch hầu lây truyền chủ yếu từ người sang người thông qua đường hô hấp, sử dụng đồ dùng chung với người bệnh... và trẻ nhỏ là đối tượng mang mầm bệnh chính. Người nhiễm bệnh bạch hầu thường bị sốt nhẹ, đau họng, ho, chán ăn... Sau 2-3 ngày, bệnh nhân khó thở, khó nuốt và tử vong sau đó khoảng 10 ngày. Người bị bệnh bạch hầu nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch.
Theo nhận định của giới y khoa, bạch hầu, ho gà và uốn ván là nỗi khiếp sợ của người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vì vậy, trong những năm qua, ngành y tế nước ta đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, những căn bệnh nêu trên dần được khống chế. Riêng bạch hầu được đánh giá là căn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm bởi tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Từ năm 1984, Bộ Y tế đã đưa vắc-xin phòng căn bệnh này vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Nhờ đó, tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu ở nước ta ngày càng giảm mạnh. Năm 2014, tỷ lệ giảm dưới mức 0,01 ca/100.000 dân, tức giảm 228 lần so với năm 1984. Nhiều nơi ở nước ta có lúc đánh giá bệnh bạch hầu đã được khống chế. Thế nhưng, các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ “bạch hầu trở lại” là tương đối cao vì ý thức phòng bệnh của người dân kém. Môi trường sống ở khu dân cư không đảm bảo vệ sinh nên trong năm 2015, bệnh bạch hầu đã xuất hiện trở lại tại Gia Lai và Quảng Nam làm cho nhiều người bị nhiễm bệnh.
Tại Bình Phước, năm 2016, ở 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú (Đồng Phú) đã xuất hiện ổ dịch bạch hầu làm cho 47 người nhiễm bệnh và đã có 3 người chết gây hoang mang, lo lắng trong dư luận. Trước tình hình này, ngành y tế Bình Phước đã công bố ổ dịch trên địa bàn. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành hữu quan tập trung nguồn lực khống chế ổ dịch không để lây lan sang các địa bàn khác. Như vậy, cùng với Quảng Nam, Bình Phước là địa bàn từng bị bạch hầu “hoành hành” nên khả năng căn bệnh này tái phát cao cần phải được lường trước.
Vì vậy, người dân trong tỉnh, nhất là tại 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú cần nêu cao ý thức phòng ngừa. Ngành chức năng cần tiến hành khảo sát, tăng cường cán bộ về cơ sở để nắm bắt tình hình và tuyên truyền cho người dân việc tiêm phòng vắc-xin, phun hóa chất diệt mầm bệnh, không để bùng phát như năm 2016.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065