Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã xây dựng được nhiều HTX điển hình tiên tiến, làm ăn hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương, giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân. Trao đổi với Báo Bình Phước, đồng chí Võ Đình Tuyến, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Võ Đình Tuyến đã nêu ra những tồn tại và cho biết những giải pháp để củng cố, đẩy mạnh tiến độ phát triển, đưa lĩnh vực kinh tế tập thể trở thành trụ cột trong nền kinh tế quốc dân.
Theo đồng chí, thành tựu quan trọng nhất và hạn chế lớn nhất của lĩnh vực kinh tế tập thể cả nước nói chung và của Bình Phước nói riêng là gì?
Đồng chí Võ Đình Tuyến: Theo tôi, thành tựu lớn nhất của kinh tế hợp tác và HTX ở Bình Phước, đó chính là việc các HTX kiểu cũ cơ bản đã được chuyển đổi xong theo Luật HTX năm 2003. Việc chuyển đổi khu vực kinh tế tập thể đã mang lại hiệu quả xã hội khá cao, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nghèo có đất sản xuất, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống các tầng lớp nhân dân.
Về hạn chế lớn nhất trong lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể của tỉnh Bình Phước, theo tôi đó chính là nhận thức. Tôi cho rằng, nhận thức về vị trí và vai trò của kinh tế hợp tác, HTX trong nền kinh tế quốc dân của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân còn nhiều định kiến với mô hình HTX kiểu cũ dẫn tới thiếu quan tâm, chú trọng, đầu tư phát triển. Ngoài hạn chế về mặt nhận thức còn hạn chế về trình độ, năng lực tổ chức, quản lý và sản xuất kinh doanh của cán bộ, xã viên và người lao động trong các HTX trên địa bàn tỉnh.
Để củng cố và đẩy mạnh tiến độ phát triển, đưa lĩnh vực kinh tế tập thể trở thành trụ cột trong nền kinh tế quốc dân, trong thời gian tới cần phải tập trung giải quyết những vấn đề gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Võ Đình Tuyến: Để kinh tế hợp tác và hợp tác xã trở thành trụ cột của nền kinh tế quốc dân, theo tôi có 2 vấn đề cốt lõi cần tập trung giải quyết:
Đổi mới mạnh mẽ về tư duy kinh tế hợp tác và HTX theo hướng chỉ hợp tác với nhau ở những lĩnh vực mà mỗi con người, gia đình, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp… thật sự có nhu cầu.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân cần hợp tác với nhà khoa học để được hướng dẫn, lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì, đào tạo tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, hiệu quả; hợp tác với doanh nghiệp để giải quyết đầu vào (vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thú y, khâu làm đất v.v…) và giải quyết đầu ra cho sản phẩm (chế biến, tiêu thụ, thông tin giá cả thị trường). Ở lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng vậy, tìm những lĩnh vực mà thực sự con người có nhu cầu v.v…
Đổi mới mạnh mẽ về mô hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã:
Mỗi nông dân riêng lẻ chỉ vài sào, vài ha đất không thể sản xuất lớn, mà nhiều nông dân hợp tác lại với nhau thành tổ hợp tác, hợp tác xã, những nông trường, công ty lớn mới có điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn được. Mỗi doanh nghiệp nhỏ lẻ không đủ vốn liếng, không có điều kiện đầu tư trang thiết bị hiện đại, mà nhiều doanh nghiệp hợp tác lại thành tập đoàn kinh tế mạnh mới đủ sức thực hiện các công trình to lớn trong tỉnh, trong nước và xuyên quốc gia.
Thưa đồng chí, ở tỉnh Bình Phước, những vấn đề cần tập trung giải quyết như đã nêu sẽ được triển khai thực hiện như thế nào?
Năm 2012, tỉnh Bình Phước thành lập 9 HTX mới, nâng tổng số HTX toàn tỉnh lên 100 với 9.967 xã viên, người lao động. Tổng vốn điều lệ của các HTX hơn 121,4 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của xã viên HTX đạt 28 triệu đồng/năm, tăng 24,44% so với năm 2011. Toàn tỉnh hiện có 4.774 tổ hợp tác với số vốn hơn 95,6 tỷ đồng và 105.294 thành viên tham gia. Tổ hợp tác hoạt động dưới hình thức câu lạc bộ, tổ, hội. Mục đích của các tổ hợp tác là liên kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. |
Đồng chí Võ Đình Tuyến: Trước hết là phải đưa ra thảo luận, bàn bạc thống nhất trong Ban chỉ đạo kinh tế hợp tác, hợp tác xã của tỉnh; sau đó tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét quyết định; ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai, thực hiện, nhất là có cơ chế, chính sách phù hợp với chỉ đạo của Trung ương và thực tế địa phương về đất đai, tài chính, tín dụng; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.
Trên cơ sở các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, triển khai quán triệt đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, mặt trận, các đoàn thể và tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế hợp tác, HTX.
Tập trung xây dựng các mô hình điển hình về kinh tế hợp tác, HTX làm ăn có hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần hơn hẳn các lao động gia đình, địa phương, doanh nghiệp làm ăn riêng lẻ. Tuyên truyền hiệu quả, nhất là thông qua thực tiễn sinh động, đặc biệt đối với nông dân, đồng bào dân tộc khi được nhìn thấy tận mắt những mô hình làm ăn hiệu quả ở địa phương, trong nước và kể cả trên thế giới thì họ rất tin, dễ dàng học tập và làm theo.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số là những người đã từng chịu đựng nhiều hy sinh gian khổ trong sự nghiệp cách mạng, trong những năm qua tuy Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách và việc làm thiết thực đưa đời sống bà con từng bước vươn lên. Tuy nhiên, do xuất phát điểm đi lên quá thấp, trình độ khoa học - công nghệ còn lạc hậu, tầm nhìn định hướng phát triển sản xuất, vốn, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đời sống còn khó khăn v.v… Cho nên rất cần được sự giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, mặt trận, các đoàn thể tập trung đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, HTX làm ăn có hiệu quả, để tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Trúc (thực hiện)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065