Trước đây đã có nhiều ý kiến cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm có những mặt trái của nó và sẽ tạo áp lực cho người được lấy phiếu. Tuy nhiên, tính tích cực của phiếu tín nhiệm đã được khẳng định, chí ít là có thêm một kênh để đánh giá cán bộ. Và như vậy, yếu tố dân chủ trong hệ thống chính trị đã được nâng lên một bước. Sâu xa hơn, việc lấy phiếu tín nhiệm còn là một kênh kiểm soát lẫn nhau trong thực thi 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đã được hiến định. Qua đó, Quốc hội thực thi việc kiểm soát đối với tư pháp và hành pháp thông qua mức độ tín nhiệm của mình đối với các chức danh lãnh đạo 2 ngành này.
Qua việc lấy phiếu tín nhiệm, mức độ tín nhiệm cao chính là sự ghi nhận, động viên lớn đối với những chức danh lãnh đạo cụ thể. Những tư lệnh ngành có nhiều nỗ lực, quyết đoán, sâu sát công việc xứng đáng được tín nhiệm cao. Ngược lại, mức độ tín nhiệm thấp sẽ là sự cảnh báo đối với những chức danh cụ thể, nhất là với những ai qua 3 lần lấy phiếu đều có nhiều phiếu tín nhiệm thấp. Kết quả công bố đã cho thấy, tư lệnh các ngành y tế, văn hóa, nội vụ, giáo dục, giao thông - vận tải đang đứng trước áp lực và thách thức rất lớn, cần phải được cải thiện mức độ tín nhiệm vào kỳ lấy phiếu tín nhiệm tiếp theo. Điều quan trọng, có ý nghĩa lớn hơn là mức độ tín nhiệm lần này sẽ tác động không nhỏ tới việc chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng sắp tới.
Qua nghe ý kiến người dân trên các kênh thông tin đại chúng thì có vẻ nhiều người quan tâm hơn tới kết quả tín nhiệm của các chức danh trong Chính phủ so với các chức danh trong Quốc hội. Điều này cũng dễ hiểu, bởi chính người dân sẽ bị chi phối mạnh từ những quyết sách, hành động của các vị tư lệnh ngành. Qua 3 lần lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, báo chí và một số chuyên gia thường “thanh minh” hộ cho những vị tư lệnh ngành có nhiều phiếu tín nhiệm thấp. Tuy nhiên, người dân không thể mãi bằng lòng với quan điểm cho rằng đây là những ngành khó, phức tạp, đụng chạm tới dân, doanh nghiệp; rằng các ngành này do lịch sử để lại nhiều vấn đề nan giải, không thể khắc phục được ngay, để rồi phải chấp nhận những trì trệ, chậm đổi mới, tác động tiêu cực tới đời sống người dân.
Một sự trùng hợp là cùng ngày Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Và trong các nội dung phải gương mẫu đi đầu thực hiện, đáng chú ý là việc các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ. Như vậy, cùng với quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ giúp Trung ương Đảng có thêm thông tin để tham khảo cũng như quy chuẩn cán bộ để chuẩn bị nhân sự cho kỳ Đại hội Đảng sắp tới.
Nguyên Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065