Ngày 12-3, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã họp phiên thứ tư dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị trong Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng đề án “Nghiên cứu việc chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố” và đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam,” cùng những vấn đề đã tiếp thu, xin ý kiến Ban Chỉ đạo.
Đề cập đến quá trình hình thành và phát triển của mô hình Viện Công tố, Viện Kiểm sát các nước trên thế giới; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cải cách tư pháp và vấn đề đổi mới Viện Kiểm sát; nhiều ý kiến cho rằng đề án “Nghiên cứu việc chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố” đã thể hiện được tính mục đích và định hướng của việc nghiên cứu là làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn nhằm kiến nghị lựa chọn mô hình Viện Kiểm sát, Viện Công tố phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Về đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam,” các đại biểu nêu rõ, mục tiêu của đề án là đề xuất cụ thể phương hướng hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền con người, quyền công dân; phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp.
Đánh giá quá trình xây dựng của hai đề án, đại diện các ban, ngành khẳng định các đề án được chuẩn bị khá công phu, trong đó đã tổ chức các hoạt động sưu tầm, biên dịch tài liệu, tổ chức tọa đàm, hội thảo, xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, vì vậy về cơ bản đã đảm bảo quy trình xây dựng đề án.
Các đại biểu cũng đã nghe báo cáo về một số ý kiến bước đầu của Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về kết quả tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng những ý kiến đề xuất mới liên quan đến mô hình tố tụng hình sự Việt Nam cần được tiếp thu, nhưng phải trên cơ sở phù hợp với lý luận và thực tiễn Việt Nam.
Chủ tịch nước nhấn mạnh việc xây dựng đề án “Nghiên cứu việc chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố” và đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam” nhằm thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, thể hiện trong các văn kiện, đặc biệt là Nghị quyết 49-NQ/TƯ, Kết luận số 79-KL/TƯ của Bộ Chính trị, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội XI của Đảng về nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp; đồng thời là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Đánh giá cao quá trình chuẩn bị đề án công phu, Chủ tịch nước đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến, để khẩn trương và nghiêm túc hoàn thiện hai đề án, trình các cấp có thẩm quyền xem xét.