Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội
Nâng cao y đức, cải thiện phong cách phục vụ người bệnh
Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) đặt vấn đề hiện nay có tình trạng người bệnh không được tiếp cận các dịch vụ chữa bệnh tốt, một phần do quá tải, phần khác do thái độ phục vụ của y tá, điều dưỡng viên với nhiều lời lẽ khiếm nhã, thiếu tôn trọng, không muốn nói là xúc phạm người bệnh, rất khác với văn hóa ứng xử của đội ngũ y bác sỹ các nước trong khu vực... Bộ trưởng có biện pháp thường xuyên nào để nâng cao đạo đức lương y và cải thiện phong cách phục vụ người bệnh?
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận ở đâu đó vẫn có tình trạng cán bộ y tế có thái độ không tốt, "con sâu làm rầu" nồi canh. Thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa ra chương trình đổi mới toàn diện thái độ phong cách phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh với nhiều giải pháp tổng thể, trong đó, có việc tuyên truyền vận động gắn với học tập và làm theo phong cách đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn ngành.
Bộ cũng có giải pháp sử dụng "đường dây nóng," hòm thư góp ý, quay camera, tăng cường giám sát chuyên môn... và ban hành các thông tư xử phạt; tiến hành kỷ luật từ cảnh cáo, khiển trách, đuổi khỏi ngành cán bộ y tế sai phạm.
Kèm theo đó, Bộ cũng thực hiện đổi mới cơ chế tài chính để nâng mức thu nhập của cán bộ, nhân viên ngành y tế, thông qua điều chỉnh giá dịch vụ trên lộ trình tính đúng, tính đủ. Những giải pháp này đã tạo nên sự đổi mới toàn diện.
Theo đánh giá độc lập của các tổ chức quốc tế, các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trong lĩnh vực y tế đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là ở tuyến huyện, tuyến xã. Tiếp thu ý kiến đại biểu Bộ trưởng khẳng định sẽ thực hiện quyết liệt hơn nữa để cải thiện tình trạng này.
Ghi nhận việc thời gian qua ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong việc bảo đảm chất lượng, nhất là tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế, tuy nhiên, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) chỉ rõ vẫn có tình trạng một số phong trào nổi lên nhưng rồi lại xẹp xuống như phong trào "nói không với phong bì." Bộ trưởng có giải pháp gì để tránh tình trạng "đầu voi, đuôi chuột"?
Về nhận định này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng việc đổi mới toàn diện được Bộ thực hiện thường xuyên với việc thanh kiểm tra, chấm điểm và gắn với chất lượng bệnh viện. Tương lai, Bộ sẽ xây dựng tiêu chí chất lượng bệnh viện dựa theo tiêu chuẩn phân hạng của quốc tế. Tiêu chí đánh giá này sẽ do các tổ chức quốc tế đánh giá độc lập và chấm điểm công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Y tế và các bệnh viện không tham gia.
Cơ chế tự chủ và cạnh tranh lành mạnh giữa các bệnh viện công với nhau và giữa bệnh viện công với bệnh viện tư, bắt buộc thái độ của cán bộ y tế phải thay đổi. Giá dịch vụ đã đưa vào lương, cộng với việc thường xuyên giáo dục, nâng cao truyền thống nên thái độ của các cán bộ y tế đã có sự thay đổi. Bộ Y tế đang phấn đấu tăng cường các giải pháp, không để tình trạng "đầu voi đuôi chuột," Bộ trưởng khẳng định.
Quản lý trang thiết bị, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) về kết luận kiểm toán vừa qua có nhiều thiết bị chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng và nhiều máy đắp chiếu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận có thực trạng này, nhất là ở tuyến tỉnh do Việt Nam sử dụng máy công suất quá lớn nên nhanh hỏng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết các bệnh viện, sở y tế không đồng thuận với kết luận kiểm toán, bởi, trang thiết bị vật tư y tế rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Ví dụ, kim cánh bướm Bệnh viện Việt Đức mua giá chỉ khoảng 6.000-7.000 đồng nhưng ở Bệnh viện Chợ Rẫy thì lại gấp 10 lần, gấp 7 lần do sản phẩm có thêm các chức năng khác. Tương tự như vậy, dây truyền dịch, các hóa chất khác, tên cơ bản giống nhau nhưng chức năng khác nhau thì giá phải khác.
Bộ Y tế đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị định 36 về quản lý trang thiết bị, quy trình mua sắm trang thiết bị tương đối chặt chẽ. Quản lý được phân cấp phân quyền cho các đơn vị sự nghiệp, các Sở Y tế và các đơn vị thực hiện quy trình này theo Luật Đấu thầu và Nghị định liên quan. Thời gian tới, Bộ sẽ trình Quốc hội Luật về quản lý trang thiết bị.
Băn khoăn về nhiều sự cố y khoa liên quan đến quá trình vận hành trang thiết bị y tế, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đặt câu hỏi hiện, Bộ y tế có quy trình chuẩn đoán, điều trị khá cụ thể, khoa học tuy nhiên quy trình về bảo trì, bảo hành chưa chi tiết, chưa được tuân thủ chặt chẽ; năng lực, trách nhiệm của các công ty vật tư, trang thiết bị y tế còn đặt ra nhiều câu hỏi. Bộ trưởng có đánh giá, giải pháp gì cho vấn đề trên?
Trước những sự cố y khoa xảy ra trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định đây là vấn đề đau lòng, không mong muốn của thầy thuốc, bệnh viện và cả bệnh nhân. Bộ Y tế đã có các Đề án như thành lập Hội đồng An toàn bệnh nhân tại Cục Quản lý khám chữa bệnh và tại các bệnh viện. Bên cạnh đó, Bộ ban hành các quy trình khám chữa bệnh, vận hành trang thiết bị y tế chặt chẽ. Vấn đề đáng nói là nếu không thực hiện nghiêm quy định sẽ có khả năng xảy ra tai nạn. Sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục ban hành các Thông tư, Chỉ thị và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.
Thể hiện sự đồng tình đối với đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) về tình trạng đội ngũ nhân viên y tế tuyến dưới còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ có tình trạng bác sỹ muốn chuyển lên tuyến trên và ra thành phố. Bác sỹ giỏi muốn làm ở các trung tâm bệnh viện lớn hoặc bệnh viện tư. Đây là tình trạng không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác.
Theo Bộ trưởng, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này. Đào tạo đại học, Bộ xây dựng mô hình đào tạo cử tuyển để các bác sỹ về vùng sâu vùng xa và hình thức đào tạo theo địa chỉ. Đây cũng là hình thức kết hợp chặt chẽ mô hình đào tạo ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.
Theo Đề án thí điểm bác sỹ trẻ tốt nghiệp khá, giỏi, các bác sỹ này ra trường sẽ được đào tạo thêm ba năm chuyên khoa và đưa về công tác tại vùng sâu vùng xa. Đến 25-6, Bộ sẽ bàn giao cho huyện vùng sâu vùng xa ở Lào Cai bảy bác sỹ và đang chuẩn bị giao chín bác sỹ cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khác. Với các tỉnh có nhu cầu này, Bộ sẽ đưa chương trình đến.
Theo quy định, bác sỹ nam phải công tác tại các huyện miền núi trong ba năm, đối với nữ là hai năm nhưng được hưởng những quyền lợi: lương tăng; được học chuyên khoa I và có thể đẩy nhanh học chuyên khoa II; nhận biên chế tại bệnh viện tuyến Trung ương hoặc bệnh viện tuyến tỉnh.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Đặng Hoàng Tuấn về giải pháp bảo đảm nhân lực để phục vụ tốt cho người dân trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện hiện nay thiếu bác sỹ chuyên khoa và bác sỹ có trình độ cao trong khi đang thực hiện tinh giản biên chế, Bộ trưởng nhấn mạnh: hiện nay, nước ta có những công chức, viên chức chuyên nghiệp theo ngạch nghề nghiệp. Bộ Y tế đang dự thảo Nghị quyết trình Trung ươngliên quan đến nội dung này.
Cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý bảo hiểm xã hội
Liên quan đến tình trạng trục lợi bảo hiểm xảy ra trong thời gian qua, Bộ trưởng thừa nhận qua kiểm tra có tình trạng lạm dụng, trục lợi từ hai phía: bệnh viện và người dân. Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng khẳng định giải pháp là làm quy trình khám, chữa bệnh chặt chẽ, kèm theo giám sát và cùng với giải pháp bảo hiểm xã hội quy định mức trần chi. Đặc biệt, sắp tới Bộ sẽ thực hiện nghiêm cơ chế tự chủ có quản lý chặt của nhà nước và đổi mới toàn diện mô hình tự chủ.
Tham gia giải trình về vấn đề này, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh nêu rõ Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội thông qua năm 2015 là bước tiến rất dài về an sinh xã hội, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước.
So sánh giữa quyền lợi được hưởng với mức đóng, quyền lợi của người đóng bảo hiểm y tế được hưởng rất cao. Khi Luật ra đời, đối tượng nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên và những đối tượng ưu tiên khác được tiếp cận tốt với dịch vụ y tế.
Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội thời gian qua đã làm được khối lượng công việc hết sức lớn. Hiện mỗi năm trung bình khám chữa bệnh cho khoảng 150 triệu lượt người, độ bao phủ đạt 77 triệu người, chiếm khoảng 83% dân số (theo mục tiêu thì sau 2020 mới đạt 80%). Bình quân mức thu Quỹ bảo hiểm y tế chưa đến 30 USD nhưng tổng Quỹ huy động trên 70.000 tỷ đồng. Đây là khối lượng công việc khổng lồ mà ngành y tế đã đáp ứng. Chất lượng khám chữa bệnh và tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân đã nâng lên rất nhiều.
Tuy nhiên, vì đối tượng phục vụ quá lớn, 150 triệu lượt người/năm, rải rác ở 14.000 cơ sở khám chữa bệnh nên tình trạng lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế giai đoạn gần đây diễn ra tương đối phổ biến. Trước tình hình đó, tổng Quỹ bảo hiểm xã hội được phép sử dụng trong năm 2017 chỉ là 73.000 tỷ đồng, nhưng theo số liệu bảo hiểm xã hội dự báo, năm 2017 sẽ phải chi khoảng 80.000 tỷ đồng, tăng 7.000 tỷ đồng so với dự kiến. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc kiểm tra, giám sát, giám định để Quỹ bảo hiểm xã hội được sử dụng thật sự hiệu quả. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị lãnh đạo cấp tỉnh tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Chưa đồng tình với phần giải trình Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa)... đã tranh luận lại.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị Bảo hiểm xã hội và ngành y tế phải thảo luận, rà soát một số văn bản còn chồng chéo, dẫn đến vướng mắc khi thanh toán cho bệnh viện và bảo hiểm y tế ở tuyến dưới. Hiện nay, có 30-40 tỷ đồng bảo hiểm xã hội khoanh nợ tiền chi trả chi phí khám chữa bệnh không được thanh toán, gây ách tắc cho các bệnh viện. Đại biểu đề nghị lãnh đạo Chính phủ cần xem xét để có sự thống nhất giữa hai cơ quan.
Bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh
Trả lời chất vấn về việc giá tăng thì dịch vụ có tăng không, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ theo Nghị định 16, trong năm 2017 phải hoàn thành tính đúng, tính đủ về yếu tố đầu vào trực tiếp, nhưng đến năm 2017 chưa thực hiện được do phải xem xét chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để chống lạm phát. Khi giá tính đúng, tính đủ, thay vì người dân bù thêm giá chưa được tính, sẽ được bảo hiểm y tế chi trả, người dân sẽ đỡ mất tiền túi. Giá tăng thì chất lượng phải tăng.
Bộ trưởng cũng cho biết đối với nhà nước, giảm chi ngân sách cho các chi phí trực tiếp vào lương. Theo thống kê chưa đầy đủ đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, từ khi tính lương vào giá, ngành y tế đưa không phụ cấp vào lương khoảng 10.000 tỷ đồng, đó là chưa lấy chi phí tái đầu tư theo Quỹ phát triển trích lại. Đó cũng là lợi cho người dân, nhà nước và các cơ sở y tế.
Tranh luận về vấn đề chất lượng khám chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, các giải pháp Bộ Y tế đang áp dụng để "đuổi theo" chính sách siết chi của bảo hiểm y tế dường như "hướng nền y học nước nhà theo y tế giá rẻ." Tư lệnh ngành cần khẳng định quan điểm để cử tri yên tâm, vì y tế liên quan trực tiếp tính mạng của người dân.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Việt Nam cũng nằm trong quy luật chung của các nước khác. Hiện nay, quan hệ giữa cơ sở khám chữa bệnh và bệnh nhân trong một "tam giác" co kéo lẫn nhau. Bệnh nhân muốn được hưởng quyền lợi cao nhất, mức đóng lại thấp nhất, mệnh giá không cao. Bác sỹ, ngành y tế muốn thuốc tốt nhất, máy xét nghiệm hiện đại và chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất. Người khám chữa bệnh bao giờ cũng đưa ra pháp đồ điều trị tiên tiến nhất.
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Y tế trước tình trạng hoạt động kém chất lượng của các cơ sở y tế ngoài công lập nhất là ở các phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài, Bộ trưởng Y tế cho biết đã trực tiếp đi kiểm tra, phát hiện sai phạm phổ biến là chọn chữa những bệnh khó nói, dùng thủ thuật không đảm bảo, rất dễ gây tai biến, sử dụng bác sỹ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề ở các nước xung quanh, giá thuốc rất cao. Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng nêu giải pháp cần tăng cường kiểm tra, kết hợp với các Sở Y tế, Trung tâm y tế, Trạm y tế xã và đặc biệt là chính quyền địa phương.
Khắc phục các hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực y tế
Kết luận phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm và xây dựng. Đây là nhiệm kỳ thứ hai của Bộ trưởng nên có điều kiện, kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, thực trạng, vấn đề bức xúc thuộc ngành quản lý. Bộ trưởng đã nỗ lực quán xuyến, điều hành tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đặt ra từ nhiệm kỳ trước. Phần trả lời còn một số nội dung quá chi tiết, chưa đủ tầm, nhưng về cơ bản các đại biểu Quốc hội đồng tình.
Chỉ ra những hạn chế trong lĩnh vực y tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy nhanh hơn nữa tiến độ khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó tập trung triển khai đầy đủ, đồng bộ quy định pháp luật về khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tiếp tục triển khai các chương trình, đề án đã triển khai trong thời gian qua. Đồng thời, có các giải pháp mang tính tổng thể, căn cơ, dài hơi, quyết liệt trong chỉ đạo để thực hiện khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực y tế; đổi mới phương thức quản lý, cơ chế tài chính tại các bệnh viện, triển khai hiệu quả đề án giao quyền tự chủ cho các cơ sở y tế công lập gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện khu vực mới được đầu tư.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các các bộ, ngành thực hiện tốt việc phối hợp, lồng ghép giữa các đơn vị y tế, các tuyến y tế, giữa lĩnh vực điều trị và dự phòng, tăng cường quản lý và phát huy vai trò của y tế tư nhân, khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền, phát triển nuôi trồng dược liệu, công nghiệp dược phẩm để có sản phẩm thuốc tốt cho người Việt Nam sử dụng; tăng cường điều động, luân chuyển, đãi ngộ, thu hút cán bộ y tế về công tác tại tuyến cơ sở; đào tạo, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân ở địa phương; giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện Trung ương để có kết quả chuyển biến qua từng năm, phấn đấu đến năm 2020 không còn tình trạng quá tải ở bệnh viện.
Bộ Y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát việc bảo đảm chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt là bằng nguồn bảo hiểm xã hội; triển khai hiệu quả Đề án tăng cường năng lực, hệ thống chất lượng xét nghiệm y học, sớm liên thông kết quả xét nghiệm đối với các cơ sở y tế; tiếp tục cải tiến quy trình thủ tục hành chính khám bệnh, chữa bệnh và cơ chế kiểm soát để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh; thực hiện tốt Quy chế ứng xử của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Đồng thời, Bộ tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực y tế; sử dụng có hiệu quả, không để xảy ra thất thoát lãng phí nguồn lực đầu tư cho y tế; khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho y tế theo quy định của pháp luật, tránh việc lợi dụng để trục lợi, hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, nhất là y tế tuyến huyện, xã theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả thông qua các mô hình tiên tiến; tăng cường hỗ trợ y tế khám chữa bệnh ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt quy định về thông tuyến, nhưng chú trọng chất lượng ở cấp cơ sở.
Bộ sớm sửa đổi quy định về đấu thầu, mua thuốc biệt dược, thực hiện đầy đủ quy định pháp luật, cải cách hành chính về đấu thầu, thuốc chữa bệnh để tiết kiệm chi phí; triển khai các giải pháp để quản lý chặt chẽ giá thuốc, nhất là việc bán thuốc theo đơn, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dược phẩm, vật tư, thiết bị y tế; phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo dược phẩm và thực phẩm chức năng. Đồng thời, rà soát đánh giá việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội, công tác khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế để khắc phục cho được những tiêu cực, hạn chế trong lĩnh vực này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065