Đại tá Huỳnh Thiện Hùng
Tuổi thơ từ nam ra bắc
Đại tá Huỳnh Thiện Hùng sinh ngày 2-12-1946 trong lúc cha là cụ Huỳnh Tấn Phát (một kiến trúc sư nổi tiếng thời bấy giờ) bị giam trong Khám lớn Sài Gòn do thực dân Pháp kết án 2 năm tù vì tội tổ chức các hoạt động phong trào chống Pháp. Năm 1953, ông 8 tuổi thì thoát ly gia đình để tập kết ra Bắc theo học các trường dành cho học sinh miền Nam. Khi thì học ở Hà Đông, lúc lại học ở Hải Phòng, những ngôi trường cứ liên tục thay đổi theo điều kiện lúc bấy giờ. Mọi thư từ liên lạc với gia đình gần như không có, vì đất nước đang bị chia cắt hai miền.
Được theo học ở trường dành cho học sinh miền Nam lúc bấy giờ là ước mơ của nhiều người. Với cựu chiến binh Huỳnh Thiện Hùng những năm tháng học sinh ấy đã để lại ông cho biết bao kỷ niệm buồn vui. Tạm gác lại nỗi nhớ, thời gian vùn vụt trôi, cậu bé Hùng giờ trở thành chàng thanh niên tuổi 20. Phần cơm dành cho 6 người, các anh em trong nhóm chia nhau mỗi người 2 chén, phần dư ra dành cho một người được quyền ăn thoải mái. Sau mỗi bữa ăn lại xoay vòng cho người khác. Cách làm ấy, lớp học trò của các ông ngày ấy gọi là “hốt hụi”. Có hôm, mấy anh em cắt cơm cả tuần để lấy tiền đi chơi. Ra đường không may gặp trứng vịt lộn, lăn vào ăn cho đã thèm. Tiền cơm cả tuần vì thế hết sạch. Từ đó, các anh biết ăn rau trừ cơm...
Trên đường vượt trường sơn
Sau 12 năm học rồi làm việc trên đất Bắc, nỗi nhớ quê cứ cuồn cuộn trào dâng theo năm tháng. Cuối năm 1965, ông xung phong đi bộ đội để được vào Nam góp phần giải phóng quê hương. Ngày 29-1-1966, ông chính thức được biên chế vào Tiểu đoàn 738 (Tiểu đoàn Công binh đặc chủng chuyên đánh thủy lôi). Sau 10 tháng khổ luyện nơi thao trường, từ ga Phủ Lý, Ninh Bình, ông cùng đơn vị vượt đường Trường Sơn trong 6 tháng trời để vào Nam. Ngoài 35kg vũ khí, có những chặng cõng thêm lương thực cho 18 ngày đi đường, 3 ngày cơm, 3 ngày nước trên lưng. Trên đường hành quân, các đồng đội của ông thường phải đào củ riềng đâm nhỏ trộn với ruốc khô để làm thức ăn. Nhiều đồng chí còn dùng tre đan giỏ để làm giá đậu xanh ăn trên đường. Giao thừa năm 1967, lần đầu tiên cả đơn vị được lệnh ăn tết bằng ruốc khô với cơm mà không phải độn riềng rừng. Đặc biệt ở trạm giao liên trên đất bạn Lào, cả đơn vị như chết lặng vì lần đầu tiên trên đường Trường Sơn được nghe tiếng trẻ con khóc. Cả đơn vị mấy trăm người ngồi im phăng phắc để được tận hưởng tiếng khóc trong sương đêm một cách ngon lành.
Vào đến trạm giao liên thuộc khu 6 (khu vực miền Đông Nam bộ) năm 1967, lần đầu tiên tân binh Huỳnh Thiện Hùng nghe lại giọng miền Nam sau 12 năm xa cách. Ông đã khóc vì biết mình đã đặt chân lại đất quê nhà. Từ đó, ông hiểu được cảm giác của hai tiếng miền Nam ruột thịt...
Bóng cha bên đời
6 tháng tuổi ở với dì, 8 tuổi đi tập kết ra Bắc, sau 12 năm học ở các trường dành cho con em miền Nam trên đất Bắc, ông vượt Trường Sơn ngoài mục tiêu chiến đấu vì miền Nam còn cháy bỏng mong muốn được gặp lại gia đình. Trên đường hành quân, ông không ngờ lại gặp cha trên đất bạn Campuchia thuộc tỉnh Mundulkiri vào năm 1966. Lúc ấy, cha ông đã là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Còn ông sau nhiều tháng vượt đường Trường Sơn đã cạn sức. Hai cha con ôm nhau chưa vơi nỗi nhớ thì chia tay vì phải hành quân. Mãi đến năm 1970, ông xin phép đơn vị được về thăm cha và gia đình. Khi gặp được cha cũng là lúc Mỹ tiến hành trận càn Đông Dương. Hai cha con chạy càn trên đất bạn Campuchia cả tháng trời. Và đó cũng là thời gian dài nhất ông được sống bên cha.
Sau năm 1975, đất nước được giải phóng, ông về công tác tại Quân khu 7 với nhiều cương vị khác nhau. Cha ông, cụ Huỳnh Tấn Phát lại ngược ra Bắc để đảm nhận nhiệm vụ Phó thủ tướng rồi Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Giang sơn thu về một mối, mọi nhà sống yên vui trong hòa bình. Một lần nữa, ông không được ở bên cha. Ông nhận ra sự hy sinh của người lính Cụ Hồ cao cả đến nhường nào...
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065