Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng ta đã và đang triển khai đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn: “Tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên”. Nhân dịp kỷ niệm 87 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta lại có dịp tìm hiểu sâu thêm tư tưởng của Người về tự phê bình, phê bình trong Đảng và sự vận dụng quan điểm, tư tưởng đó vào công tác phê bình trên báo chí.
Ngay từ tháng 10-1947, sau hai năm nước nhà giành độc lập, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở vào giai đoạn phòng ngự rất khó khăn; trong bài: “Sửa đổi lối làm việc”, Bác đã chỉ ra bệnh “Sợ mất oai tín và thể diện mình, không dám tự phê bình”. Lại nói: Nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta.
Bác Hồ với các nhà báo - Ảnh: Tư liệu
Nói vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh không dám uống thuốc, để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết “cũng la lết quả dưa”.
Nói về từng người, nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào tự mình bỏ thuốc độc cho mình!”. Theo Bác, tự phê bình và phê bình phải thường xuyên. Người coi “thật thà tự phê bình và phê bình” là quy luật phát triển của Đảng. Và, để đạt được mục đích “trị bệnh cứu người”, tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, trọn một lòng vì dân vì nước, luôn coi báo chí vừa là vũ khí cách mạng, vừa là nghề nghiệp Người đeo đuổi suốt đời. Từ bài báo đầu tiên đăng trên tờ “Tin tức thuộc địa” năm 1919, đến bài báo cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” ký bút danh T.L đăng trên báo Nhân Dân ngày 1-6-1969, Hồ Chí Minh đã viết khoảng 2.000 bài báo với hơn một trăm bút danh. Người sáng lập nhiều tờ báo, trong đó có tờ Thanh Niên (21-6-1925), tạo nên mốc son đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Khi hoạt động ở nước ngoài, khi hoạt động bí mật, Người viết báo. Khi đã là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Người càng dành thời gian đọc báo, nhận xét báo, viết báo và chăm lo cho đội ngũ những người làm báo nhiều hơn. Bác luôn nhắc: mục đích đầu tiên và trên hết của nghề làm báo là sự xác thực. Sự thật là bản chất của báo chí. Trong bài giảng tại lớp chỉnh Đảng trung ương ngày 17-8-1953, Bác từng dạy: Nhà báo chân chính, hơn ai hết phải hiểu rõ nhiệm vụ cung cấp sự thật của mình cho người đọc “để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình”. Trong “Sửa đổi lối làm việc”, phần viết về “Chống thói ba hoa”, Bác nhấn mạnh: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”.
Gặp mặt các cơ quan báo chí đầu xuân - một trong những hoạt động định kỳ của lãnh đạo tỉnh - Ảnh: H.N
Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8-9-1962, Bác đã đặt ra tiêu chí cho việc đấu tranh phê bình trên báo chí: “Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung, không chịu trách nhiệm”. Quan điểm và tiêu chí phê bình trên báo mà Bác căn dặn tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam là vậy. Cũng cần nhớ lại, cách đó hơn chín năm về trước, ngày 17-8-1953, Bác đã lưu ý tới hiện tượng “đánh trống bỏ dùi”, khi báo chí đấu tranh với hiện tượng tiêu cực: “Từ khi Đảng và Chính phủ mở phong trào chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí bằng cách giáo dục, tự phê bình và phê bình, quần chúng đã biết phê bình, báo chí đã đăng những lời phê bình của quần chúng. Đó là một tiến bộ. Nhưng báo chí đăng rồi không kiểm tra, những cán bộ và địa phương bị phê bình thì cứ im lặng. Đó là một khuyết điểm cần sửa chữa”.
Nhân nói về lời Bác căn dặn nhà báo “Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách” và phê bình trên báo rồi thì phải “kiểm tra” xem người, hoặc địa phương được phê bình đã sửa chữa chưa, sửa chữa đến đâu..., tôi xin kể lại một chuyện được nghe tuy đã hơn 40 năm qua, tôi luôn lấy đó để tự răn mình trong nghề làm báo.
Vào một sáng tháng 5 năm 1971, nhà báo Thợ Rèn - người phụ trách chuyên mục “Nhỏ, to” trên báo Nhân Dân được mời đến nói chuyện nghề nghiệp với lớp Đại học báo chí (Khóa I). Chuyện nghề thì nhiều. Đầy hứng thú. Anh kể thêm những kỷ niệm, nói đúng hơn là những bài học anh nhận được từ Bác kính yêu. Anh kể, vụ thu hoạch lúa đông xuân năm 1967, Thợ Rèn đi về nhiều tỉnh vùng lúa để tìm hiểu, thu thập tài liệu, chọn lọc tư liệu viết bài (phê bình). Về Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam... anh được biết về một tiến bộ trong trang bị công cụ lao động rất đáng mừng. Đó là, nhiều địa phương đã mua máy tuốt lúa thay cho trục đá, năng suất cao, tiết kiệm sức lao động rất nhiều. Trong điều kiện “Tất cả cho tiền tuyến”, gần như toàn bộ nam thanh niên nông thôn đều đã lên đường ra mặt trận, tất cả việc đồng áng giao lại cho phụ nữ “Ba đảm đang”, thì việc đưa vào sử dụng một công cụ mới như máy tuốt lúa, thay cho người kéo trục đá nặng nề, chậm chạp, quả là một tiến bộ rất đáng khích lệ. Nhưng với linh cảm của một nhà báo chuyên trách mục phê bình, Thợ Rèn đã kịp phát hiện ra, bên cạnh những ưu điểm, máy tuốt lúa đã bộc lộ sự nguy hiểm của nó như một “con dao hai lưỡi”. Trục máy tuốt được thiết kế không có bộ phận che chắn. Người sử dụng là phụ nữ. Trục quay với vận tốc hơn ngàn vòng/phút. Không ít chị em đã bị máy cuốn cả tóc vào trục, lột da đầu. Rất đau lòng về thảm cảnh này, Thợ Rèn đã có bài phê bình, nhắc nhở trong mục “Nhỏ, to” trên báo Nhân Dân. Anh nghĩ, bổn phận nhà báo của anh như thế là đủ!
Anh không ngờ, ngay buổi chiều báo phát hành, đồng chí Hoàng Tùng, Tổng biên tập báo Nhân Dân thông báo: Bác cho gọi Thợ Rèn sang gặp. Do đồng chí Hoàng Tùng không nói rõ yêu cầu nội dung Bác cần gặp nên Thợ Rèn rất lo lắng. Vẻ mặt ưu tư, đượm buồn, nhưng Bác vẫn ôn tồn hỏi Thợ Rèn: Chú nắm chắc cho đến hôm nay, số các cháu gái bị máy tuốt lúa quấn tóc, bị thương ở các tỉnh, các hợp tác xã chứ? Thợ Rèn: Dạ, thưa Bác, cho đến hôm nay thì chưa ạ! Cháu từ các tỉnh về Hà Nội cách nay đã ba ngày. Bác hỏi: Thế cách đây ba ngày thì đã có bao nhiêu cháu gái bị nạn? Thợ Rèn lúng túng: Dạ, cháu chỉ nắm được hiện tượng này khá phổ biến, cần nhắc nhở. Chứ cụ thể bao nhiêu trường hợp, cháu nắm không chắc. Bác dặn: Chú về báo cáo với chú Hoàng Tùng, Bác đề nghị báo Nhân Dân liên hệ với lãnh đạo các tỉnh nắm thật chính xác số cháu gái không may gặp nạn, báo ngay cho Bác biết. Yêu cầu nhà máy cơ khí nghiên cứu lắp đặt ngay thiết bị bảo đảm an toàn. Không đầy một tuần sau, Thợ Rèn đã sang báo cáo Bác về danh sách, địa chỉ cụ thể của những trường hợp xã viên nữ bị thương do máy tuốt lúa. Bác hỏi: Chú và báo Nhân Dân sẽ tiếp tục làm gì để hạn chế bớt đau buồn cho các cháu gái này? Thợ Rèn thực sự lúng túng trước câu hỏi này của Bác. Anh cứ nghĩ, báo nhắc nhở phê bình những hiện tượng thiếu ý thức bảo vệ an toàn lao động, gây hậu quả xấu là để cảnh báo, còn việc sửa chữa những sai sót đó là trách nhiệm của cán bộ địa phương, chứ phóng viên, nhà báo làm gì được!? Biết Thợ Rèn chưa thể trả lời, Bác trầm ngâm, lắng đọng: Các cháu gái hiện phải gánh vác nhiều công việc rất nặng nề của hậu phương vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Nặng nề và gian khổ đến mấy thì phụ nữ cũng vẫn dành tình cảm, thời gian chăm sóc sắc đẹp của mình. Ông cha ta có câu: “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Đối với các cháu gái, mái tóc lại càng đáng quý. Do vậy, Bác đề nghị: Từ mối quan hệ rộng của báo Nhân Dân, các chú thử tìm và liên hệ xem có ngành nào, nhất là ngành mỹ thuật có thể làm được những mái tóc giả thật đẹp, cấp không cho các cháu gái bị thương?
Thợ Rèn nghẹn ngào, xúc động. Anh không thể ngờ, sự quan tâm và tình thương của Bác đối với từng hoàn cảnh của mỗi người dân lại gần gũi và cụ thể đến như vậy. Và anh cũng thấm thía trong đời làm báo một bài học vô giá: Nhà báo, dù viết biểu dương (để “xây”), hay phê bình (để “chống”) cũng đều phải “Chịu trách nhiệm đến cuối cùng” về kết quả bài viết của mình (tức là thật sự mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, đất nước). Báo chí mang trọng trách “Là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể” (Lênin). Phải chăng việc chịu trách nhiệm đến cùng vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và của đông đảo nhân dân lao động... chính là thực hiện chức năng “tổ chức tập thể”?
Trong dịp kỷ niệm 87 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm và phát biểu với những người làm báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản. Đồng chí tiếp tục khẳng định: Tính hấp dẫn của báo, tạp chí chính trị, nhất là báo Đảng chính là sự thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng sự thật một cách truyền cảm và có tính thuyết phục cao. Tìm ra bản chất sự thật là việc làm đầu tiên, vô cùng khó khăn của nghề báo. Có sự thật rồi, đòi hỏi nhà báo phải vững vàng về bản lĩnh chính trị, trình độ tay nghề thật sự tinh thông mới có thể làm nên bài báo có sức truyền cảm và tính thuyết phục cao, làm lay động lòng người. Mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí làm được như vậy cũng chính là đã tạo nên và vun đắp không ngừng nguồn sức mạnh, niềm tự hào của các cơ quan thông tin truyền thông dưới sự lãnh đạo của Đảng, tự đổi mới, thường xuyên tự “Trị bệnh cứu người” trong làng báo để ngày càng tươi trẻ trong niềm tin yêu của đông đảo bạn đọc, bạn nghe - xem đài.
Hoàng Lâm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065