BP - Thông qua diễn đàn “Doanh nghiệp đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2019” tổ chức ngày 22-1, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã kêu gọi sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa nhà nông - nhà nước - nhà đầu tư - nhà băng - nhà khoa học - nhà phân phối. Mục đích là để nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng nhanh, nông sản nước ta có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế... Đây là lời kêu gọi hết sức có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay, bởi từ ngày 14-1-2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Tham gia hiệp định, bên cạnh việc mở ra cơ hội phát triển lâu dài và bền vững cho ngành nông nghiệp nhưng cũng kéo theo không ít khó khăn, thách thức nếu “6 nhà” không tích cực vào cuộc và chung tay tháo gỡ vướng mắc.
Những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng và Nhà nước ban hành. Từ quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo, hành động, đồng hành với doanh nghiệp đến các Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi cùng nhiều nghị định về phát triển ngành nông nghiệp, nhất là Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cùng hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ đã tạo luồng gió mới đưa nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển. Theo đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Mặc dù đối mặt với hàng loạt khó khăn về thị trường nhưng sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu 244,72 tỷ USD của cả nước. Trong đó, Bình Phước góp phần không nhỏ trong việc cung ứng nhiều mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu cao, như: Cà phê 3,5 tỷ USD, tăng 1,2% (lượng tăng 20,1%); hạt điều 3,4 tỷ USD, tăng 6,2% về lượng; cao su 2,1 tỷ USD, tăng 14,5% về lượng và hạt tiêu 757 triệu USD, tăng 8,1% về lượng.
Tuy nhiên, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng bởi số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế. Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân là do thể chế thị trường chưa đủ mạnh và chưa thông suốt ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, dẫn đến doanh nghiệp khó tiếp cận các nguồn lực sản xuất, như đất đai và lao động ở nông thôn. Chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, như hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng, lao động, thị trường, đất đai đã có nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của nông dân và doanh nghiệp...
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, mong rằng các cơ quan quản lý nhà nước tích cực đồng hành với doanh nghiệp đầu tư cho phát triển nông nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhất là vấn đề thị trường; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, vốn vay của ngân hàng, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ... Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường quốc tế của doanh nghiệp nông nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp, đất đai là nhân tố quyết định việc thành bại, bởi không có đất thì doanh nghiệp không thể đầu tư. Do đó, Nhà nước cần xem xét, rà soát các quy định cho phép người dân, doanh nghiệp được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất để “dồn điền đổi thửa”, từ đó hình thành những cánh đồng mẫu lớn, đáp ứng kịp nhu cầu thị trường.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065