Bị thất bại trong cuộc hành quân lên Việt Bắc (năm 1947), thực dân Pháp buộc phải chuyển chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” sang đánh lâu dài, thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Việt”. Cuộc kháng chiến của quân và dân ta chuyển sang giai đoạn kháng chiến toàn diện. Tháng 1-1948, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương chuyển cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới: Phát triển dân quân, phát triển chiến tranh du kích, đồng thời tùy theo tình hình tập trung đánh vận động, tiêu diệt quân địch, tạo thế, tạo lực đẩy lùi và thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta, giành chủ động về chiến thuật tiến tới giành chủ động về chiến dịch, chiến lược. Về tác chiến, BTTM chỉ đạo các LLVT phát động du kích chiến, đẩy mạnh vận động chiến, đưa các đại đội độc lập, các đội vũ trang tuyên truyền, các ban xung phong công tác vào sâu trong lòng địch, gây cơ sở, phá tề, trừ gian, làm rối loạn hậu phương địch, góp phần làm thất bại chính sách “dùng người Việt trị người Việt” của quân Pháp.
Bộ đội ta đánh chiếm hầm Đờ Cát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Từ thực tế chiến trường trong giai đoạn này, BTTM đã nhanh chóng tổng kết, tham mưu đề xuất làm cơ sở để Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 6 (tháng 1-1949) xác định rõ chủ trương: “Cần mạnh bạo đẩy mạnh vận động chiến đi tới và khi có điều kiện thì kịp thời nâng vận động chiến lên vị trí quan trọng”. Thực hiện chủ trương này, BTTM khẩn trương xây dựng tổ chức lực lượng quân đội. Quyết định tổ chức 3 thứ quân, đề xuất phương án tổ chức biên chế các đại đoàn chủ lực thuộc Bộ và trung đoàn chủ lực thuộc liên khu, thành lập các Đại đoàn bộ binh chủ lực đầu tiên của Quân đội ta là Đại đoàn 308, 304.
Liên tiếp từ năm 1948 đến năm 1950, BTTM đã chỉ đạo mở gần 20 chiến dịch, trong đó có những chiến dịch tiêu biểu như: Chiến dịch Đông Bắc đánh địch trên Đường số 4; Chiến dịch Sông Thao phá phòng tuyến Bảo Hà-Bắc Cuông; Chiến dịch Lê Lợi phá âm mưu lập xứ Mường tự trị; Chiến dịch Lê Hồng Phong I ở Tây Bắc; Chiến dịch Lê Lai ở Quảng Bình; Chiến dịch Quảng Nam-Đà Nẵng; Chiến dịch Cầu Ngang Nam Bộ... tạo ra chuyển biến quan trọng của cuộc kháng chiến. Đặc biệt, tháng 6-1950, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới để tiêu diệt sinh lực địch, mở đường giao thông nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa, đồng thời mở rộng và củng cố Căn cứ địa Việt Bắc. Trong Chiến dịch Biên giới (16-9 đến 14-10-1950), BTTM đã giúp Bộ Tổng Tư lệnh chuẩn bị chiến trường, nắm địch chính xác, xác định đúng phương châm chiến dịch: “Đánh điểm, diệt viện”, có kế hoạch tác chiến phù hợp và đã góp phần tiêu diệt hoàn toàn hai Binh đoàn cơ động: Lơ Pa-giơ và Sác-tông, đẩy lui Binh đoàn Đờ La-bôm đến giải vây.
Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã tạo ra bước ngoặt cơ bản cho cuộc chiến tranh, buộc địch phải chuyển sang chiến lược phòng ngự; ta bắt đầu chuyển sang giai đoạn chủ động phản công và tiến công. Ngay sau Chiến thắng Biên giới, BTTM nhanh chóng chấn chỉnh bộ đội, đồng thời xây dựng kế hoạch mở liên tiếp các Chiến dịch: Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc... đánh vào Trung du, Đồng bằng Bắc Bộ, phá kế hoạch củng cố lực lượng và bình định đồng bằng của địch.
Bước sang Đông Xuân 1953-1954, trước âm mưu chiến lược của Pháp và Mỹ trong Kế hoạch Na-va; thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, BTTM đẩy mạnh xây dựng bộ đội chủ lực, tổ chức thêm các Đại đoàn: 320, 316, 325, Đại đoàn Công pháo 351, Trung đoàn Pháo cao xạ 367... chuẩn bị cho đánh tiêu diệt lớn quân địch.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954), BTTM đã huy động toàn lực tham gia chỉ đạo và chỉ huy, góp phần cùng các cơ quan, đơn vị và nhân dân ta hoàn thành mọi mặt chuẩn bị. Trong quá trình chiến đấu, BTTM chỉ đạo các đơn vị vận dụng sáng tạo nhiều hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm của địch trong một chiến dịch quy mô lớn dài ngày, xa căn cứ hậu phương và chỉ đạo các chiến trường toàn quốc phối hợp nhịp nhàng với Điện Biên Phủ.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam; thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Bộ Tổng chỉ huy và sự mưu lược, sáng tạo của cơ quan tham mưu chiến lược. BTTM từ chỗ còn ít kinh nghiệm đã phát triển, trưởng thành, hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ là một cơ quan tham mưu chiến lược của quân đội, của Đảng trong xây dựng LLVT ba thứ quân và tổ chức, chỉ huy tác chiến.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065