Dạo một vòng quanh khu tái định cư cùng tôi, chị Hà Cẩm Vân, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Gia Mập khẳng định: “Có được màu xanh này là do huyện đã hoàn thành các công trình hồ chứa nước, đầu tư cải tạo giếng khoan tập trung, đồng thời hướng dẫn bà con khu tái định cư nói riêng cũng như trong toàn huyện cách phát triển kinh tế bằng các loại cây ngắn ngày để phù hợp với điều kiện mùa khô và sự sụt giảm giá các mặt hàng nông sản hiện nay”.
Vốn ít lời cao
Nhìn giàn bầu, bí của gia đình anh Điểu Hanh treo trái lủng lẳng và vườn rau đủ loại xanh mượt, tôi cảm nhận rõ sức sống của vùng đất này đang từng ngày trỗi dậy mạnh mẽ. Gia đình anh Điểu Hanh, chị Thị Duyên là một trong 5 hộ dân thuộc dự án nhà điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Đắk Ơ. Dù mới về ở tháng 12-2019 nhưng anh Hanh đã trồng được vườn rau xanh phục vụ bữa ăn hằng ngày của gia đình. Anh Hanh cho biết: “Vợ chồng tôi được cấp một nhà ở diện tích 70m2. Ngoài đất làm sân thì còn khoảng 400m2 đất để tăng gia sản xuất. Tôi từng là bộ đội, có kiến thức trồng trọt nên trồng cây ngắn ngày để phát triển kinh tế. Gia đình đang làm đất, chuẩn bị phân bón và điều kiện cần thiết để xuống giống. Khu tái định cư nay đã được đầu tư cơ sở hạ tầng đầy đủ, đặc biệt là nguồn nước. Ngoài hồ nước lớn mới hoàn thành, còn hệ thống cấp nước sạch đến từng hộ. Bên cạnh đó, 5 hộ trong dự án nhà điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, trong đó có gia đình tôi cũng được đầu tư 2 giếng khoan. Có nhiều thuận lợi về nguồn nước nên 400m2 đất này, gia đình tôi sẽ liên tục luân canh tăng vụ”.
Mô hình trình diễn cây ngắn ngày của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Gia Mập và Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Việt Trang xây dựng để nông dân tham quan học tập
Có nhiều kinh nghiệm làm kinh tế nông nghiệp nên khi vườn tiêu bị chết, gia đình anh Phạm Văn Võ, đội 3, thôn 10, xã Đắk Ơ đã chuyển đổi sang trồng các loại cây khác, trong đó có 1 ha khoai sáp ruột vàng và 4 sào trồng bí xanh, bí đỏ. Anh Võ cho biết: “Khoai môn có thời gian trồng và thu hoạch khoảng 6 tháng. Tôi mua giống tại chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh, với giá 20 triệu đồng/tấn giống. 1kg giống trồng được 30-35 gốc. Khoai môn rất dễ trồng và dễ tiêu thụ. Hiện thương lái mua tận vườn với giá 22 ngàn đồng/kg. Bình quân 1 ha cho thu khoảng 650-700 triệu đồng/vụ. So với các loại cây lâu năm, trồng khoai môn nhàn và kinh tế hơn”.
2 năm qua, anh Võ còn trồng xen bí đỏ, bí xanh trong diện tích cây lâu năm chưa khép tán như mít, sầu riêng, bưởi da xanh. Thu hoạch mỗi vụ từ cây ngắn ngày cũng lời từ 30-35 triệu đồng/sào. Ở thôn 10, xã Đắk Ơ, nhiều hộ cũng đang chuyển đổi sang trồng các loại cây ngắn ngày, bởi đầu tư ít vốn mà thu lời cao.
Chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm
Ông Trần Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Gia Mập cho biết: Năm 2019, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện dần phục hồi. Diện tích cây lâu năm tăng. Tuy nhiên, giá các mặt hàng nông sản lại giảm sâu khiến đời sống kinh tế của đa số nông dân gặp khó khăn. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp huyện tuyên truyền bà con đẩy mạnh khai thác công năng quỹ đất, trồng cây ngắn ngày nói chung và cây lấy hạt nói riêng. Phòng phối hợp Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Trang Việt (chuyên cung cấp và thu mua hạt giống) xây dựng các mô hình trình diễn về các loại cây ngắn ngày, qua đó tổ chức hội thảo, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Công ty hỗ trợ nông dân về khoa học - kỹ thuật, hạt giống và cam kết bao tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con.
Trồng bầu xen trong vườn mít của gia đình anh Phạm Văn Võ ở thôn 10, xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) cho thu nhập cao
Hiện công ty mua với giá 420 ngàn đồng/kg hạt bí đỏ, 1 triệu đồng/kg hạt bí đao, 900 ngàn đồng/kg hạt dưa leo và 450 ngàn đồng/kg hạt khổ qua. Trong các loại cây ngắn ngày thì trồng dưa leo cho kinh tế cao hơn. Người trồng chỉ đầu tư ban đầu 7 triệu đồng, gồm tiền giàn cây, hệ thống tưới nước, bạt phủ nông nghiệp... nhưng sử dụng được 3 năm, tương đương 9 vụ. 1 sào dưa leo bình quân thu 70kg hạt/vụ, bán giá 900 ngàn đồng/kg, người trồng sẽ thu 63 triệu đồng/vụ. 1 năm trồng 3 vụ tương đương thu 189 triệu đồng, kinh tế gấp nhiều lần so với trồng điều và một số loại cây trồng khác. Ông Phùng Bá Luyến, |
Để đáp ứng nhu cầu nước tưới trong mùa khô, UBND huyện Bù Gia Mập đã khảo sát tình hình trong toàn huyện, qua đó ghi nhận 3 khu vực nguy cơ thiếu nước trong mùa khô gồm: 2 xã Bù Gia Mập, Đắk Ơ và Tiểu khu 119, thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa. UBND huyện đã triển khai các giải pháp tháo gỡ, cụ thể: Tại Tiểu khu 119, UBND huyện phối hợp Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 Quân khu 7 đầu tư 3 giếng khoan công nghiệp với tổng kinh phí 135 triệu đồng. Công trình đã hoàn thành, bàn giao cho 3 tổ dân cư trong tiểu khu có trách nhiệm quản lý, sử dụng; đẩy nhanh hoàn thiện các hạng mục xây dựng hồ, đập thủy lợi tại Dự án 33, khu tái định cư thuộc Tiểu khu 42, xã Đắk Ơ. Hiện hồ đã chứa nước, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Riêng tại xã Bù Gia Mập, công trình cấp nước sạch cho thôn Bù Rên được đầu tư năm 2013, hiện do Công ty TNHH MTV dịch vụ Thủy lợi Bình Phước quản lý, khai thác. Quá trình sử dụng lâu năm đến nay hồ nước đã bị bồi lắng dẫn đến thiếu nước vào mùa khô. Vì vậy, để đảm bảo nước sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân, mới đây, UBND huyện Bù Gia Mập kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV dịch vụ Thủy lợi Bình Phước cải tạo, nâng cấp hồ nước Bù Rên và đã được chấp thuận. Công trình sẽ sửa chữa, nâng cấp trong thời gian tới.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065