* Ảnh hưởng tích cực, tiêu cực của cơ chế thị trường với giáo dục:
Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa XI đã chỉ rõ: Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục và đào tạo. Vậy, tại sao phải chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường và phải bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chi phối ảnh hưởng tới toàn bộ các hoạt động của đất nước ta, trong đó có giáo dục và đào tạo. Thành công của quá trình đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động, năng lực của tổ chức, cá nhân trong việc chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường.
Học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Chơn Thành) trong giờ thể dục - Ảnh: H.L
Mặt tích cực của cơ chế thị trường là chú trọng giải quyết quan hệ cung/cầu; cạnh tranh, tạo động lực nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng hiệu quả đầu tư. Mặt tiêu cực của cơ chế thị trường trong giáo dục là chạy theo lợi nhuận tối đa, bỏ quên lợi ích lâu dài của người học, gây bức xúc xã hội. Trong khi đó, chức năng xã hội và vai trò quan trọng của giáo dục không cho phép biến giáo dục thành thị trường hàng hóa thông thường. Trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần vận dụng những yếu tố tích cực của kinh tế thị trường để phát triển giáo dục ở phạm vi và mức độ phù hợp. Ảnh hưởng của kinh tế thị trường đến giáo dục là đương nhiên, không nên kì thị, né tránh nhưng phải chủ động phát huy ưu thế, đồng thời làm tốt công tác quản lý, ngăn ngừa, hạn chế những mặt trái của kinh tế thị trường; khuyến khích đầu tư giáo dục không vì lợi nhuận.
* Định hướng xã hội chủ nghĩa trong giáo dục và đào tạo:
Theo quan điểm của Đảng ta, mục tiêu, nội dung giáo dục và đào tạo phải đảm bảo vì sự phát triển tốt đẹp của con người và xã hội. Để đạt được mục tiêu và nội dung này, Nghị quyết Trung ương 8 đã khẳng định nguồn lực nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư ngân sách cho giáo dục và đào tạo. Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục đối với mọi người dân; hỗ trợ, có chính sách phù hợp cho giáo dục phổ cập, giáo dục bắt buộc, giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng diện chính sách; thực hiện xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện cho giáo dục ngoài công lập phát triển.
Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương 8 cũng chỉ rõ nhiệm vụ mà ngành giáo dục - đào tạo phải nhanh chóng thực hiện trong thời gian tới và những năm tiếp theo là chủ động giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo. Nhà nước tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, của các chủ thể trong hoạt động giáo dục, đào tạo.
Nghị quyết cũng đề ra yêu cầu và mục tiêu hướng tới của nền giáo dục Việt Nam là xây dựng hệ thống giáo dục mở. Tức là hệ thống giáo dục linh hoạt, liên thông giữa các yếu tố: nội dung, phương pháp, phương thức, thời gian, không gian, chủ thể giáo dục… của hệ thống và liên thông với môi trường bên ngoài hệ thống. Tuy nhiên, hệ thống này phải bảo đảm tính sáng tạo cho việc xây dựng, tổ chức các nội dung, hình thức giáo dục; đồng thời tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người; tận dụng các nguồn lực cho giáo dục và bảo đảm tính hiệu quả, phát triển bền vững của hệ thống.
Nói cách khác, hệ thống giáo dục mở là hệ thống giáo dục tạo ra cơ hội phát triển chương trình giáo dục, tạo cơ hội học tập phù hợp cho mọi đối tượng có nhu cầu, không phân biệt lứa tuổi, trình độ học vấn và nghề nghiệp, địa vị xã hội, giới tính trong mọi thời gian khác nhau và không gian khác nhau. Nhờ đó, việc học tập của con người có điều kiện để thực hiện không ngừng suốt đời.
Nội dung nghị quyết đã chỉ rõ là cơ cấu hệ thống giáo dục phải góp phần đảm bảo quyền lợi học tập của người dân. Chất lượng giáo dục của mỗi cấp học phải đảm bảo đạt chuẩn quốc gia và tương ứng với chất lượng quốc tế, phát huy hiệu quả đầu tư giáo dục. Thực hiện quan điểm chỉ đạo của nghị quyết, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã xây dựng đề án phát triển giáo dục trong tình hình mới và khẳng định việc ổn định hệ thống giáo dục như hiện nay, tức 12 năm giáo dục phổ thông (GDPT). Lí do thứ nhất là trong lịch sử giáo dục Việt Nam, mô hình giáo dục 12 năm tồn tại lâu nhất và ổn định nhất (tính từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay, mô hình 12 năm đã tồn tại 32 năm trong phạm vi cả nước). Thứ hai là mô hình GDPT 12 năm đang được thực hiện ở đa số nước trên thế giới. Theo thống kê của UNESCO, có 163/206 nước, GDPT từ 12 năm trở lên (12 - 14 năm), chiếm tỉ lệ 79,1%; trong đó, hệ thống GDPT 12 năm là phổ biến nhất: 117 nước, chiếm tỉ lệ 56,8%.
Hơn nữa, việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hướng phát triển năng lực học sinh là xu thế quốc tế đã và đang được nhiều nước tiên tiến áp dụng. Định hướng này đòi hỏi phải gia tăng thời lượng cho việc tổ chức các hoạt động học tập, đặc biệt là hoạt động thực hành và vận dụng kiến thức. Vì vậy, Bộ Giáo dục - Đào tạo quyết định chọn phương án duy trì hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm.
ĐT
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065