Cây cam, quýt chiếm đa số trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế nông hộ ở Lộc Ninh. Với đặc điểm không kén đất nên từ năm 2010 trở lại đây, loại cây này được nông dân đầu tư phát triển về số lượng, chất lượng sản phẩm cũng từng bước được nâng lên. Từ hiệu quả kinh tế của cây cam, quýt mang lại nên đến nay, Lộc Ninh đã có nhiều tỷ phú nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Anh Phạm Văn Dũng ở ấp Hiệp Tâm A, xã Lộc Hiệp cho biết: Cây cam, quýt trồng được trên rất nhiều loại đất, kể cả đất pha cát. Điều quan trọng nông dân phải chủ động được nguồn nước tưới cây. Từ thổ nhưỡng, khí hậu đến nguồn nước ở Lộc Ninh đều rất thuận lợi cho loại cây này phát triển. Với hơn 2 ha cam, quýt, gia đình tôi thu lời nhập hơn 1 tỷ đồng.
Vườn bưởi đang cho thu hoạch của hộ ông Lâm Văn Dũng ở ấp 6, xã Lộc Thái
Hiện trên địa bàn huyện Lộc Ninh có hơn 421 ha cây cam, quýt, trong đó hơn 300 ha đang cho thu hoạch, năng suất khoảng 198 tạ/ha; năm 2019, toàn huyện có hơn 30 ha cam, quýt được trồng mới, chủ yếu tập trung ở các xã Lộc Hiệp, Lộc Tấn, Lộc Hưng và Lộc Thịnh với 272 ha và diện tích cho sản phẩm 210 ha.
Ngoài cam, quýt, năm nay tại huyện Lộc Ninh, cây mít phát triển nhanh về diện tích và sản lượng. Tổng diện tích mít toàn huyện hiện 232 ha (riêng xã Lộc Hòa hơn 91 ha), trong đó có hơn 120 ha mít cho thu hoạch ổn định. Theo tính toán, tổng lượng mít năm 2019 ước đạt hơn 360 triệu trái, giá trị thu nhập ước khoảng 40 tỷ đồng. Nhà nông Vũ Xuân Toán chia sẻ: Đối với giống mít Thái trong vườn mỗi năm thu hoạch 2 vụ, khoảng từ tháng 2-5 và từ tháng 8 đến tháng 11 dương lịch. Chăm sóc mít Thái rất dễ, tưới đủ nước và dinh dưỡng đầy đủ là cây khỏe, phát triển nhanh, năng suất cao, đặc biệt năm nay rất được thị trường ưa chuộng. Với khoảng 300 cây, mỗi cây thu hơn 200kg, tính giá trung bình 10.000 đồng/kg thì mỗi năm gia đình thu nhập trên 600 triệu đồng. Tôi còn tận dụng lá mít và trái non để làm thức ăn nuôi gần 40 con dê lai bách thảo, đồng thời lấy phân dê bón cho vườn cây.
Xác định để phát triển bền vững cây ăn trái theo chuỗi giá trị, thì việc tiên quyết là phải kết nối được doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia từ quá trình đầu tư đến thu hoạch. Trên địa bàn huyện hiện đã có doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ và đóng gói mít chín tại xã Lộc Hòa. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện cũng hỗ trợ thành lập 2 mô hình hợp tác xã, gồm: Hợp tác xã Tân Lộc Thạnh ở xã Lộc Thạnh và Hợp tác xã cây có múi xã Lộc Thái. Năm 2019, Hội Nông dân huyện phối hợp thực hiện dự án hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp, liên kết theo chuỗi trong xây dựng nông thôn mới và phối hợp Công ty Nguyên Khang tạo đầu ra cho sản phẩm xoài đưa đến tiêu thụ tại các siêu thị trên địa bàn các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... Ông Lê Khắc Phú, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh |
Đến nay, toàn huyện có tổng diện tích cây ăn trái hơn 1.450 ha, tăng hơn 100 ha so với cùng kỳ năm 2018, trong đó chủ yếu là cam, quýt, mít, bưởi, sầu riêng. Song song với phát triển mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, năm qua, Hội Nông dân huyện phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh tổ chức các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên, nông dân; hướng dẫn các hợp tác xã trồng cây ăn trái đăng ký và thực hiện sản xuất theo hướng VietGAP nhằm thực hiện chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016-2020”. Phối hợp Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức tập huấn, đồng thời chọn 4 hộ thực hiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ nano làm điểm để chăm sóc, thu hoạch và bảo quản trái cây nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Năm nay nhiều vườn xoài, nhãn, bưởi da xanh... luôn trĩu trái mang lại mùa xuân ấm no cho người nông dân. Cùng với đó là cơ chế, chính sách ưu đãi, sự quan tâm đầu tư về tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu cũng như sự nỗ lực, thay đổi tư duy trong sản xuất của nông dân, tin tưởng rằng cây ăn trái sẽ là điểm nhấn trong cơ cấu cây trồng của huyện Lộc Ninh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065