Phát huy thế mạnh từng huyện, thị
Thời gian qua, Chính phủ và các cấp chính quyền đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Trong đó có việc hỗ trợ thành lập CCN tại các huyện, thị xã, tạo quỹ đất giúp doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất. Tuy nhiên, việc hình thành, phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh đang gặp một số khó khăn do bị động trong quy hoạch; quy hoạch chưa sát với nhu cầu thực tiễn, diễn biến nhu cầu đầu tư; thiếu cơ chế đủ mạnh trong hỗ trợ tài chính đầu tư hạ tầng...
Cụm công nghiệp Hà Mỵ (Đồng Phú) là cụm công nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh đang hoạt động với 5 nhà đầu tư thứ cấp
Năm 2012, tỉnh quy hoạch 33 CCN rải rác ở các huyện, thị xã với tổng diện tích 1.244 ha. Thời điểm hiện tại chỉ có CCN Hà Mỵ đang hoạt động với 5 nhà đầu tư thứ cấp. Còn CCN Mỹ Lệ được đầu tư sơ bộ về cơ sở hạ tầng giao thông, nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư thứ cấp và UBND tỉnh đã chấp thuận cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc phát triển CCN trên địa bàn tỉnh chậm đã ảnh hưởng đến quảng bá và xúc tiến đầu tư. Hạ tầng trong CCN do các nhà đầu tư sơ cấp thuê đất và tự thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng theo hình thức cuốn chiếu, làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hút đầu tư.
Đề án quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 nhằm tạo sự cân đối trong phát triển công nghiệp giữa các huyện, thị xã và phát huy thế mạnh của từng địa phương. Đây cũng là cơ sở quản lý hiệu quả từ tỉnh đến huyện, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu dân cư tập trung. Do đó, việc kêu gọi đầu tư và kinh doanh hạ tầng CCN có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển CCN ở Bình Phước. Muốn vậy, phải cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Trong đó, việc chọn nhà đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng CCN có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý hạ tầng, có mối quan hệ khách hàng rộng là điều kiện tiên quyết quyết định đến kết quả, hiệu quả hoạt động của CCN sau này.
Tỉnh đang định hướng dài hạn để lựa chọn các nhà đầu tư sơ cấp đầu tư có trọng điểm vào các ngành nghề, lĩnh vực và sản phẩm thế mạnh, như công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, đề án quy hoạch lần này có nhiều sự điều chỉnh so với quy hoạch năm 2012, đặc biệt về vị trí, quy mô, số lượng CCN và công năng dự kiến cho từng cụm.
Tuy nhiên, việc phát triển CCN trên địa bàn tỉnh cần phải khai thác hiệu quả các lợi thế về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên, lao động. Trong đó ưu tiên CCN có quy mô hợp lý, phục vụ nhu cầu di dời và mở rộng mặt bằng sản xuất để phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại khu vực nông thôn, làm nền tảng phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời phải đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, phát triển công nghiệp hợp lý giữa các huyện, thị xã.
Tập trung phát triển sản phẩm thế mạnh
Theo quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2030, toàn tỉnh có 35 CCN nằm trên địa bàn 11 huyện, thị xã với tổng diện tích 1.295,17 ha. Riêng giai đoạn đến năm 2020 và xuyên suốt đến năm 2025, duy trì 22 CCN với tổng diện tích 583 ha. 35 CCN được phân kỳ đầu tư 3 giai đoạn: Trước năm 2015 triển khai 1 CCN; giai đoạn đến năm 2020 và xuyên suốt đến 2025 triển khai 22 CCN; giai đoạn 2026-2030 triển khai 13 CCN. Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng và sản xuất toàn kỳ là 6.550 tỷ đồng. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, đưa tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN đạt 90% diện tích đất công nghiệp.
Tỉnh cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp phải bảo đảm được vai trò và thế mạnh đóng góp của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Ưu tiên các ngành hàng chủ lực, mũi nhọn và khuyến khích đầu tư sản xuất sản phẩm nông sản chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và giá trị xuất khẩu lớn. Trong đó tập trung các ngành, nghề, sản phẩm thế mạnh của địa phương. Đồng thời khuyến khích sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic, kim loại đúc sẵn; sản xuất sản phẩm điện tử và bộ phận cho động cơ xe; dệt, may mặc...
Tại hội nghị công bố quy hoạch phát triển các CCN diễn ra ngày 21-3 vừa qua, đại diện các sở, ngành và UBND các huyện, xã, thị trấn đề nghị, Sở Công Thương nhanh chóng phối hợp các đơn vị liên quan triển khai xác định ranh giới cắm mốc, bàn giao cho địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý. Hy vọng, cùng với các cơ chế, chính sách, việc quy hoạch phát triển các CCN sẽ đảm bảo mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của tỉnh.
N.Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065