Ngày 9-11-2012, trong phiên họp toàn thể tại hội trường thảo luận về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Bùi Mạnh Hùng đã phát biểu đóng góp ý kiến để hoàn thiện cơ chế giám sát và tăng cường vai trò, trách nhiệm của xã hội trong việc phòng, chống tham nhũng để đảm bảo tính khả thi của dự án luật.
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (tỉnh Bình Phước) cho rằng dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng do Chính phủ trình, dự thảo lần này vẫn còn thiếu cơ chế giám sát đủ mạnh nhằm tạo ra một động lực để cho các quy định của luật được vận hành tích cực trong cuộc sống.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng phát biểu tại buổi thảo luận
Do đó để luật này thực sự đi vào cuộc sống thì ngoài sự tăng cường lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của ban Phòng, chống tham nhũng Trung ương, song không thể thiếu một cơ chế giám sát của quần chúng, của dư luận, của báo chí. Thực tiễn cuộc sống đã chứng minh, chính quần chúng nhân dân và báo chí là trợ thủ đắc lực trong việc phát hiện các hành vi tham nhũng trong thời gian vừa qua. Cũng chính dư luận quần chúng và báo chí đã làm áp lực cho việc thực thi các biện pháp phòng, chống tham nhũng phải được vận hành một cách tích cực và có những kết quả cuối cùng.
Về phạm vi sửa đổi, dự thảo luật vẫn giữ nguyên Chương VI quy định về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong việc phòng, chống tham nhũng. Về vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức thành viên, về vai trò của báo chí, vai trò của các hội nghề nghiệp, vai trò của công dân, Ban Thanh tra nhân dân... dự án luật (sửa đổi) chỉ bổ sung khoản 4 Điều 99 như sau: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp nội dung thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.
Như vậy, khoản bổ sung này đã không tạo điều kiện và phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà còn quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc cung cấp các thông tin tài liệu liên quan của báo chí để cho cơ quan thi hành pháp luật, như một cách để hạn chế hoạt động báo chí trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Sửa đổi như vậy là chưa đầy đủ, chưa thỏa đáng và hình thức và thực sự chưa khuyến khích báo chí. Do đó, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi chương VI theo hướng phát huy vai trò của báo chí, quy định một cách cụ thể cơ chế để báo chí thực hiện chức năng, nhiệm vụ và vai trò của mình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Mặt khác, trong từng điều, khoản, từng chế định của dự án luật cần quy định cơ chế thích hợp, cụ thể và thuận tiện để quần chúng và báo chí giám sát. Chúng ta quy định về việc kê khai tài sản, công khai thu nhập của cán bộ; đồng thời phải quy định luôn cơ chế, quy trình, thủ tục và tạo các điều kiện để quần chúng và báo chí được tiếp cận thông tin, kiểm chứng và việc thực hiện quyền giám sát. Nếu không quy định rõ thì người dân có phát hiện tham nhũng cũng không thể kiến nghị, không dám kiến nghị và muốn kiến nghị cũng không biết kiến nghị đến đâu, với tổ chức, cá nhân nào? Kinh nghiệm cho thấy, việc quy định một cách rõ ràng và cơ chế giám sát của quần chúng, của dư luận, của báo chí ở từng công đoạn phòng, phát hiện, điều tra xử lý hành vi tham nhũng thì vừa phát huy được vai trò của quần chúng, của báo chí, vừa tạo được động lực để luật đi vào cuộc sống, vừa hạn chế, khắc phục được những biểu hiện tiêu cực của dư luận, của báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng. Cùng với việc phát huy vai trò của quần chúng, của báo chí, cần quy định cụ thể ngay trong dự án luật này cơ chế bảo vệ những người tham gia phòng, chống tham nhũng và cũng có quy định khen thưởng thật cụ thể đối với người dân và phóng viên làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng.
Trên tinh thần nghị quyết Trung ương 5, Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ phát huy tích cực trong cuộc sống và sẽ đáp ứng được sự mong đợi của cử tri cả nước. Nói đến vai trò của Đảng, vai trò của báo chí đối với phòng, chống tham nhũng, chúng ta cùng nhớ lại các bài báo của tác giả NVL trong thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới đăng trên báo Nhân dân. Những bài báo chân thực, tinh thần phê và tự phê mạnh mẽ đã được dư luận đồng tình, hưởng ứng, đã nâng cao được uy tín của Đảng, của Nhà nước trong công cuộc đổi mới, đấu tranh chống quan liêu, bao cấp, chống tham nhũng, đưa công cuộc đổi mới thành công tốt đẹp. Với mong muốn đó, những sửa đổi của Luật Phòng, chống tham nhũng lần này sẽ đặt nền móng cho báo chí, cho quần chúng phát huy đúng mức vai trò của mình.
Phát biểu của đại biểu Bùi Mạnh Hùng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các vị Đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh sửa lần cuối trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua Dự án luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại phiên họp sáng 23-11-2012 trước ngày bế mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII.
Vũ Ngọc Long
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065