>> Bài 1: Thực hiện tốt chính sách với già làng, người uy tín
GIÀ LÀNG, NGƯỜI UY TÍN NÓI DÂN NGHE, LÀM DÂN TIN
BP - Già làng, người uy tín có ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng khu dân cư. Họ có khả năng tác động, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng và xã hội; được người dân tín nhiệm bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tranh thủ ý kiến và làm theo. Bản thân và gia đình mỗi già làng, người uy tín luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định nơi cư trú và là tấm gương để cộng đồng noi theo.
“Bảo bối” của công tác hòa giải cơ sở
Địa bàn sinh sống của người uy tín, già làng chủ yếu tập trung ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; trình độ văn hóa, chuyên môn còn hạn chế. Khả năng đọc, viết của một số người uy tín, già làng yếu, thậm chí có người không biết chữ. Nhưng bằng uy tín và kinh nghiệm, các già làng đã góp phần không nhỏ trong việc vận động nhân dân tuân thủ pháp luật. Họ trở thành những “hòa giải viên” khá linh hoạt, tạo được niềm tin trong đồng bào DTTS. Nhiều trường hợp con cãi cha mẹ, hàng xóm mâu thuẫn hay xảy ra nạn trộm cắp mủ cao su, hái trộm điều, cà phê... đã được người uy tín, già làng phân xử ổn thỏa. Tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, vận động cha mẹ cho trẻ trong độ tuổi đi tiêm chủng, chống bỏ học giữa chừng cũng cậy đến họ...
Già làng Điểu Nông (bìa trái) ở xã An Khương, Hớn Quản động viên con cháu làm ăn, vừa có kinh tế vừa có sức khỏe
Ở tuổi 77, trải qua 38 năm làm Trưởng thôn Khắc Khoan và hiện là Chủ tịch Hội đồng già làng xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) nên trong thôn hiếm người có thể “qua mặt” được già làng Điểu Nhơn về “công tác dân vận”. Nhanh nhẹn và minh mẫn là cảm nhận về già làng của những ai tiếp xúc với ông. “Vợ chồng nào đánh nhau, mình tìm đến khuyên can, nói cho họ hiểu về tác hại của việc mất đoàn kết trong gia đình. Đứa trẻ nào bỏ học, mình tâm sự với cha mẹ chúng và khuyên nhủ đứa trẻ để gia đình họ hiểu học mới giúp thoát nghèo và cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng khó nhất vẫn là khuyên giải tranh chấp đất đai, nhà cửa. Nhiều lần mình đến còn bị nạt nộ, đuổi về nhưng vẫn kiên trì giảng giải điều hơn, lẽ thiệt. Phải cho đồng bào mình biết làm cái tốt, tránh cái xấu. Chỉ đến khi nào hết khả năng mình mới báo chính quyền nhờ giải quyết” - ông Điểu Nhơn chia sẻ.
Ở ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) có 85% số dân là đồng bào dân tộc S’tiêng và tất thảy đều coi “quan tòa” Điểu Xết là người thân. Với uy tín của mình trong đồng bào, ông đã hóa giải hầu hết các vụ mất an ninh trật tự, gia đình bất hòa trong ấp. Ông nói: “Ở đâu đánh nhau, gây rối là tôi đến, nói tới đâu là êm tới đó. Không phải họ sợ mà vì mình biết nói ngọt, nói đàng hoàng, phân tích đúng sai. Mình cũng rất cảm ơn người dân trong ấp vẫn tin tưởng mình. Bởi nếu mình xấu, họ đâu để mình tồn tại làm việc “vác tù và” đến bây giờ. Mình biết bà con quý mến nên sẽ làm việc thôn, việc xã đến khi nào không còn sức khỏe mới thôi”. Bà Thị Nát - vợ ông, ngồi bên xác nhận: “Tiền phụ cấp chẳng đủ xăng xe, uống ấm trà nhưng ông luôn sẵn sàng có mặt kịp thời, chỗ thì đánh nhau, nơi thì học sinh bỏ học...”.
Phát huy bản sắc văn hóa và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
Ông Maly Phước, Trưởng ban Dân tộc tỉnh nhận xét: “Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp và ban, ngành hữu quan đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Hiện nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã khôi phục được lễ hội phá bàu, mừng lúa mới, khôi phục phát triển nghề dệt thổ cẩm, những món ăn đặc trưng dân tộc, các làn điệu dân ca, cồng chiêng, thành lập đội văn nghệ dân tộc... Cùng với đó, già làng, người uy tín khá am hiểu các phong tục, tập quán trong vùng đồng bào DTTS đã có những đóng góp không nhỏ trong việc vận động nhân dân khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”...
Ấp 4, xã An Khương (Hớn Quản) có 138 hộ nhưng chỉ 1 hộ người Kinh, còn lại là đồng bào S’tiêng. Vì vậy, bản sắc riêng của đồng bào bản địa ở đây rất đậm nét và góp công không nhỏ để gìn giữ, phát huy phải kể đến già làng Thị Chanh. Bà đã hăng hái mở lớp dạy dệt thổ cẩm cho chị em, con cháu trong ấp. “Tôi luôn mong muốn phụ nữ S’tiêng rành phong tục tập quán, biết dệt thổ cẩm, đan gùi, múa hát nên đã tận tình dạy lại. An Khương là xã vùng sâu, xa, đời sống tinh thần người dân còn nghèo nàn nên khi xã thành lập Câu lạc bộ cồng chiêng, tôi lại tập hợp phụ nữ đến nhà văn hóa ấp để luyện tập. Điều đó trở thành món ăn tinh thần và giúp chị em xích lại gần nhau, từ đó hăng say lao động hơn” - già làng Thị Chanh vui vẻ chia sẻ.
Bên cạnh giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng thì các già làng, người uy tín cũng rất quan tâm vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới, xóa bỏ hủ tục trả của, đòi lễ trong cưới hỏi, cưới tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS. Khoảng 30% người có uy tín, già làng trên địa bàn tỉnh tham gia công tác đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở như: đại biểu HĐND xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn ấp, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận và các đoàn thể, tổ trưởng tổ an ninh...
Tích cực xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới
Dù đã qua 77 mùa rẫy nhưng hằng ngày già làng Điểu Nhơn ở xã Phú Nghĩa vẫn làm việc như các thành viên khác trong gia đình. Thu nhập từ 6 ha điều cùng ruộng lúa nước mà kinh tế gia đình luôn khá giả, uy tín của già tăng cao. Già làng Điểu Nhơn nói: “Phải siêng năng thì mới khỏe mạnh và có nguồn thu nhập ổn định. Mình có kinh tế không chỉ cải thiện thu nhập, thoát nghèo mà nói dân tin. Cũng vì thế, nghe gia đình nào bán, cầm cố đất hoặc vay lãi để tiêu xài là cái bụng mình không ưng, lại phải tìm cách khuyên nhủ, nói điều hơn, lẽ thiệt”.
Sự bứt phá để trở thành tỷ phú của già làng Điểu Nông ở ấp 1, xã nghèo An Khương rất đáng nể phục. Nhờ chăm chỉ làm ăn mà già làng Điểu Nông không chỉ thành hộ giàu của xã mà còn là người uy tín ở nơi có trên 50% đồng bào S’tiêng sinh sống. Ông giàu có nhưng sống rất mộc mạc, gần gũi với người dân. Sau khi học hỏi từ các lớp tập huấn nông nghiệp do xã mở, ông luôn nhiệt tình hướng dẫn người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tư duy đổi mới, già Điểu Nông gặt hái được khá nhiều thành quả mà nhiều người phải mơ ước; đồng thời là bằng chứng thuyết phục các gia đình S’tiêng trong ấp phát triển kinh tế.
Thông qua phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhiều già làng, người uy tín giúp nhân dân vốn, cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm thường xuyên. Ngoài ông Điểu Kem (1963, xã Long Hà, huyện Phú Riềng) còn có rất nhiều già làng, người uy tín khác, như người uy tín Chang Srây Đơ, xã Quang Minh, huyện Chơn Thành; già làng Điểu Khinh, xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng; ông Điểu Thành, xã An Phú, huyện Hớn Quản; ông Điểu Chon, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng... Qua tinh thần tương trợ, hàng trăm hộ đồng bào các DTTS vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh. Thực hiện phong trào “Toàn dân tích cực xây dựng nông thôn mới”, người uy tín, già làng cũng góp sức lớn vào hoạt động xã hội hóa như: hiến đất và góp ngày công làm đường, làm trường học, nhà văn hóa, đóng góp kéo điện về khu dân cư... Để xây Trường tiểu học Long Hà C, làm nhà văn hóa, sân bóng chuyền và bóng đá, riêng ông Điểu Kem hiến hơn 1 ha đất sát nhà, mặt tiền rộng hơn 30m. Thấy sân bóng chưa đẹp, mặt bằng gồ ghề, ông bỏ hơn 20 triệu đồng và vận động một số hộ có điều kiện trong thôn đổ bê tông. Ngoài ra, gia đình ông còn đóng góp 50 triệu đồng hỗ trợ xây tường và sửa chữa nhà văn hóa thôn.
Thực tế hoạt động của già làng, người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã và đang là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Họ thực sự là “cánh tay nối dài” của Đảng, chính quyền trong tiến trình xây dựng quê hương Bình Phước ngày càng giàu đẹp.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065