BP - Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới, có 41 thành phần dân tộc anh em cùng chung sống. Vì thế, phát huy vai trò già làng, người uy tín trong cộng đồng luôn được hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm. Bằng uy tín, trách nhiệm và sự nhiệt tình, các già làng, người uy tín đã trở thành cầu nối giữa Đảng với nhân dân; giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo sự ổn định về an ninh trật tự; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH VỚI GIÀ LÀNG, NGƯỜI UY TÍN
Nhiều năm qua, các cấp chính quyền trong tỉnh luôn chú trọng quan tâm đến người uy tín, già làng; đồng thời thực hiện đầy đủ chính sách dành cho đối tượng này. Hằng năm, tỉnh đều lựa chọn đại biểu dự lễ tuyên dương người uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc. Những việc làm thiết thực đó đã và đang tạo động lực lớn cho già làng, người uy tín nỗ lực cống hiến nhiều hơn vì cộng đồng.
Tạo điều kiện tốt nhất để người uy tín tiếp cận thông tin
Bình Phước hiện có 375 người uy tín, già làng tiêu biểu xuất sắc và đội ngũ này tăng dần qua các năm. Năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt 349 người; năm 2017 tăng lên 351 người. Người uy tín, già làng ở Bình Phước chủ yếu thuộc 6 dân tộc chính: S’tiêng, Khơme, Mơnông, Tày, Nùng và Hoa.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng tặng quà các già làng nhân dịp họp mặt đầu năm 2017
Mỗi dịp tết đến xuân về, với người uy tín, già làng, niềm vui càng tăng thêm khi lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh tổ chức gặp mặt. Ngoài phổ biến, cung cấp thông tin tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác dân tộc và thực hiện chính sách đối với người uy tín, lãnh đạo tỉnh còn lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của họ để thực hiện tốt hơn, sát thực tế về chính sách dân tộc. Song song đó, UBND các huyện, thị xã cũng phối hợp UBMTTQVN cùng cấp tổ chức các buổi gặp mặt, nói chuyện, trao đổi với người uy tín, già làng, trưởng thôn, ấp và chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn. Từ tháng 1-2016 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 91 cuộc cung cấp thông tin cho 407 già làng, người uy tín. Chính quyền và tổ chức đoàn thể các cấp đã lồng ghép dưới nhiều hình thức để truyền tải thông tin đến người uy tín, già làng cấp xã thông qua cuộc họp khu dân cư, đài phát thanh, qua các tổ chức hội, đoàn thể cơ sở...; phối hợp Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh tỉnh thông tin thời sự cho 305 vị chức sắc tôn giáo, già làng, người uy tín trong đồng bào DTTS.
Để cập nhật kiến thức pháp luật, chính sách dân tộc, kỹ năng tuyên truyền vận động cho người uy tín, già làng, Ban Dân tộc tỉnh và các huyện, thị xã đã tổ chức 29 hội nghị tập huấn, 14 chuyến tham quan học tập kinh nghiệm cho 364 lượt người uy tín trên địa bàn, trong đó 9 chuyến tham quan trong tỉnh và 5 chuyến ngoài tỉnh.
Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS, ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố, bán đất, vay tiền với lãi suất cao, Ban Dân tộc tỉnh đã in và phát 10 ngàn tờ rơi, 349 cuốn tài liệu... làm cẩm nang cho già làng, người uy tín trong vận động, tuyên truyền. Người có uy tín và già làng cũng được cấp Báo Bình Phước thường kỳ, Tin ảnh dân tộc Bình Phước, Báo Dân tộc và Phát triển, Bản tin DTTS và miền núi của Ban Dân tộc.
Ông Điểu Điều, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết: “Sự quan tâm hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần cũng như nhiều chính sách hỗ trợ của các cấp, ngành đã động viên, khích lệ rất lớn già làng, người uy tín. Nhiều già làng, người uy tín đảm nhiệm chức vụ bí thư chi bộ, trưởng thôn, công tác mặt trận... được cung cấp thông tin đã nắm bắt kịp thời tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương, chính sách, pháp luật nói chung và chính sách dân tộc nói riêng. Từ đó đã nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của bản thân trong tuyên truyền, vận động đồng bào tại cộng đồng, tích cực tham gia các hoạt động ở thôn, ấp”.
Hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần
Tết Nguyên đán hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã đều phối hợp với các đơn vị chức năng cùng cấp tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà già làng, người uy tín. Tết Nguyên đán 2018, cấp tỉnh đã hỏi thăm 30 già làng, 40 người uy tín tiêu biểu; 8 lượt người uy tín ốm đau, gặp khó khăn do thiên tai...; UBND các cấp hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần 1.131 lượt người uy tín; thăm hỏi, hỗ trợ vật chất 115 người uy tín ốm đau, gia đình người uy tín gặp khó khăn. Hằng năm, Ban Dân tộc phối hợp Ủy ban Dân tộc thăm, tặng quà tết Nguyên đán, tết DTTS cho người uy tín ở các huyện, thị xã... Tiếp đón, cung cấp thông tin cho 225 người uy tín ở 7 tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Để các già làng làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, nhiều năm qua, già làng, người uy tín được các huyện, thị xã hỗ trợ xăng xe, bảo hiểm y tế.
Già làng Điểu Lôn ở xã Đồng Nai (Bù Đăng) tích cực vận động con cháu thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước
Ông Điểu Mun, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập cho biết: “Hằng năm, xã, huyện đều tổ chức các hội nghị biểu dương, động viên già làng, người uy tín tiêu biểu trong các khu dân cư. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ già làng, người uy tín, cung cấp thông tin về tình hình thời sự chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là chính sách đối với đồng bào DTTS, về những âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng nên chúng tôi hiểu và tuyên truyền, giải thích cho bà con không nghe xúi giục làm điều xấu”.
Vấn đề mà Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh trăn trở là trình độ của nhiều già làng, người uy tín còn hạn chế, thậm chí có người không biết chữ dẫn đến hiệu quả tuyên truyền thấp. Bên cạnh đó, chính quyền nhiều nơi còn chưa phối hợp tích cực với đội ngũ này, gây lãng phí, hạn chế sự phát triển ở vùng khó khăn, tập trung đồng bào DTTS của tỉnh. Vì thế, phải có sự phối hợp đồng bộ trong hệ thống chính trị, nhất là tuyến cơ sở; quan tâm, tạo điều kiện để già làng, người uy tín phát huy năng lực, sở trường trong hoạt động cộng đồng. Đây là cơ sở quan trọng để phát huy tốt vai trò của đội ngũ già làng, người uy tín, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065