Lộc Hòa (Lộc Ninh) là xã biên giới, có tới 41,3% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây cũng là xã vùng sâu, xa còn rất nhiều khó khăn. 36 già làng không chỉ là 36 cầu nối giữa đảng ủy, chính quyền xã với 2.246 người dân tộc Xêtiêng trong xã mà còn là những tấm gương cho nhân dân vay vốn, mượn trâu, nghé... phát triển kinh tế. Nhờ già làng mà tình đoàn kết trong cộng đồng càng thêm thắt chặt; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực hiện tốt. Đặc biệt, công cuộc xóa đói giảm nghèo và toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã phát huy hiệu quả. Phát huy tốt vai trò của già làng đang là kinh nghiệm hay ở xã biên giới Lộc Hòa.
Gần gũi với mọi người, qua đó già làng Điểu Khơi (bên phải) vận động đồng bào giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc
KHÔNG MUỐN MANG TIẾNG XẤU CHO NGƯỜI XÊTIÊNG
Già làng Điểu Hum ở ấp 8B chia sẻ: “Tôi làm già làng từ năm 1985 đến nay. Không chỉ vận động người dân giúp nhau, gia đình tôi còn thường xuyên cho người nghèo mượn lúa, tiền không lấy lãi, đến vụ thu hoạch mới thu vốn. Giúp bà con thoát nghèo, tôi còn cho họ mượn cả heo, bò về nuôi để gây giống. Tôi cũng luôn vận động họ không trông chờ, ỷ lại mà phải chăm chỉ làm ăn. Thấy ai nghèo mà đi xin ăn là tôi không chịu đâu, không để mang tiếng xấu cho người Xêtiêng”.
Từng tham gia cứu thương, tải đạn từ năm 1960 đến giải phóng miền Nam, sau đó có thời gian làm chủ nhiệm hợp tác xã ở Lộc Hòa nên già làng Điểu Hum học được nhiều kinh nghiệm từ người Kinh. Ngoài trồng lúa, gia đình ông còn trồng tiêu, cao su, điều. 5 ha cây công nghiệp chủ lực đã giúp gia đình ông có của ăn của để và giúp nhiều bà con nghèo trong ấp 8B vươn lên.
Cùng với già làng Điểu Hum còn có già làng Điểu Ngân, Điểu Vem đã khuyến khích nhiều hộ dân đến nhà mình mua dây tiêu giống, khi nào có thu hoạch mới phải trả tiền. 10 năm trở lại đây, các già làng như Điểu Hum, Điểu Pe, Điểu Riêng, Điểu Mía đã giúp người nghèo ở Lộc Hòa gần 20 con bò, trâu giống, 120 thùng lúa giống, gần 100 triệu đồng vốn không lãi...
“NÓI ĐÚNG, NÓI THẬT NÊN BÀ CON TIN”
Đó chính là những đúc kết của già làng Điểu Khởi sau những tháng ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền vận động. Ông khỏe khoắn, nhanh nhẹn hơn nhiều so với tuổi 63. Nói năng khá hoạt bát nên ông rất tích cực tham gia công tác xã hội, tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Già làng Điểu Khởi cũng quan tâm, giáo dục thế hệ trẻ chăm chỉ lao động, học tập thành người có ích, đặc biệt là không vi phạm luật giao thông, an ninh biên giới.
Ông tâm sự: “Tôi vận động bà con phát huy bản sắc văn hóa để mỗi dịp lễ hội, tiếng cồng chiêng, tiếng hát dân ca Xêtiêng lại ngân vang. Hiện nay, cả xã có 40 bộ cồng chiêng được giữ gìn. Đặt lợi ích của bà con lên trên, chỉ cho lớp trẻ thấy cái hay, cái dở, nói đúng, nói thật nên đồng bào tin lời tôi”.
Ông Điểu Ven, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Hòa: Các già làng đã tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao ý thức phòng chống tội phạm, không sang Campuchia buôn lậu; giáo dục con em, người thân trong gia đình, họ tộc của mình chăm chỉ lao động, giữ gìn phong tục tập quán, bản sắc dân tộc, không nghe kẻ xấu xúi giục, thực hiện tốt quy ước, hương ước của ấp. Các già làng đã tích cực gìn giữ an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội ở Lộc Hòa.
|
Tạo được uy tín trong cộng đồng, tiếng nói của già làng ở xã Lộc Hòa có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của đồng bào DTTS. Hiểu rõ tầm quan trọng này nên Đảng ủy, chính quyền xã Lộc Hòa luôn phối hợp với già làng để làm công tác dân vận. Từ đó, nhiều năm trở lại đây, ở Lộc Hòa 100% trẻ em đến trường đúng độ tuổi, không có học sinh bỏ học. Mỗi tổ, ấp đều có già làng làm thành viên tổ hòa giải. 10 năm trở lại đây, đã có hơn 200 vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, trong đó có lấn chiếm đất đai, mê tín ma lai, bùa ngải... đã hòa giải thành.
Bằng sự tận tâm, các già làng đã khéo léo làm cho mọi người thấy mình có cuộc sống như hôm nay là nhờ Đảng, Nhà nước đã quan tâm, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, định canh định cư, làm đường giao thông, chăm lo cho sức khỏe cộng đồng...; phá rừng làm rẫy, uống rượu say đánh đập vợ con là vi phạm pháp luật...
Bằng những việc làm cụ thể, các già làng ở Lộc Hòa như những cây đại thụ giữa núi rừng vùng biên giới, trở thành chỗ dựa tinh thần vững chãi cho đồng bào DTTS.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065