BPO - Tròn 70 năm trước, trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những yêu cầu chính về: Tổ chức, phương châm hoạt động, tác chiến và việc cung cấp cho đội. Người căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Những hoạt động đầu tiên của đội sẽ nhằm đánh vào một vài đồn địch, cướp súng đạn của địch... Phải dựa chắc vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể thắng được, nguồn cung cấp sẽ dựa vào dân...”. Chỉ với 500 đồng (tiền Đông Dương) trong ngân quỹ, song với phương hướng cơ bản đã được Đảng, Bác Hồ vạch ra từ những ngày đầu, ngành hậu cần quân đội nhanh chóng hình thành, phát triển, lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng với quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta.
Chiến sĩ Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 tích cực tăng gia sản xuất cải thiện đời sống |
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ngành hậu cần hôm nay luôn trân trọng, tự hào về những đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của quân đội. Trong kháng chiến chống Pháp, ngành hậu cần quân đội phát triển từ các phòng, các cục chuyên ngành thành Tổng cục Cung cấp (Tổng cục Hậu cần ngày nay) để thực hiện nhiệm vụ trang bị, cấp dưỡng quân đội và sản xuất quốc phòng. Từ đây, ngành hậu cần quân đội đã được tổ chức thành hệ thống thống nhất trong chỉ huy, chỉ đạo các chuyên ngành và hậu cần các đơn vị, tập trung mọi khả năng, hiệp đồng chặt chẽ bảo đảm cho tác chiến thắng lợi. Tổng cục Cung cấp đã tổ chức tốt bảo đảm hậu cần cho các chiến dịch lớn, đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành hậu cần quân đội đã nỗ lực vượt bậc, khắc phục những khó khăn to lớn, giải quyết những mâu thuẫn gay gắt về mọi mặt, vừa xây dựng vừa bảo đảm và ngày càng trưởng thành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Toàn ngành đã huy động, tổ chức tiếp nhận, thu mua, sản xuất, tạo nguồn vật chất và tổ chức bảo đảm cho LLVT hơn 9 triệu tấn vật chất các loại. Cán bộ, chiến sĩ ngành hậu cần quân đội đã dũng cảm trong chiến đấu, lao động sản xuất và công tác, góp phần xứng đáng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên Đại thắng Mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau ngày đất nước thống nhất, ngành hậu cần quân đội tiếp tục bước vào bảo đảm cho các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và bảo đảm hậu cần cho các lực lượng làm nhiệm vụ quốc tế, bảo vệ chủ quyền biển, đảo... Từ năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành hậu cần quân đội đã chủ động đổi mới về tổ chức và phương thức bảo đảm hậu cần phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường; tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng về xây dựng thế trận hậu cần nhân dân, phát huy thế mạnh đó trong xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ. Ngành cũng đã trực tiếp xây dựng các kế hoạch bảo đảm hậu cần cho phòng thủ đất nước và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, cải tiến trang bị bảo đảm cho quân đội sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, xây dựng chính quy, hiện đại; chăm lo bảo đảm tốt đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ toàn quân.
70 năm qua, ngành hậu cần quân đội đã đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ phân tán, riêng lẻ từng chuyên ngành đến tập trung thống nhất, đồng bộ các mặt bảo đảm, tổ chức, trang bị và nâng cao trình độ của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên. Những đóng góp của ngành hậu cần quân đội là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp và chiến thắng vẻ vang của quân đội và LLVT nhân dân.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới bên cạnh thuận lợi cơ bản đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Để chủ động chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, quân đội ta cần không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu. Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đó, ngành hậu cần quân đội sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng toàn diện, hiệu quả các mặt công tác.
Toàn ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân của Đảng, trọng tâm là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới theo Nghị quyết số 28/NQ-TW, tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) và các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương về xây dựng quân đội, xây dựng ngành hậu cần quân đội trong tình hình mới. Củng cố hệ thống tổ chức hậu cần nhân dân và hậu cần quân đội các cấp vững mạnh toàn diện; lấy hậu cần nhân dân, hậu cần trong khu vực phòng thủ là nền tảng và hậu cần quân đội là nòng cốt; thực hiện hậu cần gắn với dân, gắn với kinh tế, trên từng địa bàn, nhất là địa bàn trọng yếu. Hoàn thiện cơ chế chính sách, hình thức thu hút, huy động có hiệu quả các nguồn lực của đất nước bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Xây dựng thế trận và tiềm lực hậu cần tại chỗ các cấp ngày càng liên hoàn vững chắc, nhất là trên hướng, địa bàn chiến lược, trọng yếu...
Chấn chỉnh, kiện toàn lực lượng hậu cần thường trực thống nhất, chính quy từ hậu cần chiến lược đến hậu cần đơn vị tinh gọn, mạnh, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong thời bình và sẵn sàng phát triển, mở rộng khi có tình huống. Chú trọng xây dựng lực lượng hậu cần DBĐV với số lượng hợp lý, chất lượng cao. Hoàn thiện chiến lược phát triển trang bị hậu cần theo hướng đầu tư, ứng dụng nhanh công nghệ hiện đại, phù hợp với tác chiến tương lai và điều kiện của đất nước. Chủ động chuẩn bị hậu cần chu đáo, bí mật, an toàn. Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện Hội đồng Cung cấp các cấp, trước hết là của khu vực phòng thủ giúp cấp ủy và chính quyền địa phương xây dựng, huy động nhân tài vật lực bảo đảm cho LLVT trong mọi tình huống.
Xây dựng ngành hậu cần quân đội VMTD theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đặt lên hàng đầu xây dựng ngành vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, từ đó xây dựng các mặt công tác khác nhằm mục tiêu xây dựng lực lượng hậu cần với số lượng hợp lý, cơ chế hoạt động khoa học, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho các nhiệm vụ. Cán bộ, chiến sĩ ngành hậu cần quân đội luôn nêu cao tinh thần và quan điểm phục vụ bộ đội; tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp công tác; hoàn thiện phương thức bảo đảm và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, từng bước đổi mới trang bị hậu cần, “lo trước, tính trước”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các tổ chức, các lực lượng trong toàn ngành nghiêm túc thực hành “cần, kiệm, liêm, chính”, đấu tranh kiên quyết với các hiện tượng tiêu cực, lãng phí, tham ô... Tăng cường quản lý hậu cần, bảo đảm ở đâu có tổ chức và hoạt động hậu cần ở đó có sự quản lý chặt chẽ của cấp ủy, người chỉ huy và cơ quan chức năng các cấp.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065