“BỆ ĐỠ” THOÁT NGHÈO
Gia đình anh Nguyễn Trung Nguyên ở ấp 2, xã Đồng Tâm là một trong những hộ thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Anh Nguyên lập gia đình năm 2008. Vợ là giáo viên Trường THCS Đồng Tâm, còn anh Nguyên không có việc làm ổn định nên sau khi có con nhỏ, cuộc sống gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Để có tiền trang trải cuộc sống, anh đi làm thuê cho các hộ trong xã. Tiếp đó, anh nuôi bò nhưng giá trị kinh tế mang lại không cao nên chuyển sang kinh doanh bò thịt, mua qua bán lại kiếm lời... Sau nhiều năm tích góp và vay mượn thêm, trong đó có 62 triệu đồng vốn vay của NHCSXH, năm 2017 anh Nguyên đã sang nhượng lại thửa đất mặt tiền quốc lộ 14 ở ấp 2 để dựng nhà và mở tiệm tạp hóa.
Gia đình chị Nguyễn Thị Liệu ở ấp 2, xã Đồng Tâm (Đồng Phú) đã thoát nghèo nhờ vay vốn NHCSXH đầu tư mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống
Anh Nguyên cho biết: “Sau nhiều năm đi làm thuê nhưng thu nhập không đáng là bao nên tôi mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa với rau, củ, quả, thịt, cá tươi sống, hàng khô, ga, gạo...”. Với tính tình vui vẻ, mua bán hoạt bát, nhanh nhẹn, giá phải chăng, cửa hàng của anh luôn tấp nập khách đến mua. Nhờ đó, đến nay tổng giá trị hàng hóa tại cửa hàng tạp hóa của gia đình anh đã lên tới gần 2 tỷ đồng. Anh Nguyên cho biết, trung bình mỗi ngày, anh bán hàng thu về từ 25-30 triệu đồng, mỗi tháng trừ chi phí thu lời khoảng trên 20 triệu đồng. Với thu nhập ổn định, cuối năm 2017, gia đình anh thoát nghèo bền vững.
Với số vốn tích cóp từ nhiều năm buôn bán và nhờ vay vốn của NHCSXH, năm 2017, gia đình chị Nguyễn Thị Liệu ở ấp 2, xã Đồng Tâm đã có nhà ở kiên cố và cửa hàng kinh doanh ăn uống trị giá 1,5 tỷ đồng. Hộ ông Điểu Thót ở ấp 4, xã Đồng Tâm cũng có thu nhập ổn định từ vay vốn NHCSXH. Năm 2017, ông được vay 50 triệu đồng đầu tư chăm sóc vườn điều và mua xe ba gác đi chở hàng thuê. Có thu nhập ổn định, gia đình ông đã thoát nghèo vào năm 2018.
Bà Phạm Thị Thu Sương, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Phú cho biết: Những năm qua, công tác hỗ trợ người dân, đặc biệt là hộ dân tộc thiểu số tiếp cận vốn vay ưu đãi luôn được đơn vị triển khai rộng khắp. Để tạo thuận lợi cho người dân, hằng tháng, đơn vị thực hiện “Ngày giao dịch cố định” tại một xã, thị trấn, tức là đến các xã nhận hồ sơ cho vay, giải ngân vốn vay, thu lãi, huy động tiền gửi... và tháo gỡ, giải đáp mọi vướng mắc cho người dân. Hiện nay, Đồng Tâm, Tân Lợi là những xã khó khăn có dư nợ cho vay cao.
Nói về đồng vốn của NHCSXH, bà Vũ Thị Tươi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đồng Tâm cho biết: “Nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội của xã, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt đã góp phần thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bởi, ngoài phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nhiều hộ dân đã có vốn đầu tư vào các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, nâng cấp nhà ở... Năm 2018, xã Đồng Tâm có 44 hộ thoát nghèo, trong đó 18 hộ hội viên phụ nữ. Có được thành công đó, sự trợ giúp về vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện đóng vai trò rất quan trọng, là bệ đỡ, nền tảng để các hộ vươn lên thoát nghèo”.
KIỂM SOÁT TỐT NGUỒN VỐN CHO VAY
Đến hết tháng 4-2019, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH trên địa bàn huyện Đồng Phú đạt 246 tỷ 251 triệu đồng. Trên địa bàn huyện hiện có 214 tổ tiết kiệm và vay vốn. Tất cả các tổ đều có số dư tiền gửi tiết kiệm và Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Phú đang thực hiện 15 chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ đối với người dân. Trong đó một số chương trình cho vay phát huy hiệu quả cao như: Cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay học sinh, sinh viên và sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn...
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Phú Phạm Thị Thu Sương cho biết thêm: để đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng, đơn vị đã phối hợp các ngành, địa phương và các đoàn thể nhận ủy thác thực hiện kỹ việc bình xét rồi mới giải quyết các thủ tục cho vay. Việc giám sát, theo dõi quá trình người dân sử dụng vốn vay ưu đãi cũng được thực hiện khá tốt. Để quản lý tốt nguồn vốn cho vay, ngay từ đầu năm, đơn vị xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát vốn, rà soát, nắm danh sách các hộ nợ đến hạn để chủ động đôn đốc, thu hồi vốn. Đối với giám sát nợ đến hạn hằng tháng, đơn vị gửi danh sách cho tổ chức hội nhận ủy thác cấp xã để chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn phân tích kỹ từng trường hợp, báo cáo ngân hàng để có biện pháp phù hợp như: Cho gia hạn nợ, đôn đốc thu nợ. Với những trường hợp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, đơn vị phối hợp lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt khoanh nợ... Nhờ quản lý tốt, nguồn vốn đang được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Hiện nay, nợ quá hạn trên địa bàn chỉ còn 275 triệu đồng, chiếm 0,11% tổng dư nợ (mức cho phép là 2%). Thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động, xử lý tốt các khoản nợ sắp đến hạn, nợ quá hạn, hạn chế phát sinh nợ quá hạn mới.
Cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả lâu dài cần nâng mức cho vay và kéo dài thời gian trả nợ. Đặc biệt, ngân hàng cần kiểm soát tốt nguồn vốn từ việc giải ngân đến thu hồi nợ, lãi, đảm bảo nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả thiết thực.
Minh Luận
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065