BPO - Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Tính đến thời điểm này, đại dịch Covid-19 đang khiến thế giới lâm vào khủng hoảng về mọi mặt và Việt Nam cũng không ngoài sự tác động tiêu cực của dịch bệnh. Đời sống của người dân trong nước bị xáo trộn; doanh thu từ các ngành dịch vụ, bán lẻ giảm sút mạnh; nhiều ngành công nghiệp chủ lực lao đao... Đặc biệt, dịch Covid-19 còn tác động mạnh, ảnh hưởng toàn diện đến sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc phải cắt giảm quy mô sản xuất, thậm chí phá sản, dẫn đến một bộ phận rất lớn lao động thất nghiệp hoặc nghỉ không hưởng lương hay dừng hợp đồng lao động không hưởng lương, nhất là với những ngành nghề, như: du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải, công nhân may mặc...
Ước tính hiện cả nước có 19% doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc... Theo đó, hàng triệu lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Còn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì cho rằng, nếu diễn biến dịch Covid-19 có xu thế đi ngang như hiện nay, ước tính quý 2 năm nay có trên 250.000 lao động trong doanh nghiệp mất việc làm và hàng triệu lao động ngừng việc. Nếu dịch bùng phát mạnh hơn, sẽ có từ 350-400 ngàn lao động mất việc làm và khoảng 2-3 triệu lao động có nguy cơ ngừng việc.
Toàn tỉnh Bình Phước có 7.449 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trên các lĩnh vực, thu hút hơn 50.000 lao động trong và ngoài tỉnh làm việc hằng ngày. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, không ít doanh nghiệp đã và đang phải hoạt động cầm chừng hay cho công nhân nghỉ việc luân phiên. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản vì mất thị trường, nhất là những doanh nghiệp chuyên chế biến và xuất nhập khẩu nông sản.
Thực tế cũng cho thấy, những trường hợp mất việc làm vì dịch Covid-19, nhưng được hưởng trợ cấp thất nghiệp còn “chống đỡ” được phần nào. Nhưng với người lao động mùa vụ mất việc, không được tham gia bảo hiểm thời vụ, không có bảo hiểm thất nghiệp sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Do đó, chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động mất việc, nhất là lao động không có bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội lúc này là vô cùng quý báu. Đây cũng chính là chiếc “phao cứu sinh” giúp người lao động vượt qua nguy nan trước mắt, tích cực chung tay cùng cả nước chống dịch.
Trong khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, giải pháp hỗ trợ bền vững nhất vẫn là tạo việc làm ổn định cho người lao động, tức là Nhà nước cần ưu tiên giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển sản xuất bằng các giải pháp giãn nợ, khoanh nợ ngân hàng, gia hạn nộp thuế... Tuy nhiên, việc hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn này là vô cùng cần thiết. Song, để việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, mục đích, hiệu quả, kịp thời thì cần được thực hiện công khai, minh bạch và không để lợi dụng, trục lợi chính sách...
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065